Đồng Nai rối bời trong ‘cơn bão’ y bác sĩ nghỉ việc
- Minh Sơn
- •
Trong cơn sóng cạn nguồn thuốc men, vật tư y tế tại hàng loạt tỉnh thành, thực trạng y bác sĩ nghỉ việc vẫn tiếp tục nối dài tại nhiều bệnh viện công. Câu chuyện y bác sĩ lương thấp, áp lực lớn, nghỉ viện công sang viện tư không còn mới với con số hàng trăm người nghỉ nhiều năm qua, chỉ tính riêng tại một bệnh viện ở Đồng Nai, song tin phản ánh thì nhiều mà giải pháp thì thưa thớt.
Báo Sức Khỏe và Đời Sống – cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế ngày 22/6 đưa bài viết phản ánh bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế tại hai bệnh viện công lớn của tỉnh Đồng Nai đã và đang đồng loạt nghỉ việc.
Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất – TS. Phạm Văn Dũng cho biết bệnh viện hiện có 1.255 cán bộ, nhân viên, trong đó có 267 bác sĩ, 400 điều dưỡng.
Từ tháng 1/2021 đến nay, toàn bệnh viện có 114 viên chức, người lao động thôi việc, bỏ việc, gồm 34 bác sĩ, 42 điều dưỡng, 38 nhân viên. Hiện tại có 10 bác sĩ, điều dưỡng, cử nhân đang xin nghỉ việc nhưng bệnh viện chưa giải quyết. Ngoài ra, có 13 người khác đang xin nghỉ không lương; 6 người xin chuyển công tác.
Tình trạng này không mới khi 5 năm qua, bệnh viện này đã “mất” khoảng 300 bác sĩ có tay nghề cao, đa số nghỉ việc để ra làm tại các bệnh viện tư trong tỉnh. Con số này cũng đã được ông Dũng cho biết hồi cuối tháng 12/2021 tại Hội nghị tổng kết công tác ngành y tế Đồng Nai năm 2021 và giao chỉ tiêu kế hoạch, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Tương tự, tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, BSCKII Ngô Đức Tuấn – Giám đốc bệnh viện cho biết trong năm 2021, bệnh viện có hàng trăm nhân viên xin nghỉ việc, trong đó có khoảng 20 bác sĩ có kinh nghiệm. Mặc dù bệnh viện cũng tuyển dụng được 30 bác sĩ vào làm nhưng đây là những bác sĩ mới ra trường, để có được kinh nghiệm đòi hỏi phải mất một thời gian rất lâu.
Trong loạt 3 bài “Cháy máu nhân lực y tế ở Đồng Nai”, báo Dân Việt ngày 20/6 cho hay tình trạng cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc còn xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Long Khánh, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai,… Các nhân viên y tế tuyến huyện, trạm y tế phường xã tại các huyện Thống Nhất, Long Khánh, Trảng Bom,… cũng ồ ạt xin nghỉ.
Tình trạng “chảy máu chất xám” vẫn chưa dừng tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất khi trong nửa đầu năm qua đã có trên 50 người gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật và cả kế toán xin nghỉ. Các khoa mất nhiều nhân lực nhất là nội tim mạch, nội soi, cấp cứu, tai mũi họng. Áp lực chồng áp lực, những người cố bám trụ phải gánh thêm 2-3 phần việc do người đi để lại cũng lần lượt nản, muốn nghỉ việc, rời đi.
Theo số liệu của Sở Y tế Đồng Nai, tình trạng y bác sĩ nghỉ việc đã diễn ra hàng năm, năm 2019 có 104 bác sĩ và 156 điều dưỡng nghỉ việc; năm 2020 có 80 bác sĩ và 131 điều dưỡng nghỉ; từ tháng 11/2021 đến nay, con số bác sĩ, điều dưỡng nghỉ việc lần lượt là 79 và 151.
Lương bác sĩ, điều dưỡng thấp hơn lương công nhân
“… Trưởng, phó khoa cũng đi…”, bác sĩ Dũng – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất nói tại hội nghị ngành y của tỉnh hồi cuối tháng 12/2021, thừa nhận nguyên nhân các bác sĩ nghỉ việc là do thu nhập thấp, áp lực lại nhiều. Bệnh viện tự chủ thu chi nên trong thời gian dịch COVID-19, các nhân viên y tế làm việc nặng hơn nhưng thu nhập ít do số lượng bệnh nhân đến khám, chữa trị bệnh khác không nhiều.
“Có nhiều nguyên nhân, nhưng cái chính vẫn là chính sách đãi ngộ còn thấp quá. Bác sĩ cũng như điều dưỡng mới ra trường lương chỉ 3-4 triệu đồng/tháng thôi, trong khi đó làm công nhân đã 6-7 triệu đồng rồi. Thực tế thì ngoài làm việc ở bệnh viện, bác sĩ còn làm phòng mạch để kiếm thêm nhưng chỉ số ít thôi; còn bác sĩ mới ra trường với điều dưỡng thì đâu làm được, chỉ dựa vào đồng lương là chính”, ông Dũng nói, báo Thanh Niên trích phỏng vấn tại thời điểm trên.
Sở Y tế Đồng Nai cho hay tại bệnh viện công lập, lương trung bình của một bác sĩ mới ra trường với các khoản lương, phụ cấp, thu nhập tăng thêm khoảng 4-5 triệu đồng; bác sĩ làm việc trên 5 năm khoảng 6-7 triệu đồng/tháng; bác sĩ 10 năm khoảng 7-9 triệu; bác sĩ trên 15 năm hơn 10 triệu đồng/tháng.
Trên thực tế, lương công nhân trung bình khoảng 6-7 triệu/tháng, nếu tăng ca có thể trên dưới 10 triệu đồng.
Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà – Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Nai nói rõ thêm bác sĩ ra trường chỉ nhận được mức hệ số lương 2,34 nhân với mức lương cơ bản là 1,49 triệu đồng thì chưa được 4 triệu đồng. Cộng thêm tiền trực, tiền ưu đãi ngành, tổng thu nhập được khoảng 5 triệu đồng, không còn khoản nào khác.
Nhất là đối với những người có chứng chỉ hành nghề, sự chênh lệch giữa hệ thống bệnh viện công – tư rất rõ rệt. Ở bệnh viện công, bác sĩ có thâm niên 5-10 năm chỉ có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng trong khi con số này ở hệ thống tư nhân sẽ gấp 3-4 lần, theo báo Lao Động ngày 24/3.
Lấy ý kiến từ chính các y bác sĩ, theo Dân Việt ngày 21/6, bác sĩ Đ.D.V – người nghỉ việc sau 4 năm làm tại Khoa Nội tiết – Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cho hay khi còn trẻ, chưa lập gia đình thì 6-7 triệu đồng/tháng cũng đủ trang trải. Nhưng khi lập gia đình, có con nhỏ, còn cha mẹ già thì mức thu nhập vẫn 6-7 triệu buộc anh phải nghỉ.
Chị N.T.L – điều dưỡng của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất nói cả hai vợ chồng đều làm ngành y. Kể từ mùa dịch, mọi việc trong nhà, con cái đều phải nhờ nội ngoại. Trực liên miên, tiền bạc lại thiếu trước hụt sau nên vợ chồng chị đành để một người nghỉ để kiếm việc khác làm để tăng thu nhập. Nghỉ việc sau 14 năm làm tại bệnh viện, chị L. nộp đơn vào một công ty tại KCN Amata để làm nhân viên y tế trong công ty.
Còn bác sĩ T.N, người vẫn đang cố trụ lại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, chủ yếu vì thương bệnh nhân vì người có chuyên môn đều đã rời đi rồi, cũng nói rằng lương quá thấp đôi khi anh cũng muốn nghỉ, chuyển sang bệnh viện tư để đỡ áp lực kinh tế. Anh N cho hay bệnh viện tư đang thu hút bác sĩ giỏi bằng đãi ngộ cao, có những bác sĩ lãnh lương 50 – 70 triệu đồng, gấp nhiều lần so với số lương bác sĩ nhận được tại bệnh viện công.
Bệnh viện công yếu kém về quản lý, hay do cơ chế tự chủ “nửa vời”?
Theo bác sĩ Huyên – Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, để nâng cao thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế, không có cách nào khác phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để thu hút bệnh nhân đến với bệnh viện. Có như vậy, bệnh viện mới có nguồn thu, thu nhập của nhân viên y tế mới đảm bảo.
Tương tự, bác sĩ Dũng – Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cho hay bệnh viện muốn phát triển được phải có 3 nền tảng vững chắc, là cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc và nhân lực, trong đó nhân lực là yếu tố quyết định. Vì theo bác sĩ Dũng, thiếu cơ sở vật chất, máy móc có thể bổ sung nhưng thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, không thể có ngay trong một sớm một chiều.
Tuy nhiên, bệnh viện này hiện nay thực tế đang rơi vào vòng luẩn quẩn khi bác sĩ, điều dưỡng tiếp tục nghỉ việc còn thuốc men thì thiếu một số loại, máy móc hỏng nhưng lại gặp khó trong mua sắm, đấu thầu. Nói trên báo Đồng Nai, bác sĩ Dũng cho hay trong số 3 máy CT của bệnh viện, có 2 máy CT 128 lát cắt và CT 256 lát cắt đã bị cháy bóng đèn, chỉ còn 1 máy CT hoạt động được. Với nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng thì 1 máy CT còn hoạt động này trước sau cũng bị quá tải và hư hỏng.
Bệnh viện đã làm văn bản xin ý kiến UBND tỉnh cho phép mua 1 máy CT 256 lát cắt từ nguồn vốn ngân sách và 1 máy CT từ quỹ phát triển sự nghiệp; đồng thời mời các nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm đánh giá xem 2 máy CT nói trên hư hỏng những gì. Tuy nhiên, ở Đồng Nai chưa có nơi nào thẩm định giá cho bệnh viện. Do không có đơn vị thẩm định giá nên bệnh viện không thể mua sắm, đấu thầu được.
Về việc đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế, liên hệ vụ Việt Á, bài báo trên dẫn lời giám đốc một bệnh viện tại Đồng Nai nói trong công tác đấu thầu có đến hàng ngàn loại thuốc, hàng ngàn loại vật tư y tế, hàng trăm loại hóa chất, rất khó để cán bộ y tế có thể nắm bắt hết. Nếu ai không tỉnh táo, rất dễ bị “sập bẫy”.
“Bản thân tôi cảm thấy rất đau lòng khi những chuyên gia giỏi đầu ngành của ngành y bị bắt. Ngoài vấn đề đạo đức, trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo còn có vấn đề cần đặt ra là cơ chế, chính sách còn nhiều lỗ hổng, bất cập. Chúng tôi được đào tạo rất bài bản về chuyên môn nhưng vấn đề quản lý, điều hành lại khá phức tạp, nhất là với công tác đấu thầu, mua sắm, chúng tôi là tay ngang, chỉ tham gia lớp đào tạo từ 3-5 ngày. Do vậy, nếu làm rất dễ bị sai” – người này nói.
Trong một bài phỏng vấn trên báo Lao Động ngày 3/5, BS CKII Lê Quang Trung – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho hay cần nhất là phải có cơ chế thoáng hơn, giao quyền tự chủ lớn hơn, rõ ràng hơn cho các bệnh viện, như: Tự chủ giá viện phí, tự chủ nhân sự, từ đó các bệnh viện tư phát triển xây dựng giá viện phí phù hợp, xây dựng giá trị thương hiệu thu hút bệnh nhân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao thu nhập mới giữ chân bác sĩ được.
Trong khi đó hiện nay, các bệnh viện dù đã mở các khoa dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập, giữ chân các y bác sĩ nhưng lại đang thiếu hẳn cơ chế pháp lý làm dịch vụ ở bệnh viện công lập. Hiện Bộ Y tế cũng chưa có thông tư để quy định giá viện phí dịch vụ, chỉ có thông tư giá dịch vụ theo bảo hiểm y tế và giá dịch vụ thông thường, nên đang có rất nhiều rào cản pháp lý.
Minh Sơn (T/h)
Từ khóa Đồng Nai y bác sĩ nghỉ việc