Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Tư (11/3) đã tuyên bố viêm phổi Vũ Hán mà họ đặt tên mới COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Hiện tại virus corona chủng mới (nCoV) gây viêm phổi Vũ Hán đã lây lan ra ít nhất 112 quốc gia, nhiễm bệnh cho hơn 125.000 người và khiến hơn 4.600 người tử vong.
“Đây là đại dịch đầu tiên do virus corona gây ra”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố trong buổi họp báo hôm 11/3 tại Geneva, Thụy Sĩ.
Đây là lần đầu tiên WHO tuyên bố một dịch bệnh là đại dịch toàn cầu kể từ đại dịch “cúm lợn” H1N1 năm 2009.
“Trong hai tuần qua, số ca nhiễm ngoài Trung Quốc đã tăng gấp 13 lần và số quốc gia bị ảnh hưởng đã tăng gấp 3. Trong vài ngày và vài tuần tới, chúng tôi dự đoán sẽ còn nhiều ca nhiễm mới, nhiều ca tử vong và số lượng quốc gia bị ảnh hưởng sẽ tiếp tục tăng cao hơn”, ông Tedros nói.
Tổng giám đốc WHO nói rằng ông thừa nhận nhiều nước đã có thể kiềm chế và kiểm soát dịch bệnh, nhưng ông cũng chỉ trích một số lãnh đạo thế giới đã không hành động đủ nhanh, đủ quyết liệt để kiềm chế dịch bệnh lây lan.
Các ca nhiễm tại Trung Quốc và Hàn Quốc đã đang giảm đáng kể, ông Tedros nói và cho biết thêm rằng 81 nước vẫn chưa xác nhận bất kỳ ca COVID-19 nào và 57 nước có ít hơn 10 người nhiễm bệnh.
8 quốc gia gồm Trung Quốc, Ý, Iran, Hàn Quốc, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ, mỗi nước đã có hơn 1.000 ca nhiễm nCoV.
Ngoài Trung Quốc, tính đến hết ngày 11/3, số ca nhiễm nCoV đã lên hơn 33.000 người tại ít nhất 112 quốc gia. Trước đó, vào ngày 21/1 mới có 282 trường hợp bị viêm phổi Vũ Hán tại 4 nước.
Tổng giám đốc WHO cảnh bảo rằng: “Một số nước đang đấu tranh với dịch bệnh nhưng thiếu năng lực. Một số nước đấu tranh với dịch bệnh nhưng thiếu nguồn lực. Một số nước đấu tranh với dịch bệnh nhưng thiếu giải pháp”.
Lần gần nhất WHO tuyên bố một đại dịch toàn cầu là đợt bùng phát dịch cúm lợn H1N1 năm 2009. Trong đại dịch đó, cúm H1N1 đã cướp đi sinh mạng của hơn 18.000 người ở hơn 214 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo số liệu của WHO.
Tổng giám đốc WHO Tedros nói rằng COVID-19 là dịch bệnh đầu tiên do virus corona gây ra mà WHO phải xếp loại là đại dịch toàn cầu. Dịch SARS bùng phát năm 2002-2003 cũng do virus corona, chưa được phân loại là đại dịch.
Giám đốc chương trình khẩn cấp sức khỏe của WHO, ông Mike Ryan nói rằng giới chức y tế đánh giá đại dịch là vấn đề sức khỏe “rất nghiêm trọng”. “Chúng tôi hiểu ý nghĩa của từ này”, ông Ryan nói.
“Thực tế là ngay bây giờ tại các nước, chúng ta cần giúp đỡ những nhân viên y tế trên tuyến đầu. Chúng ta cần hỗ trợ các bệnh viện. Chúng ta cần chăm sóc những người đang cần chúng ta… Tất cả các nước cần phải thông báo về các chiến lược [ứng phó dịch bệnh] ngay bây giờ”, ông Ryan nói.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO Tedros vẫn muốn trấn an người dân toàn thế giới khi nói rằng mọi người không phải sợ việc phân loại dịch COVID-19 là đại dịch và không nên coi điều này đồng nghĩa với việc cuộc chiến chống lại loại virus này đã kết thúc.
“Việc mô tả tình huống này là đại dịch không làm thay đổi cách đánh giá của WHO về mối đe dọa do virus [corona] gây ra. Việc mô tả đó không thay đổi những gì WHO đang làm. Và nó không làm thay đổi những gì các nước nên làm”, ông Tedros nhấn mạnh.
Xuân Thành
Xem thêm:
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…