Categories: Thời sựViệt Nam

AirVisual có thể “biến mất”, nhưng ô nhiễm không khí thì không!

Từ ngày 6/10, cộng đồng mạng tại Việt Nam không tìm thấy ứng dụng AirVisual trên kho ứng dụng App Store và Play Store. Những người dùng đã tải ứng dụng này về trước đó cho biết ứng dụng vẫn hoạt động bình thường, tuy nhiên AirVisual đã loại bỏ nhiều điểm quan trắc gây tranh cãi. Ngoài ra, trang Fanpage AirVisual trên Facebook cũng không thể truy cập từ IP Việt Nam.

Việc AirVisual “biến mất” không phủ nhận được thực tế là ô nhiễm không khí tại Việt Nam đang ở mức báo động.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội (Ảnh qua vov.vn)

Ứng dụng AirVisual “biến mất” sau nhiều tranh cãi

Tìm kiếm trên App Store và Play Store, người dùng tại Việt Nam sẽ nhận được thông báo “Ứng dụng này hiện không khả dụng tại quốc gia của bạn,” còn khi tìm kiếm với vị trí (location) ngoài lãnh thổ Việt Nam, ứng dụng Air Visual vẫn có thể tải được bình thường.

Ngoài việc không tìm thấy ứng dụng, trang Fanpage của AirVisual cũng chặn việc truy cập từ Việt Nam. Tương tự như trên, khi dùng mạng riêng ảo (VPN) từ một quốc gia khác, người dùng vẫn có thể truy cập được. Đối với website AirVisual, người dùng tại Việt Nam vẫn có thể truy cập để xem như bình thường.

Trước khi “biến mất” khỏi hai kho App Store và Play Store tại Việt Nam, AirVisual từng là ứng dụng đo chất lượng không khí được tải nhiều nhất tại đây trong tuần trước. Người Việt cũng thường xuyên chia sẻ hình ảnh cập nhật về chất lượng không khí tại AirVisual trên Facebook cá nhân. 

Trong tuần trước, nhiều lần AirVisual đã xếp hạng Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Chỉ số bụi mịn PM2.5 cũng cao ở mức đáng báo động, nguy hại cho sức khoẻ.

Việc AirVisual “biến mất” tại Việt Nam được cho là do nhiều thông tin trái chiều về độ chính xác của ứng dụng này. Ngoài ra, còn có những đồn thổi rằng AirVisual làm vậy chủ yếu là để bán máy lọc không khí.

Trước đó, Zing dẫn lời nhiều chuyên gia tại Việt Nam, cho rằng cách đánh giá của AirVisual không phản ánh đúng bản chất của vấn đề. 

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cho biết: “Tôi hoàn toàn không đồng tình với nhận định ô nhiễm Hà Nội rất nguy hiểm, hay Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới dựa trên các chỉ số của các trang này. Hà Nội ô nhiễm nặng, nhưng không đến mức như người ta nói.

Để đánh giá tình hình ô nhiễm tại một địa điểm, trong một khoảng thời gian, các nhà khoa học cần lấy nhiều chỉ số, liên tục, sau đó tính trung bình trong ngày, tháng, năm. Không thể lấy chỉ số tức thời, đột xuất để nói Hà Nội ô nhiễm nhất hay nhì thế giới được, đấy là điều vô lý, phi khoa học. Kể cả chỉ số của 1 giờ hay nửa giờ cũng là không khách quan”.

Còn PGS.TS Lê Hùng Anh, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP HCM) thì cho rằng chỉ số ô nhiễm Air Visual đo ở Hà Nội chỉ mang tính chất cục bộ, tức thời bởi cách đo quan trắc nhanh, cung cấp số liệu liên tục và không đại diện cho cả khu vực.

Ông cho biết: “Khi các số liệu quan trắc của trang nước ngoài được đưa ra mà chưa được các cơ quan chuyên môn của Việt Nam kiểm chứng là điều đáng lo ngại. Bản thân các cơ quan chức năng còn không biết dữ liệu của họ đúng hay sai, lấy thế nào, quan trắc ở đâu thì sao đảm bảo để cung cấp cho người dân được”.

Các chuyên gia, cùng với đại diện của Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) đều cho rằng người dân nên theo dõi, cập nhật thêm tình hình không khí từ các trang chính thức của Sở TN-MT thành phố, Tổng cục Môi trường vì đây là các trang được quản lý, giám sát bởi cơ quan chuyên ngành của Nhà nước, có các thiết bị đo đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn.

>> Hà Nội: Khi hít thở cũng trở nên nguy hiểm

Ô nhiễm không khí tại Việt Nam: mối lo hiện hữu

Mức độ ô nhiễm không khí của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là tại các thành phố lớn, không chỉ được ghi nhận bởi AirVisual, mà các nguồn khác như Pam Air, Aqicn, hay thậm chí từ chính website của Cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội (moitruongthudo.vn) cũng cho thấy nhiều thời điểm, cảnh báo ô nhiễm không khí luôn ở mức cao.

Ngày 1/10 vừa qua, trước diễn biến ô nhiễm không khí ở nhiều thành phố kéo dài liên tục, thậm chí nhiều ngày chất lượng không khí đã suy giảm xuống ngưỡng xấu, ảnh hưởng tới sức khoẻ con người, Tổng cục Môi trường đã ra khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra bên ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời. 

Trên mạng xã hội, nhiều người dân chia sẻ thông tin về tình trạng khô, cay mắt, khó thở; các bệnh lý hô hấp của trẻ em, người già tăng cao.

Như vậy, cho dù cách tính của AirVisual còn nhiều tranh cãi, thì cũng không phủ nhận được rằng mức độ ô nhiễm không khí tại Việt Nam đang ở mức đáng lo ngại cho sức khoẻ người dân.

Việc một ứng dụng “biến mất” rõ ràng không làm cho không khí trở nên tốt lên. AirVisual cũng không phải là nguồn duy nhất cung cấp thông tin cho thấy tình trạng ô nhiễm đáng lo ngại ở Việt Nam.

Nhiều người bày tỏ ý kiến rằng, việc Chính phủ cần làm là đưa ra các biện pháp để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm một cách hữu hiệu nhất trong thời gian sớm nhất, chứ không phải là tranh cãi về tính chính xác đến mức độ nào của một phần mềm đánh giá chất lượng không khí như AirVisual nhằm “đẩy” Hà Nội thoát ra ngoài top đầu thành phố ô nhiễm nhất thế giới; hay đưa ra những suy đoán ngây ngô như “hành vi gãi đầu của học sinh cũng là một trong những nguồn gây ra bụi mịn” (theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Cục Môi trường).

Tại Bangkok (Thái Lan), cho dù chỉ số không khí còn kém Hà Nội, nhưng chính phủ Thái Lan đã họp khẩn cấp để tìm ra biện pháp xử lý. Họ tiến hành giám sát chặt chẽ các nhà máy, lò đốt rác, công trường xây dựng; lắp đặt các tháp lọc không khí; sử dụng phương tiện vận tải phun nước lên không khí để làm sạch không khí; yêu cầu sản xuất những máy lọc không khí giá rẻ phân phối đến các trường học ở những khu vực dễ bị bụi bẩn; kêu gọi người dân dùng khẩu trang đạt chuẩn.

Không dừng lại ở đó, chính phủ Thái còn có kế hoạch đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm cho dù điều đó có thể làm thiệt hại kinh tế trong ngắn hạn. Chính phủ cũng ban bố phương án thay thế các xe buýt và thuyền công cộng phun ra muội than do chạy bằng nhiên liệu diesel bằng các loại phương tiện khác ít gây ô nhiễm hơn. Những người vi phạm có thể thậm chí bị phạt đến 3 tháng tù.

Ô nhiễm không khí tại Việt Nam là điều hiện hữu đáng lo ngại, là vấn đề có tính đòi hỏi sự quan tâm, theo dõi và hành động của cả cộng đồng; đòi hỏi mỗi người dân phải tự ý thức: ý thức bảo vệ môi trường, ý thức bảo vệ cho bản thân, gia đình, và ý thức về trách nhiệm – nghĩa vụ của chính quyền trong việc bảo vệ môi trường.

Cá nhân và cộng đồng cần lên tiếng, đòi hỏi Nhà nước đưa ra những biện pháp hành động cụ thể chứ không phải chỉ những lời hô hào khẩu hiệu, hay tranh cãi xem nơi nào đo chính xác, bởi AirVisual không phải là nguyên nhân của ô nhiễm, nó chỉ đưa ra lời cảnh báo, và một lời kêu gọi về sự tăng cường nhận thức của người dân về vấn đề ô nhiễm. 

Lê Xuân (t/h)

Xem thêm:

Lê Xuân

Published by
Lê Xuân

Recent Posts

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

32 phút ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

51 phút ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

57 phút ago

Chuyện danh y thời Tống tích âm đức cải biến mệnh

Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…

1 giờ ago

Cuộc sống vốn dĩ là một vòng xoay…

Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…

1 giờ ago

Bộ Tư pháp Mỹ: Google cần bán Chrome để chấm dứt độc quyền tìm kiếm trực tuyến

Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…

1 giờ ago