Không ai quan tâm thông tin thật, số liệu thật sẽ giúp bao nhiêu người được cứu khỏi nguy cơ bị nhiễm khí độc thủy ngân và hóa chất bị cháy. Những ngày tháng 9 tại Hà Nội, một “thảm họa Formosa” đã lại xảy ra, chỉ là dưới một hình thức khác.

vụ cháy rạng đông, nguy cơ nhiễm thủy ngân
Bất chấp những tuyên bố “an toàn”, “sự cố trong ngưỡng trung bình”, Binh chủng Hóa Học trở thành lực lượng chính tẩy độc sau vụ cháy Rạng Đông. (Ảnh: binhchunghoahoc.vn)

14 ngày trước, đêm 28/8, cả khu phố Hạ Đình oằn mình trước ngọn lửa khổng lồ nung rền suốt 6 tiếng toàn bộ khu nhà kho nguyên vật liệu rộng đến 6.000 m2 của nhà máy sản xuất phích nước, bóng đèn lâu đời Rạng Đông. Bất chấp hơn 4 triệu bóng đèn cháy nổ trong đám cháy theo báo cáo ngày 30/8 của Rạng Đông, không có bất kỳ phát ngôn nào xuất hiện trước đó, dù 2 ngày đã trôi qua. Bản khuyến cáo nguy hiểm về sức khỏe, môi trường do phó phường Hạ Đình ký được phát cho người dân trong buổi sáng sau đêm cháy lập tức bị thu hồi trong ngày, càng làm dấy lên những hoài nghi về một thảm họa đang thực sự đổ xuống.

Thảm họa về môi trường, thảm họa về gian dối.

Bất kể nhiều chỉ trích, những trí thức cô độc bắt đầu lên tiếng trên mạng xã hội, dẫn luồng thông tin về nguy cơ nhiễm độc thủy ngân sau vụ cháy. Dưới áp lực của dư luận, 8 ngày sau hỏa hoạn, chính quyền TP triển khai giải pháp trấn an bằng các cuộc khám, tư vấn sức khỏe miễn phí trong vòng một tuần. Trong số 2.001 người đến khám, 988 người được chuyển lên bệnh viện tuyến trên làm xét nghiệm máu, theo dõi nhiễm độc thủy ngân. Chỉ trong một ngày từ 17h ngày 10/9 đến 17h ngày 11/9, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận 77 người tới theo dõi và điều trị (64 người xin về); Bệnh viện Đa khoa Đống Đa tiếp nhận 77 người (2 người xin về); Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn tiếp nhận 8 người.

Theo cập nhật đến ngày 9/9, 112 người bị nhiễm thủy ngân. Mặc dù công bố các kết quả xét nghiệm nhiễm thủy ngân đều nằm dưới ngưỡng 10 mcg/L (mức tối đa cho phép), không bên nào cho biết con số chính xác thủy ngân trong máu của các trường hợp trên là bao nhiêu, việc điều trị thải độc và chi phí điều trị cho những người này như thế nào.

Theo một ước lượng, 90% cư dân của một tòa chung cư đã sơ tán. Một chung cư khác 40% đã dọn đi. Người di tản và giấy bán nhà, cửa hàng đóng cửa và giấy thông báo chuyển địa điểm, khẩu trang và nước muối khan hiếm… trở thành cảnh tượng thường thấy quanh đây. Nhưng quang cảnh điêu tàn của một con phố không che lấp nổi những khuôn mặt rầu rĩnh bên gánh xe hoa quả rong vẫn nán lại bên đường, sự ngượng nghịu lớp khẩu trang nơi hàng trà đá, cơm bình dân tấp nập công nhân, lao động thời vụ, cả nỗi vô tư của những đứa trẻ được cha mẹ đưa đi học, đưa đi ăn lề đường quanh con phố ám đầy vệt khói.

Chẳng cần phải ở giữa vùng thảm họa, với người nghèo, bất cứ đâu bát cơm bưng lên cũng đã là toan tính. Họ im lặng, trốn tránh, thờ ơ. Giữa những cuộc tháo chạy âm thầm, công nhân, lao động nhập cư vẫn góp phần tái hiện một bộ mặt bình yên giữa tâm ô nhiễm. Họ đang chống chọi lại gì giữa cái nghèo, sự kém tri thức và hơi thủy ngân quẩn trong không khí, nước, thức ăn? Bất kể câu trả lời là gì, những cái bóng hiện lên đều quá đơn độc, gồm cả hàng nghìn người tự sơ tán và hàng nghìn người tự ở lại, giữa lòng thủ đô không thiếu hỗn loạn nhưng thừa lặng thinh. Nỗi sợ trách nhiệm khiến những người có chuyên môn trong vai trò quản lý chọn vô trách nhiệm đối với sự sống của người dân. Khi người dân cần được khuyến cáo, họ lặng thinh. Khi người dân tự túc di dời, họ lại khẳng định không cần dời đi.

Đó mới thực là một thảm hoạ, và nó nguy hiểm hơn so với một vụ cháy.

10 ngày sau vụ cháy, Tổng cục Môi trường cho biết Công ty Rạng Đông thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng, chứ không phải amalgam như thông tin sản phẩm và báo cáo trước đó. Theo các tài liệu của Bộ Y tế, thủy ngân ở dạng amalgam thường là thể rắn, khó phát tán, khó bay hơi và dễ thu hồi hơn dạng thủy ngân nguyên chất ở thể lỏng. Còn thuỷ ngân lỏng có độc tính cao hơn nhiều so với viên amalgam.

Vì sao thông tin chỉ được cung cấp một cách nhỏ giọt sau rất nhiều tuyên bố rằng môi trường ổn định? Để kiểm soát phản ứng của công chúng, sự thật đã bị che giấu dù chúng liên quan trực tiếp đến tính mạng con người trong một thảm họa về môi trường. Không ai quan tâm thông tin thật, số liệu thật sẽ giúp bao nhiêu người được cứu khỏi bị nhiễm khí độc thủy ngân và hóa chất bị cháy. Nếu ngay từ đầu Rạng Đông chủ động báo cáo đến cơ quan chức năng và thông báo đến người dân về việc toàn bộ số bóng đèn đã cháy đều sử dụng thủy ngân lỏng thì nhiều người có thể chủ động sơ tán và cơ quan hữu trách lên phương án ngừa độc, xử lý độc hại.

Sự sợ hãi trách nhiệm, sợ lung lay quyền lực khiến tất cả cùng che giấu. Trước khi có bất kỳ kết quả thực nghiệm nào, Quận Thanh Xuân đã thu hồi khuyến cáo, tuyên bố an toàn. Rạng Đông thậm chí tạo “bằng chứng sống” bằng cách đẩy công nhân đi làm chỉ sau một đêm.

Có một sự thật rằng, khi vụ gian lận thương mại, gian dối khí thải của Rạng Đông được công bố, thì xen lẫn giữa những cơn giận dữ, công chúng dường như đã bị kiệt sức khi trước đó sức quan tâm đã bị chẻ nhỏ trước bão thông tin và cả rừng bao biện sau vụ cháy.

Chia rẽ tâm trí của nạn nhân là một trong những cách để ứng phó thảm họa, ngay cả khi việc này có phải đánh đổi bằng đạo đức chuyên môn, đạo đức công vụ và đạo đức làm người khi họ đủ hiểu việc che giấu có thể dẫn tới nguy cơ “hại chết” nhiều người và nhiều thế hệ chưa sinh ra.

Nhiều ý kiến nhận định trong thảm họa nhân tai này, khối điều hành ở Hà Nội đã bộc lộ sự khuyết thiếu cả trách nhiệm lẫn khả năng ứng phó trước nguy cơ bất ngờ, dù điều này tựu chung lại vẫn nằm trong chữ trách nhiệm – trách nhiệm công vụ. Thật lạ khi Luật Bảo vệ môi trường 2014 của Việt Nam không có khái niệm “thảm họa”, chỉ có định nghĩa về “sự cố môi trường” – “là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng”. Khái niệm “thảm họa” được tìm thấy trong Luật Quốc phòng 2018, với định nghĩa “là biến động do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng hoặc do con người gây ra hoặc do hậu quả chiến tranh làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường.” 

Vì không có sự quản lý chặt chẽ về mặt chuyên môn nên mới xảy ra việc các nhà chuyên môn yêu cầu cần gọi đúng vụ cháy Rạng Đông là thảm họa môi trường, còn giới chức năng một mực cho đây là sự cố. Trong phát ngôn mới nhất ngày 12/9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định phải gọi đúng vụ cháy ở công ty Rạng Đông là “sự cố hóa chất dẫn tới sự cố môi trường”.

“Sự cố” rõ ràng có quy mô nhỏ hơn “thảm họa”. Tuy nhiên, bất cứ một người có kiến thức hóa sinh nào cũng không thể phủ nhận mức độ ảnh hưởng của vụ việc đối với môi trường và sức khỏe con người, có thể xảy ra trong và sau một khoảng thời gian lâu dài khi 27,2 kg thủy ngân đã bị phát tán ra môi trường. Chưa nói tới hàm lượng thủy ngân đã ngấm vào đất, phán tán trong không khí, 12/13 mẫu bùn sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của Công ty Rạng Đông 1 km có nồng độ thuỷ ngân vượt 6,1 lần ngưỡng cho phép theo Quy chuẩn Việt Nam. Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, điều này đủ cơ sở để lo ngại cho một thảm họa ô nhiễm thủy ngân dạng hữu cơ sắp tới sau thảm họa ô nhiễm hơi kim loại thủy ngân, với mức độ nghiêm trọng hơn nhiều lần. 

Vậy nhưng, tại một hội thảo tham vấn đối tác quốc tế ngày 12/9, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định từ ngày 30/8 trở đi, chất lượng không khí ngoài nhà máy Rạng Đông đã ở ngưỡng an toàn. “Cá nhân tôi hiện cũng sinh sống ở gần bán kính 500 m và hoàn toàn yên tâm”, ông Hà nói, khi 15,1 – 27,2 kg thủy ngân (ước tính) bị phát tán ra môi trường (không khí, đất, nước) vẫn còn đó, ngay cả khi việc tẩy độc chỉ mới bắt đầu được một ngày tại trung tâm vụ cháy.

vu chay rang dong
Anh Ngô Văn Lực (44 tuổi) chở nguyên vật liệu xây dựng cho một đại lý kinh doanh tại ngõ 342 Hạ Đình. Từ sau vụ cháy Rạng Đông, anh chọn cách ban ngày đến làm còn tối lại về quê tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Khẩu trang vải là thứ duy nhất anh tự bảo vệ trước mối lo nhiễm thủy ngân. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

“Liệu con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra cơn bão lớn ở Texas?” 

Trong một bài phỏng vấn trên VietnamPlus (ngày 10/9/2019), luật sư Nguyễn Trọng Việt (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay: “Chiều ngày 5/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp thông báo công khai về nguyên nhân vụ cháy nhà máy Công ty Rạng Đông. Theo đó, bước đầu phát hiện 1 bóng đèn compact bật 24/24h, mặc dù cầu dao dập nhưng không bao giờ bị tắt. Nhận định ban đầu, có thể một bóng đèn trên tầng 3 của kho hàng (không bao giờ tắt) chập cháy rơi xuống thùng carton đựng hàng dẫn đến vụ cháy.”

Năm 1972, nhà khí tượng học và chuyên gia về lý thuyết hỗn loạn Edward Norton Lorenz đã đưa ra một lý thuyết gọi là “hiệu ứng cánh bướm”: một lần đập cánh của con bướm dưới các xúc tác phù hợp có thể gây ra cơn bão tại bờ kia của Thái Bình Dương, một chiếc bóng đèn compact bật 24/24h cũng có thể là tác nhân khởi đầu khiến hàng loạt những mầm mống hủy hoại trong xã hội hiển lộ. Từ vụ cháy kinh hoàng, chúng ta đã biết được mức độ nguy hiểm của một cơ sở sản xuất công nghiệp giữa lòng dân cư, nhiều khuất tất đằng sau một quyết định di dời. Chúng ta biết được sức nặng của trách nhiệm và lòng tin khi chúng có thể cứu được bao nhiêu mất mát sau vụ cháy, cũng như những tổn thất do sự bội phản của nó. Giữa những im lặng và thờ ơ, chúng ta hiểu không ai có quyền coi nhẹ mạng sống của người khác. Bởi thế, chúng ta nhận ra mình vừa là nạn nhân đồng thời cũng là thủ phạm. Chúng ta là nạn nhân khi bị đẩy vào tình thế phải đối diện với mối nguy về môi trường, nhưng chúng ta cũng là thủ phạm, bởi đã im lặng cho sự gian lận xảy ra quá lâu, phớt lờ cho những che giấu thông tin, chối bỏ trách nhiệm của từ doanh nghiệp đến chính quyền diễn ra hết lần này đến lần khác. Những ngày tháng 9 tại Hà Nội, một “thảm họa Formosa” đã lại xảy ra, chỉ là dưới một hình thức khác.

Trong vùng khí độc, người người bị nhiễm độc liệu có phải chỉ bởi ô nhiễm thủy ngân? Vùng sống đang trở nên ngày càng độc còn bởi sự ô nhiễm thông tin, chọn thỏa hiệp với dối trá bất chấp an nguy của nhiều người. Tính độc còn bởi việc dễ dàng đánh đổi đạo đức, khi người hữu trách không lấy trách nhiệm xã hội làm trọng, thay vào đó, dùng phù du tráo đổi cho những giá trị chân chính làm người. Vùng sống ấy càng đáng sợ khi nó khiến cho người ta thay vì nuôi dưỡng lòng khoan dung, từ ái thì bị cùm kẹp trong nỗi hoài nghi, sự việc này nối tiếp sự việc kia, chất chồng trong nỗi thất vọng và oán hận. Khi vô cảm dần được nuôi dưỡng trở thành vũ khí để tồn tại còn nghi hoặc trở thành phương cách để sinh tồn, người ta không còn coi sự tôn trọng và trân quý cuộc sống của mình, cuộc sống của người khác là điều cần thiết nữa. Phẩm cách dần trở nên méo mó trong mỗi người một cách thật tự nhiên, không ai hay.

Lê Trai

Xem thêm: