Từ năm 2021 đến ngày 30/4/2022, 857 người làm trong lĩnh vực y tế đã nghỉ việc, chuyển công tác do “chế độ đãi ngộ và mức thu nhập hạn chế”, UBND TP Hà Nội đưa ra báo cáo.
UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo kết quả thực hiện kết luận của chủ tọa tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 3 HĐND TP.
Báo cáo cho hay từ khi dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) bùng phát, các nhân viên y tế phải làm việc kiêm nhiệm, thực hiện nhiều nhiệm vụ, phải làm thêm ngoài giờ, không kể ngày đêm. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ và mức thu nhập cho nhân viên y tế còn hạn chế so với các doanh nghiệp, đơn vị y tế ngoài công lập hoặc cơ sở y tế thuộc các bộ, ngành. Hệ quả là nhiều nhân viên y tế Hà Nội đã xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác về những đơn vị có mức thu nhập cao hơn.
UBND TP Hà Nội dẫn báo cáo sơ bộ của các đơn vị trong ngành cho biết năm 2021, toàn ngành y tế Hà Nội có 532 người xin nghỉ việc và 82 người xin chuyển công tác. Riêng từ tháng 1/2022 đến ngày 30/4/2022 có 226 người nghỉ việc và 17 người xin chuyển công tác.
Tổng cộng trong vòng 1 năm 4 tháng, toàn TP có 857 nhân viên y tế nghỉ việc, xin chuyển công tác, bình quân mỗi tháng 53 người thôi việc.
Theo UBND TP Hà Nội, trong trường hợp dịch COVID-19 bùng phát trở lại hoặc xuất hiện chủng virus mới có khả năng lây lan, nguy hiểm thì thảm họa xảy ra rất khó lường. Nếu không có chế độ hỗ trợ các y, bác sĩ và nhân viên y tế của TP.Hà Nội kịp thời thì sẽ không đảm bảo nhân lực phòng, chống dịch.
Sở Y tế Hà Nội đã ra văn bản trình UBND TP, báo cáo Thường trực HĐND TP về việc đề nghị xây dựng, ban hành Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ cho các y, bác sĩ và nhân viên y tế của TP Hà Nội theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Theo Sở này, cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng kịp thời cho các nhân viên y tế, đồng thời cần sớm giải quyết để tri ân, ghi nhận, khích lệ, động viên đối với những đóng góp to lớn của đội ngũ này, “nhằm sớm thu hút và duy trì lực lượng cán bộ có chuyên môn”.
Tờ trình dự kiến sẽ được trình HĐND TP Hà Nội tại phiên họp thường kỳ HĐND vào đầu tháng 7 tới.
Chờ… phụ cấp chống dịchTheo Nghị quyết 16 của Chính phủ, những người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch; những người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc COVID-19, nghi mắc COVID-19 tại khu vực cách ly của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người làm công việc lấy mẫu, gộp mẫu, phân tách mẫu, người trực tiếp làm xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cơ sở y tế; người làm công việc vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh tại khu điều trị người mắc COVID-19 sẽ nhận phụ cấp 300.000 đồng/người/ngày. Mức hỗ trợ 200.000 đồng/người/ngày dành cho những người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm; bảo quản tử thi người bệnh; người giặt đồ vải, quần áo bác sĩ, bệnh nhân; thu gom vỏ chai, lọ, hộp hóa chất; bảo vệ khu điều trị cách ly; vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh trong khu cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người làm nhiệm vụ giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà và cơ sở cách ly y tế theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước; người làm công việc súc rửa dụng cụ, pha chế môi trường tại cơ sở y tế để phục vụ cho phòng xét nghiệm SARS-CoV-2. Người làm nhiệm vụ tại cơ sở cách ly y tế tập trung (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú), phân luồng, làm thủ tục cho người nhập cảnh; người bảo vệ khu vực cách ly y tế tại các địa bàn dân cư theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước; người làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh tại các tổ, chốt đường mòn, lối mở trên toàn tuyến biên giới; cán bộ y tế thường trực 24/24h tại cơ sở điều trị cách ly y tế để chăm sóc, điều trị người mắc, nghi mắc COVID-19 được hỗ trợ tiền ăn là 80.000 đồng/người/ngày… Tuy nhiên, thực tế nhân viên y tế nhiều nơi phản ánh các khoản trợ cấp này tới nay vẫn chưa được chi trả. Gần đây nhất là phản ánh của các nhân viên y tế ở Nghệ An, cho hay “bảo chờ thì cũng biết là chờ thôi, nhưng đến nay cũng đã hơn 1 năm rồi”, theo báo Tiền Phong. Bài báo dẫn thông tin từ ông Nguyễn Thế Tùng – Giám đốc Trung tâm Y tế TP Vinh xác nhận từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở TP Vinh, các khoản phụ cấp chống dịch của nhân viên y tế tại đây đều chưa được chi trả. Tại buổi thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) của Quốc hội ngày 13/6, nhiều đại biểu đã đưa ra những đóng góp về hệ thống y tế, chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế, biện pháp ngăn chặn tiêu cực, đánh giá năng lực hành nghề ngành y… Đại biểu Quốc hội – bác sĩ Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu T.Ư cho hay 40 năm làm nghề y, chưa bao giờ ông thấy luật pháp về y tế lại bị khủng hoảng, thiếu hụt và không cập nhật như bây giờ. Trong đợt dịch COVID-19, cán bộ y tế gồng mình làm ngày làm đêm bất chấp nguy hiểm mà thù lao cấp cơ sở chỉ 18.600 đồng/đêm. “Những quy định của luật pháp không còn phù hợp để chống dịch đã “bó tay” ngành y, đã không thỏa đáng với những gì cán bộ y tế đang đóng góp. Hàng ngàn cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở xin thôi việc cũng có nguyên nhân từ đó.” – ông Trí nhận định. |
Nguyễn Quân
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…