Hà Nội ô nhiễm không khí ở mức báo động: Làm sao để ngăn ngừa hiểm họa?
- Minh Tâm
- •
Trong những ngày qua, không khí Hà Nội luôn phủ một lớp bụi mịn như sương mù với chỉ số chất lượng không khí đo được ở mức báo động đỏ. Trong khi Hà Nội luôn trong top 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, không khí tại nhiều tỉnh tại miền Bắc cũng bị cảnh báo “nhiễm bẩn”.
Hà Nội trong top 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới
Vào khoảng trung tuần tháng 9, các ứng dụng đo thời tiết như Air Visual hay Pam Air đều cho thấy nhiều điểm quan trắc taị Hà Nội có chất lượng không khí AQI ở mức nguy hiểm và rất nguy hiểm.
Chỉ số AQI đo được vào sáng sớm những ngày qua ở tất cả hơn 40 điểm đo (đặt tại các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông…) đều ở mức ô nhiễm nghiêm trọng, dao động từ 150-180 µg/m3.
Ngày 17/9, các ứng dụng đo thời tiết như Air Visual hay Pam Air đều cho thấy nhiều điểm quan trắc taị Hà Nội có chất lượng không khí AQI ở trên mức 160 µg/m3, chạm mốc 170 µg/m3.
Ngày 18/9, lúc 10h sáng, chỉ số AQI tại Hà Nội liên tục ở “mức kém”, dao động từ 100 µg/m3 đến 200 µg/m3. Chỉ số bụi mịn PM2.5 đo được tại khu vực Ô Chợ Dừa là 149 µg/m3 – mức nguy hiểm đối với người có bệnh tim mạch, hen suyễn, có thể gây các bệnh về hô hấp cho trẻ em. Tại thời điểm này, Hà Nội đứng thứ 8 trong số 11 thành phố có chỉ số chất lượng không khí ô nhiễm cao nhất thế giới.
Sang ngày 19/9, theo AirVisual, chỉ số ô nhiễm không khí của Hà Nội vẫn nằm trên 100 µg/m3, đứng thứ 10 trong số 11 thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ số bụi mịn PM2.5 lý tưởng trong không khí là 10 µg/m3. Chất lượng không khí được phân loại theo 5 mức, trong đó lượng PM2.5 từ 0 – 12,0 µg/m3 là tốt, từ 12,1 – 35,4 µg/m3 trung bình, từ 35,5 – 55,4 µg/m3 là nguy hiểm cho người nhạy cảm. Chỉ số 55,5-150,4µg/m3 mức nguy hiểm, từ 150,5 – 250,4 µg/m3 là rất nguy hiểm, từ 250,5 µg/m3 trở lên là độc hại.
Dựa vào chỉ số đánh giá này, ở thời điểm 10h sáng ngày 18/9, chỉ số bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội đang cao gấp 14,9 lần ngưỡng an toàn của WHO.
Đến 10h sáng ngày 19/9, chỉ số AQI đo được vẫn cao gấp 10,9 lần so với chỉ số cho phép của WHO.
Đáng chú ý, tình trạng này không chỉ diễn ra tại Hà Nội. Tại hầu hết các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, chỉ số AQI đều ở mức báo động đỏ. Theo số liệu cập nhật vào 9h20 sáng ngày 18/9, chỉ số chất lượng không khí AQI ở Từ Sơn (Bắc Ninh) là 170 µg/m3, ở thành phố Ninh Bình là 151 µg/m3, ở Phủ Lý (Hà Nam) là 151 µg/m3, ở Hải Phòng là 161 µg/m3, thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc) là 163 µg/m3, Việt Trì (Phú Thọ) là 162 µg/m3.
Hiểm họa cận kề
PM2.5 và PM10 là loại bụi hình thành từ các chất như cacbon, sunphua, nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. Đặc biệt, PM 2.5 có khả năng luồn lách vào các túi phổi và tĩnh mạch phổi, gây nên nhiều căn bệnh chết người như bệnh về hô hấp, ung thư, tim mạch. Cơ quan bảo vệ môi sinh Mỹ nhận định bụi PM 2.5 chứa nhiều hạt kim loại có khả năng gây ung thư và đột biến gen. Khẩu trang thông thường không thể ngăn loại bụi này.
Trong cuộc họp nhân Ngày môi trường thế giới 2019 (ngày 5/6/2019), ông Adam Ward – Đại diện quốc gia của Viện tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) tại Việt Nam và bà Kate Bronstein – Kỹ sư nghiên cứu môi trường từ RTI quốc tế cùng nhận định tình trạng ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội và TP.HCM vượt quá mức độ an toàn cho phép của WHO.
Hai chuyên gia nhấn mạnh ô nhiễm không khí đã giết chết 6,4 triệu người trên thế giới mỗi năm, tính trung bình cứ 9 người thì có 1 người bị chết do ô nhiễm không khí. Con số này cao hơn tổng số người chết do sốt rét và HIV/AIDS.
Ông Adam và bà Kate đồng thời đưa ra cảnh báo, nếu tiếp xúc lâu dài (vài tháng đến nhiều năm) đối với bụi mịn sẽ gây ra ảnh hưởng sức khỏe vĩnh viễn, bao gồm: lão hóa phổi cấp tính; mất dung tích phổi và giảm chức năng phổi; phát triển các bệnh như hen suyễn, viêm phế quản, khí phế thủng, tắc nghẽn phổi mạn tính (COPD), có thể là ung thư (tùy thuộc vào chất gây ô nhiễm) và rút ngắn tuổi thọ.
Đáng chú ý là phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Với phụ nữ đang mang thai, nếu tiếp xúc ngắn hạn hoặc dài hạn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi thông qua sự thay đổi phân tử của thai nhi, dẫn đến sảy thai tiềm ẩn và thay đổi trong quá trình trao đổi chất và phát triển, có khả năng dẫn đến việc sinh non và trẻ nhẹ cân. Trẻ được sinh ra ở điều kiện không tối ưu sẽ tạo ra những thách thức bổ sung và làm tăng khả năng mắc bệnh của trẻ, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp nơi vệ sinh và chất lượng nước dưới mức tiêu chuẩn. Phơi nhiễm nhỏ đối với trẻ nhỏ có thể dẫn đến bệnh suốt đời, tàn tật, chết sớm và giảm khả năng học tập và sinh sống.
Chuyên gia quốc tế: Chuyển đổi ngành năng lượng là “chìa khoá” để thay đổi
Với chỉ số AQI dao động từ 150-180 µg/m3 trong nhiều ngày qua, chất lượng không khí tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đều đã nằm trong mức nguy hại ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của con người. Tuy nhiên, người dân không nhận được bất kỳ khuyến cáo hay thông báo nào từ chính quyền địa phương để có giải pháp phòng ngừa.
Tại Thái Lan, khi chỉ số không khí lên ngưỡng 150-180 µg/m3, trường học phải đóng cửa để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh cũng như giảm lượng phương tiện tham gia giao thông. Ngày 30/1, thủ đô Băng Cốc của Thái Lan từng đóng cửa 437 trường học vì chỉ số AQI lên hơn 170 µg/m3.
Ô nhiễm không khí đang là hiểm họa gây nguy cơ nhiễm bệnh cực lớn cho cùng lúc hàng triệu người. Giải pháp căn bản là cần phải thay đổi được tình trạng ô nhiễm.
Cũng tại cuộc họp Ngày môi trường thế giới 2019, ông Adam và bà Kate đã chỉ ra nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam là do điện than, công nghiệp nặng (nhà máy xi măng), vận tải đường bộ và đốt rác thải nông nghiệp và đô thị.
Hai chuyên gia đã đưa ra lời khuyên rằng chuyển đổi ngành năng lượng là chìa khoá giải quyết chất lượng không khí kém như ngày nay. Việt Nam cần từ bỏ năng lượng than và nắm lấy cơ hội khai thác năng lượng tái tạo cũng như năng lượng tự nhiên như năng lượng mặt trời, năng lượng từ gió. Cải thiện hiệu quả năng lượng của ngành công nghiệp và tại các tòa nhà sẽ có lợi ích lớn cả về quy mô và chất lượng không khí cũng như nền kinh tế.
Mặt khác, lượng khí thải từ phương tiện giao thông đường bộ cũng được đề cập tới khi mà lượng tiêu thụ xe máy và xe hơi vẫn đang gia tăng ở Việt Nam, với doanh số bán xe hàng năm tăng 38% từ năm 2012 đến 2016. Theo đó, cần tăng kiểm soát khí thải từ vận tải; xây dựng, nâng cấp chất lượng và hoàn thành hệ thống giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt nhanh (BRT)…
Đồng thời, việc khai thác năng lượng tái tạo từ rác thải nông nghiệp và đô thị là giải pháp hiệu quả lại tiết kiệm, cần sử dụng tối ưu nguồn năng lượng này trong khi rác thải đang trở thành vấn nạn ở Việt Nam hiện nay.
Nhật Bản và Đức hiện là hai quốc gia có những thành quả vượt trội về công nghệ khai thác năng lượng cũng như những nỗ lực đóng góp về cải thiện môi trường ở quốc gia của mình. Từ năm 1962, Nhật Bản bắt đầu khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Nhà máy xử lý rác Shinagawa của Tokyo không chỉ sản xuất điện 15.000 kW mà còn cung cấp nhiệt đốt cho hơn 5.000 hộ gia đình ở trong khu phức hợp nhà ở Yashio bên cạnh chủ yếu là để sưởi ấm và đun nóng nước. Quốc gia này đang có hơn 60 nhà máy sản xuất điện từ chất thải với tổng công suất 350 MW. Theo Hiệp hội Ngành công nghiệp năng lượng (BDEW) của Đức, các nguồn năng lượng tái tạo đã cung cấp một kỷ lục mới ở Đức trong nửa đầu năm 2019 với tỷ lệ tiêu thụ điện là 44%. Năng lượng từ gió đã thúc đẩy sản xuất điện với hệ thống lắp đặt trên bờ tăng 18%, trong khi các trang trại gió ngoài khơi sản xuất thêm 30% điện. Sản lượng của các pin mặt trời tăng khoảng 4%. |
Minh Tâm
Xem thêm:
Từ khóa Hà Nội ô nhiễm không khí ở mức báo động ô nhiễm không khí ô nhiễm bụi mịn PM2.5