2.000 trẻ em bị bạo hành, 200.000 sinh viên thất nghiệp
- Trần Tâm - Kim Long
- •
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết trên thế giới, bình quân mỗi năm khoảng 150 triệu trẻ em bị bạo lực, trong đó 73 triệu là trẻ trai. Khu vực châu Á Thái Bình Dương là nơi có tỷ lệ bạo lực lớn nhất. Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 2.000 trường hợp bạo lực trẻ em. Bộ cũng cho biết thêm đây mới chỉ là con số thống kê, tuy nhiên còn nhiều hơn.
Trong ngày hôm nay (5/6), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung sẽ trả lời chất vấn tập trung vào các vấn đề thực trạng thị trường lao động ở nước ta hiện nay, vấn đề giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Các giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề; dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội. Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em.
Cùng “chia lửa” với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: GD&ĐT, TT&TT, Ngoại giao, Công an và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
2.000 trẻ em bị bạo hành mỗi năm
Về vấn đề bạo lực trẻ em, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) chất vấn Bộ trưởng khi Bộ chưa đủ năng lực để đẩy lùi vấn nạn này. Bộ trưởng có giải pháp gì?
Bộ trưởng cho rằng tình trạng bạo hành trẻ em là vấn đề rất nóng trong thời gian qua. Thế giới, bình quân mỗi năm khoảng 150 triệu em bị bạo lực, trong đó 73 triệu là trẻ trai. Khu vực châu Á Thái Bình Dương là nơi có tỷ lệ bạo lực lớn nhất.
Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 2.000 trường hợp bạo lực trẻ em xảy ra. Bộ cũng cho biết thêm đây mới chỉ là con số thống kê, tuy nhiên còn nhiều hơn.
Bộ trưởng cũng khẳng định Việt Nam có đủ khung pháp lý được quy định tại Luật trẻ em, nghị định 61, chỉ thị 18, ra đời đường dây nóng 111,…
Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận thời gian gần đây xảy ra một số vụ việc xâm hại trẻ em phức tạp, gây bức xúc xã hội và dư luận lên án hành vi này.
Giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng sẽ rà soát hệ thống pháp luật, cụ thể hoá trách nhiệm của ngành, đề cao trách nhiệm gia đình, nhà trường trong phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Tranh luận với bộ trưởng Dung, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) – chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng con số 2.000 vụ bạo hành không sát thực.
“Riêng các cơ quan tư pháp báo cáo xâm hại tình dục trẻ em mỗi năm đã là 1.500 vụ rồi. Tôi đề nghị bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSND dân tối cao, Chánh án TAND tối cao đưa ra giải pháp để giải quyết bế tắc trong việc chứng minh tội phạm xâm hại trẻ em? Tôi cũng đề nghị Bộ trưởng trả lời kỹ hơn. Bởi những sự việc này khiến dư luật rất bất bình” – bà Nga nói.
Hơn 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp
Bộ trưởng Dung cho biết ngành lao động sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung xử lý, giải quyết việc làm cho hơn 200.000 sinh viên ra trường đang thất nghiệp; tập trung đào tạo cho các lao động đang có việc làm nhưng đứng trước nguy cơ sa thải, đơn cử lao động trong lĩnh vực giày da.
Cùng với đó, Bộ sẽ rà soát, tổ chức lại 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cùng với địa phương sắp xếp giảm 325 trường cao đẳng, 328 cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp huyện trên nguyên tắc tích hợp, sáp nhập. “Những trường nào không tuyển sinh được trong ba năm qua có thể xem xét đóng cửa“, Bộ trưởng cho hay.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng)chất vấn về việc lao động xuất khẩu Việt Nam chủ yếu trình độ thấp, nhiều công ty môi giới lao động đem con bỏ chợ, nhiều lao động không thuân thủ hợp đồng.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Bộ trưởng cho biết sẽ đưa khoảng 1 triệu thanh niên ra nước ngoài, đến nay có khoảng 500 ngàn người lao động, con số này gần đây tăng lên.
Năm 2017 đưa được 134 ngàn người, chúng ta ký quan hệ lao động cấp quốc gia với Nhật Bản, một năm bình quân thu nhập thu về gần 3 tỷ USD, tỉnh Nghệ An cao nhất là 250 triệu USD/năm.
Tỷ lệ bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không về nước cao, đặc biệt là Hàn Quốc (có năm chiếm tới 55%), vì vậy 4 năm Hàn Quốc không ký lại bản ghi nhớ với Việt Nam. Thời gian vừa qua, Chính phủ ký quỹ cho Tổ chức ký quỹ, yêu cầu các doanh nghiệp thuyết phục, tổ chức ngày hội việc làm bên nước bạn,…và sau 3 năm tỷ lệ trên còn 33% và Hàn Quốc đã ký lại bản ghi nhớ trên.
Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) chất vấn Bộ trưởng đã chọn năm 2018 là năm đột phá trong giáo dục nghề nghiệp, vậy đâu là những giải pháp chính? Bộ trưởng có kỳ vọng vào sự lựa chọn các giải pháp này không?
Bộ trưởng cho biết trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội thì nguồn nhân lực có vai trò quan trọng, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực thấp sẽ ảnh hưởng tới năng suất lao động.
Đến hết năm 2017, hơn 40% lao động vẫn là trong ngành nông nghiệp, nhưng chỉ đóng góp hơn 15% GDP. Sự chuyển dịch lao động chậm đã ảnh hưởng đến năng suất lao động.
Thời gian tới, Bộ ưu tiên giáo dục nghề nghiệp là việc đặc biệt quan trọng. Giải pháp này sẽ quyết định đến chuyển dịch lao động, góp phần tái cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh 3 vấn đề phải quan tâm: quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới đào tạo; chuyển mạnh sang tự chủ và trong giáo dục nghề nghiệp phải chuyển hẳn sang hướng mới, nhà trường và doanh nghiệp đồng hành.
“Chúng tôi đã thí điểm 10 trường, ký kết với 15 tập đoàn, đào tạo theo đơn đặt hàng của các tập đoàn“, bộ trưởng Dung cho biết.
Trần Tâm – Kim Long
Xem thêm:
Từ khóa Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung bảo vệ trẻ em xâm hại trẻ em chất lượng lao động năng suất lao động bạo hành trẻ em