Hai cán bộ Đội trật tự đô thị huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) “móc nối” với “cò mồi” xuất nhập khẩu ở biên giới để “bán lốt” (một suất xe ưu tiên qua cửa khẩu) với giá từ 200 – 300 triệu đồng/xe.
Ngày 14/1, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc công an tỉnh Lạng Sơn, cho biết cơ quan này vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 người về hành vi “đưa và nhận hối lộ” liên quan đến vụ dàn xếp ưu tiên cho xe hàng xuất khẩu qua biên giới Lạng Sơn.
3 bị can gồm: Lâm Văn Hưởng (SN 1983), Nông Tuấn Anh (SN 1992), đều là cán bộ Đội trật tự đô thị huyện Cao Lộc (Lạng Sơn), bị khởi tố về hành vi “nhận hối lộ”; Đinh Văn Thìn (SN 1978, ở TP. Lạng Sơn) bị khởi tố về hành vi “đưa hối lộ”.
Cơ quan điều tra ban đầu xác định lợi dụng tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, xe ô tô đỗ dài ngày ở các bãi kiểm hóa, trung chuyển, bị cáo Thìn (một người chuyên “làm luật”, cò mồi xuất nhập khẩu ở biên giới) đã cùng hai bị cáo Hưởng, Anh (đang làm nhiệm vụ phát phiếu thứ tự tại bãi trung chuyển hàng hóa Bản Liếp, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc) để thực hiện việc “bán lốt” với giá từ 200 đến 300 triệu đồng/xe.
Hiện công an Lạng Sơn đang tiếp tục điều tra vụ việc.
Trước đó, hôm 13/1, báo Giao thông phản ánh trước đây chi phí xuất hàng qua Trung Quốc tại cửa khẩu chỉ từ 6-8 triệu đồng/xe hàng, đã bao gồm tiền thuê “cò” hoàn thiện thủ tục thông quan, chi phí hạ tầng tại cửa khẩu, trả công “tài bo” (lái xe chuyên trách, điều khiển xe qua cửa khẩu) tại Việt Nam và Trung Quốc…
Tuy nhiên, từ khoảng cuối tháng 12/2021 đến nay, “tiền luật” bị các “nhà luật” nâng cao bất thường, đẩy các tài xế, chủ xe vào tình thế khốn đốn.
Đơn cử, ngày 24/12/2021, tại Cửa khẩu Tân Thanh, “nhà luật” Triệu Thị Chiến đã ký tên, xác nhận nhận đủ hàng và tiền luật từ tài xế là 14.560.000 đồng.
Một trường hợp khác, tài xế T.Đ.V cũng phải chuyển tiền đến số tài khoản ngân hàng của “nhà luật” Nguyễn Văn Chiến tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị số tiền 20 triệu đồng chi phí xuất khẩu nông sản, trong đó có khoản tiền 12 triệu đồng được ghi rõ là “tiền luật”.
Báo Giao thông dẫn lời của các tài xế, cho biết “nhà luật” đã được chủ hàng Việt Nam chọn từ trước.
Theo yêu cầu của chủ hàng, khi tài xế ra đến Trạm kiểm soát liên ngành dốc Quýt (thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn) sẽ được các “nhà luật” đón, thu các giấy tờ liên quan như Giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm phương tiện để lo thủ tục thông quan hàng hóa. Nhiệm vụ của tài xế là đánh xe vào bãi, chờ chỉ đạo và làm theo yêu cầu của “nhà luật”.
Các tài xế cũng cho hay đây là “dịch vụ” cần thiết, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu khi theo quy định, tài xế phải ăn, nghỉ trên xe hoặc đến khu cách ly tập trung tại cửa khẩu để phòng dịch COVID-19. Chủ xe, chủ hàng cũng không thể đến tận nơi để hoàn thiện thủ tục thông quan, xuất khẩu hàng hóa. Việc xuất khẩu nhanh hay chậm đều trông chờ vào các “nhà luật”.
Tuy nhiên, điều khiến các tài xế, nhà xe bức xúc là lợi dụng tình trạng ùn tắc kéo dài, các khoản tiền luật đã tăng cao bất thường, họ không được thỏa thuận, giải thích trước.
Cũng theo tờ báo, không chỉ các tài xế phải chi “tiền luật” cao mà họ còn phải mua “lốt” xe để được thông quan sớm. Các xe không mua “lốt” thì cứ nằm bãi đợi trên 20 ngày mới được thông quan. Còn nếu chịu chung chi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng sẽ được lên trước để vào cửa khẩu…
Phạm Toàn
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…