Ô nhiễm không khí Việt Nam – bắt đầu từ bao giờ?
- Lê Thế Thắng
- •
Phải nói trước tôi không phải một chuyên gia, tôi viết bài này trên cương vị một người bình thường, quan sát, theo dõi và phản ánh những gì tôi thấy. Tôi sẽ kể câu chuyện này một cách nhẹ nhàng bằng hình ảnh và thông tin để cùng nhau suy ngẫm.
Là người đặc biệt quan tâm tới bầu không khí, và suốt 7 năm qua, tôi đã nhìn thấy sự thay đổi chóng mặt và đáng kể của bầu không khí miền Bắc (và cả mọi miền) của Việt Nam.
Mê bầu trời, xưa tới nay tôi thường chọn ngồi cửa sổ khi đi máy bay, để ngắm nhìn và chụp cảnh quan. Tôi đã từng (đã từng thôi) có nhiều bức ảnh đẹp về các vùng cất hạ cánh gần các sân bay không chỉ Việt Nam mà còn bất cứ nơi nào tôi bay đi/ đến.
Vào năm 2012, lần đầu tiên trong đời tôi thấy một hiện tượng lạ, khi máy bay sắp hạ cánh xuống Kolkata (India) tôi thấy 1 chân trời tím ngắt, thẳng băng như mặt biển. Khi máy bay hạ độ cao hơn nữa, khoảng dưới 3.000m, xuyên qua chân trời thẳng băng đó, tôi thấy trời đang trong bỗng mù mịt, tầm nhìn chỉ còn lại chút xíu. Hạ cánh xuống Kolkata, ra khỏi sân bay, cả một thành phố mờ ảo. Đi từ sân bay về nội đô – đó mãi mãi là thành phố bẩn nhất tôi từng thấy trong đời.
Lúc đó Hà Nội vẫn trong lành, cũng chẳng ai biết về khái niệm ô nhiễm ở xứ này. Tôi vẫn thường chụp ảnh Hồ Tây mỗi hoàng hôn. Đến khoảng năm 2014, tôi bắt đầu thấy hiện tượng lạ. Thi thoảng bầu trời lại tái tái, hình thành dần một cái tầng khí xám, thi thoảng nó xuất hiện làm cho hoàng hôn trở nên xấu xí. Và rồi nó ngày một dầy hơn, dầy hơn nữa, cho đến nay, hầu như không còn một ngày nào người Hà Nội được thấy bầu trời đẹp đẽ trong lành đúng nghĩa.
Vietnam From Above đã giúp tôi có cái nhìn rõ ràng về thay đổi khủng khiếp của bầu không khí. Bức ảnh chụp Hồ Gươm trong khoảng 4 năm (2015/2019) gần như không thể có được bức ảnh Hà Nội trong lành như xưa nữa, dù trời Hà Nội có ở ngày trong lành nhất thời điểm này cũng không.
Nguyên nhân từ đâu?
Về mặt lý thuyết, không khí Hà Nội ô nhiễm bởi những nguồn sau: Nhà máy xung quanh / Công trình xây dựng tràn lan / Đường giao thông hư hỏng, đất đá / Phương tiện giao thông / Đốt rác, đốt đồng. Và tất cả các yếu tố trên được “gom” lại bởi vị trí và đặc thù địa lý.
Ô nhiễm của Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ diễn ra quanh năm nhưng nghiêm trọng kéo dài vào các mùa đông, bởi gió mùa Đông Bắc tràn về cộng với hiện tượng nghịch nhiệt và dãy Trường Sơn, núi Hải Vân chặn lại nên những ô nhiễm này cứ quanh quẩn và không thể tan đi được.
Vào năm 2016, tôi có một dự án chụp ảnh cho một tập đoàn có các nhà máy rải khắp miền Bắc, và hỡi ôi, đó là lúc tôi hiểu ra vì sao không khí Hà Nội lại tồi đến vậy. Chúng ta có vài chục nhà máy xi măng bao quanh Hà Nội, gần hai chục nhà máy nhiệt điện ngày ngày xả khói, cộng với hàng chục vùng khai thác than, núi đá vôi gần như kín vành đai Hà Nội trong bán kính từ 100-250 km.
Và chúng ta có hàng chục triệu phương tiện lưu thông trên đường mỗi ngày, cùng hàng triệu cột khói do đốt rơm rạ, đốt rác.
Giải pháp là gì?
Thật sự mà nói tôi chẳng biết phải nói gì về giải pháp nữa. Cá nhân tôi đã luôn cố gắng rời xa thành phố, hạn chế sử dụng xe cộ. Không xả rác, dành mọi điều kiện có thể để kêu gọi những người xung quanh mình ở bất cứ nơi đâu tôi đến cùng đồng hành (theo cách cực đoan và quyết liệt).
Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, ngó lên nhìn xuống – từ người dân tới bộ máy lãnh đạo cấp nhà nước hay thành phố tôi sống, tôi không nghĩ rằng người dân chúng ta có thể hy vọng.
Lê Thế Thắng (Nhiếp ảnh gia)
Đăng theo Facebook Thắng Thế Lê dưới sự đồng ý của tác giả. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.
Xem thêm:
Từ khóa ô nhiễm không khí Hà Nội ô nhiễm không khí ở mức báo động