Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), tính đến 6h ngày 9/9, bão Yagi đã khiến 26 người chết, mất tích và 247 người bị thương.
26 người chết, mất tích gồm: Lào Cai 6 người, Quảng Ninh 6, Hải Phòng 2, Hải Dương 1, Hà Nội 1, Hoà Bình 4, Yên Bái 1, Lạng Sơn 2, Bắc Giang 1, Tuyên Quang 2.
247 người bị thương, gồm: Quảng Ninh 157, Hải Phòng 40, Hải Dương 5, Hà Nội 10, Bắc Giang 4, Bắc Ninh 07, Lạng Sơn 9, Lào Cai 9, Cao Bằng 1, Phú Thọ 2, Hoà Bình 1, Thanh Hoá 2.
Cũng theo thống kê, có 113.593 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại (Hải Phòng 7.005ha; Thái Bình 18.000ha; Hà Nội 15.563ha; Hưng Yên 12.119ha; Hải Dương 18.500ha; Hà Nam 11.220ha; Lạng Sơn 3.688ha; Bắc Giang 4.822ha; Bắc Ninh 9.601ha; Vĩnh Phúc 6.000ha…);
22.047 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 6.887 ha cây ăn quả bị hư hại;
121.668 cây xanh bị gãy đổ (Hải Phòng 6.059, Hà Nội 24.807, Hưng Yên 9.036, Hải Dương 40.000, Bắc Ninh 31.860…)
Hơn 1.500 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 79 con gia súc, 190.131 con gia cầm bị chết;
25 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh;
Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng;
9.851 nhà ở bị hư hỏng; 12 đoạn đường dây 500kV, 36 đường dây 220kV, 161 đường dây 110kV bị sự cố và nhiều cột điện hạ thế bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, TP. Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội…
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn, tính từ 7h ngày 7/9 đến 7h ngày 9/9, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 200-300mm, một số trạm mưa lớn như sau: Vàng Danh (Quảng Ninh) 346mm; Hòn Dấu (Hải Phòng) 291mm; Phủ Dực (Thái Bình) 446mm; Kỳ Sơn (Hòa Bình) 387mm; Thượng Cát (Hà Nội) 271mm; Nậm Xây Luông (Lào Cai) 712mm; Pú Dảnh (Sơn La) 549mm; Phình Hồ (Yên Bái) 476mm, Yên Đổ (Thái Nguyên) 531mm.
Dự báo, khu vực Tây Bắc Bộ trong ngày và đêm 9/9 có mưa 50-100mm, có nơi trên 200mm; ngày và đêm 10/9 có mưa 40-70mm, có nơi trên 100mm.
Tại khu vực Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa trong ngày và đêm 9/9, vùng núi và trung du có mưa 50-90mm, có nơi trên 150mm, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa 20-40mm, có nơi trên 100mm; ngày và đêm 10/9 có mưa 40-80mm, có nơi trên 120mm.
Hiện lũ trên sông Hoàng Long đã đạt đỉnh và đang xuống, đỉnh lũ tại trạm Bến Đế 3,81m (22h/08/9), dưới BĐ3 0,19m; lũ hạ lưu sông Mã đã đạt đỉnh và đang xuống, đỉnh lũ tại Lý Nhân 9,69m (22h/08/9), trên BĐ1 0,19m. Mực nước sông Thao (Yên Bái), sông Cầu (Bắc Ninh), sông Lục Nam, sông Thương (Bắc Giang) đang lên.
Mực nước lúc 7h ngày 9/9, trên các sông như sau:
Trên sông Thao tại Yên Bái 33,69m, trên BĐ3 1,69m;
Trên sông Cầu tại Đáp Cầu 4,73m, trên BĐ1 0,43m;
Trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 5,47m, trên BĐ2 0,17m;
Trên sông Lục Nam tại Lục Nam 6,7m, trên BĐ3 0,40m;
Trên sông Hoàng Long tại Bến Đế 3,52m, trên BĐ2 0,02m;
Trên sông Mã tại Lý Nhân 9,5m, ở mức BĐ1 0,15m.
Dự báo, trong 6 giờ tới, lũ trên sông Lục Nam tiếp tục lên và có khả năng đạt đỉnh ở mức 6,80m tại trạm Lục Nam, trên BĐ3 0,5m, sau đó sẽ xuống.
Trong 6-12 giờ tiếp theo, lũ trên sông Thao tiếp tục lên và có khả năng đạt đỉnh ở mức 34,10m tại trạm Yên Bái, trên BĐ3 2,1m, sau đó xuống chậm. Trong 24 giờ tới, lũ trên sông Cầu, sông Thương tiếp tục lên; lũ trên sông Hoàng Long, sông Mã tiếp tục xuống.
Tối 1/9, bão Yagi hình thành trên vùng biển ngoài khơi miền Trung Philippines.
Sáng 2/9, bão vượt qua khu vực phía Bắc đảo Luzon (Philippines) đi vào khu vực phía Đông của Biển Đông trở thành cơn bão số 3 năm 2024.
Chỉ sau khoảng 2 ngày, từ cấp 8 bão đã tăng 7 cấp. Và đến 10h sáng ngày 5/9, bão số 3 đạt cường độ cực đại cấp siêu bão (cấp 16, giật trên cấp 17).
Theo các chuyên gia khí tượng, đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh trên cấp 8 có bán kính khoảng 250 km, vùng có gió mạnh trên cấp 10 khoảng 150 km, vùng có gió mạnh trên cấp 12 khoảng 80 km xung quanh tâm bão.
Bão số 3 luôn duy trì cấp siêu bão (từ cấp 16 trở lên) cho đến khi vào đến vùng ven biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sau đó, bão số 3 di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ mạnh cấp 13-14, giật trên cấp 16. Khi ảnh hưởng đất liền cường độ mạnh cấp 9-12, giật cấp 13-14.
Với siêu bão Yagi, lần đầu tiên, cơ quan chức năng phải phải ban hành rủi ro thiên tai cấp độ 4 trên Vịnh Bắc Bộ và là lần thứ ba Việt Nam ghi nhận mức rủi ro này trong lịch sử.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tính đến thời điểm hiện tại, bão số 3 Yagi là cơn bão duy nhất mạnh lên thành siêu bão và đổ bộ trực tiếp vào Việt Nam.
Trước đó, cơn bão RAI (năm 2021) cũng mạnh lên thành siêu bão khi vào Biển Đông nhưng tan dần trên Bắc Biển Đông, không ảnh hưởng.
Đến thời điểm hiện tại, theo các chuyên gia khí tượng, siêu bão Yagi hiện được ghi nhận là cơn bão nhiệt đới mạnh thứ 2 thế giới trong năm 2024, chỉ xếp sau cơn bão cấp 5 Beryl ở Đại Tây Dương.
Đỗ Vũ
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…