Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ cho biết theo khảo sát, trong 50.000 cử nhân CNTT ra trường chỉ có 30% làm việc được ngay, có việc làm đúng nghề; 70% phải đào tạo lại.
Ngày 30/3, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT, Bộ TT-TT tổ chức buổi tọa đàm phát triển nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) – truyền thông trình độ cao gắn kết cơ sở giáo dục Đại học – Doanh nghiệp.
Tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết hiện có 235 trường đại học trong đó có 50 trường đào tạo CNTT. Hàng năm có khoảng 50.000 sinh viên CNTT ra trường. Tuy nhiên số lượng này vẫn chưa đủ so với nhu cầu phát triển doanh nghiệp CNTT, đặc biệt trong bối cảnh CNTT trở thành ngành kinh tế lớn với quy mô 100 tỷ USD, giá trị xuất khẩu khoảng 93 tỷ USD, xuất siêu trên 25 tỷ USD và cần gần một triệu lao động.
Theo tính toán, đến năm 2020, ngành CNTT cần 100.000 cử nhân và phải là cử nhân chất lượng. Nhưng thực tế khảo sát trong số 50.000 cử nhân CNTT ra trường cho thấy chỉ 30% làm việc được ngay, có việc làm đúng nghề, 70% phải đào tạo lại.
“Vấn đề này khiến chúng ta phải xem lại nhà trường đã đào tạo thế nào, doanh nghiệp đã đồng hành với quá trình đào tạo trong trường ra sao” – Bộ trưởng Nhạ nói.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT-TT cho rằng truyền thống giáo dục Việt Nam là học trước rồi làm sau, là thầy dạy trò nghe, học sách giáo khoa là chính, học thuộc là quan trọng, giảng đường là cơ sở chính của đại học, học nhiều thực hành ít, học dài hạn là chính.
Trong khi thế giới lại khác, đó là làm trước rồi học sau, tự học để biết đến 70-80% rồi mới hỏi thầy, học cách tìm ra vấn đề quan trọng hơn học thuộc, phòng thí nghiệm trở thành cơ sở chính của nhà trường; nghiên cứu trong môi trường ảo, mô phỏng nhiều hơn môi trường thật; tiếng Anh, công nghệ trở thành công cụ tối thiểu và bắt buộc.
Ông Hùng đặt câu hỏi: Đầu ra của nhà trường là doanh nghiệp nhưng nhà trường đã bám theo doanh nghiệp để thiết kế sản phẩm của mình chưa? Để có nhân lực tốt cho mình thì doanh nghiệp đã tham gia cùng nhà trường chưa? Hay hai đối tượng này vẫn rất xa nhau và đổ lỗi cho nhau?
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là nhân lực thì doanh nghiệp phải đầu tư vào vấn đề này, cùng nhà trường nâng cao chất lượng.
Chia sẻ thêm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng các trường đại học cần thay đổi phương thức đào tạo giảm bớt hàn lâm, tăng cường đưa sinh viên đi thực tập, nhúng mình vào các doanh nghiệp CNTT, như trường y với bệnh viện. Cần hình thành những trung tâm đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp, sinh viên CNTT ra trường không chỉ có việc làm mà còn khởi nghiệp tạo việc làm.
Văn Duy
Xem thêm:
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…