Bắc miền Trung Việt Nam đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài nhất lịch sử trong chuỗi số liệu tính từ năm 1971, truyền thông trong nước đưa tin.
Cục Khí tượng thủy văn, thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam cho biết, từ tháng 5 đến nay, Bắc Trung Bộ xảy ra 6 đợt nắng nóng, thời gian phổ biến mỗi đợt từ 5-7 ngày, có đợt tới 14 ngày.
Nhiệt độ cao nhất thực đo trong các đợt nắng nóng từ 38-40 độ C, có nơi trên 40 độ C, riêng trạm Hà Tĩnh duy trì nhiệt độ cao trên 35 độ C trong 26 ngày liên tục (từ 18/6 đến 13/7).
Lượng mưa trong tháng 5 và tháng 6 thiếu hụt tới 50-80%, một số nơi trong tháng 6 hầu như không có mưa như Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Điều này dẫn đến khoảng 46.600 hộ dân ở các tỉnh Bắc Trung Bộ thiếu nước sinh hoạt, trong đó Quảng Trị là tỉnh có số hộ bị ảnh hưởng cao nhất (khoảng 30.000 hộ).
Tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đã xảy ra hạn hán, thiếu nước với diện tích bị ảnh hưởng là 25.970ha, làm phát sinh 48 vụ cháy rừng, ảnh hưởng đến gần 194ha rừng.
Riêng tại Thanh Hóa, có 241/610 hồ chứa nước dưới mực nước chết, trong đó nhiều hồ đã cạn kiệt nước, khoảng 7.500ha lúa đang thiếu nước dưỡng. Tại Nghệ An có hơn 8.000ha lúa bị hạn, trong đó gần 2.000ha lúa đã chết khô.
Tờ Tuổi trẻ dẫn lời ông Phó chủ tịch Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu, rằng: “Chỉ cần 5-7 ngày tới vẫn không có mưa, khoảng 4.500ha lúa sẽ chết cháy, mất trắng. Trong đó, chủ yếu là diện tích lúa tại các huyện vùng cuối nguồn hệ thống thủy lợi Nam của tỉnh là Hưng Nguyên, Nghi Lộc và TP. Vinh”.
Ông Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói trên tờ VNExpress, 6 tỉnh Bắc Trung Bộ tập trung nhiều sông suối, trong đó có 25 con sông dài 10 km trở lên, hơn 3.000 hồ đập. Tuy nhiên, trong 6 vùng kinh tế cả nước thì đây là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn hán.
“Năm 2020 là năm thời tiết dị thường”, ông Cường nhận xét và cho biết từ sáng mùng 1 Tết, 7 tỉnh phía Bắc đã có mưa đá, cả nước đến nay đã xảy ra gần 100 đợt thời tiết dị thường (mưa đá, gió lốc, lũ quét…), gấp đôi bình quân cùng kỳ hàng năm.
Hồ Yên Lập có dung tích chứa nước khoảng 127 triệu m3, cung cấp nước tưới tiêu cho khoảng 8.320ha đất nông nghiệp và 1.600ha nuôi trồng thủy sản; cung cấp 33 triệu m3 nước/năm cho sinh hoạt cho người dân tại Quảng Yên, Uông Bí, Hạ Long,… đang còn cách mực nước chết 7,6 mét.
Thời điểm đo ngày 30/6, mực nước hồ Yên Lập chỉ còn 17,68m tương đương 32,8 triệu m3 nước, bằng 1/4 dung tích thiết kế. So với cùng kỳ năm 2019, lượng nước trong hồ giảm khoảng 54 triệu m3.
Thiếu nước khiến lòng hồ cạn trơ đáy. Người dân có thể đi bộ tới cửa nhận nước và các tổ máy của trạm nước đập hồ Yên Lập.
Ông Nguyễn Xuân Tùng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập than trên tờ Dân Việt rằng, trong 20 năm qua, đây là năm đầu tiên mực nước tại hồ xuống thấp kỷ lục như vậy.
Còn ông Lê Thanh Hưng, Trạm trưởng đầu mối Yên Lập nói với tờ Tài nguyên môi trường, “nếu 3 đến 4 tuần nữa trời vẫn không mưa thì mực nước hồ Yên Lập sẽ chạm quá mực nước chết”.
Thống kê, tính đến ngày 9/7, tổng lượng nước trữ ở 25 hồ chứa nước lớn và vừa tại tỉnh này là hơn 130 triệu m3, đạt 44% tổng dung tích thiết kế; thiếu hụt tới hơn 69 triệu m3 so với cùng kỳ năm trước.
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…