Bộ Tài chính cho hay do cơ cấu vốn đầu tư, chi phí truyền thông, chi phí tập huấn, chi phí tặng sách… bên cạnh chất lượng và khổ giấy là lý do khiến giá sách giáo khoa (SGK) tăng. Phía Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hoá-Giáo dục của Quốc hội cho rằng Bộ GD-ĐT cần tăng tuyên truyền để tạo đồng thuận về SGK trong dư luận.
Chiều 21/6, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp về các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa (SGK) với lãnh đạo các Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Tài chính, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hoá-Giáo dục của Quốc hội.
Tại cuộc họp, Bộ GD-ĐT báo cáo về một số vấn đề nóng liên quan đến SGK đang được người dân, xã hội quan tâm như: Nội dung các bộ sách; những yếu tố cấu thành giá sách; tính ổn định của nội dung và khả năng sử dụng nhiều lần của các bộ sách hiện nay; việc sử dụng sách bổ trợ, sách giáo viên, sách tham khảo; quy mô thị trường sách; hệ thống phân phối; đề xuất ưu đãi về thuế cho các nhà xuất bản…
Bộ này cho hay với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về chuyên môn, Bộ GD-ĐT đã tích cực triển khai các giải pháp để giảm giá SGK như sửa đổi, ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia Thẩm định GD-ĐT…
Về giải pháp, Bộ GD-ĐT đề xuất phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua SGK đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần.
Phía Bộ Tài chính khẳng định Bộ này đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT trong việc rà soát phương án kê khai giá SGK của các nhà xuất bản; khuyến nghị các đơn vị giảm các khoản chi phí trung gian để giảm giá SGK.
Theo đại diện Bộ Tài chính, giá SGK tăng do trong cơ cấu giá có chi phí phát hành, chi phí đầu tư để tổ chức bản thảo (trước đây sử dụng bằng toàn bộ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn ODA) và các khoản chi phí khác như truyền thông; triển khai thị trường; bồi dưỡng, tập huấn và sử dụng sách; chi phí tặng sách cho cơ sở giáo dục…
Ngoài ra, giá sách tăng do thay đổi về chất lượng, tăng khổ giấy lên 1,3 lần, sách mới tiên tiến hơn với các phần mềm điện tử (video, hệ thống bài tập, đánh giá năng lực học sinh…).
Đại diện Bộ Tài chính đề nghị Bộ GD-ĐT phân biệt rõ giữa SGK và sách tham khảo; đồng thời quan tâm hơn nữa đến công tác truyền thông để người dân hiểu rõ các khoản mục chi phí trong biên soạn, in ấn, phát hành SGK…
Đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội cho rằng SGK đã được thay đổi về chất lượng dựa trên quy chuẩn đã được nghiên cứu, tham khảo từ các bộ SGK trên thế giới. Các cơ quan này đề nghị Bộ GD-ĐT cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhận được sự đồng thuận từ đông đảo người dân.
Ghi nhận các ý kiến tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết sẽ sớm tổ chức các diễn đàn, hội thảo về SGK; kết hợp triển lãm, trưng bày các bộ SGK nước ngoài, SGK điện tử để các chuyên gia, người dân, giáo viên, học sinh… thấy được những thay đổi về chất lượng và hình thức các bộ SGK ở Việt Nam hiện nay.
Người chủ trì cuộc họp – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các ý kiến, tham luận tại hội thảo về SGK do Bộ GD-ĐT tổ chức cần trả lời được một số câu hỏi như: Dự kiến số lượng các bộ SGK ở Việt Nam trong thời gian tới; tính ổn định của nội dung, khả năng sử dụng lại nhiều lần của các bộ SGK sau khi hoàn thành lộ trình đổi mới, tiến tới thực hiện số hóa, triển khai SGK điện tử trong tương lai…
Ngoài ra, đại diện Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT cần làm rõ các quy định, hướng dẫn sử dụng SGK, sách bổ trợ, sách tham khảo liên quan đến đổi mới việc dạy, kiểm tra, đánh giá học sinh; công khai các quy định về thẩm định, biên soạn, phê duyệt các bộ SGK; cần công bố bản thảo để xã hội, cộng đồng vào “nhặt sạn”; đánh giá quy mô thị trường SGK, sách bổ trợ, sách tham khảo để đề ra các giải pháp hỗ trợ học sinh, giáo viên; đưa ra giải pháp trong vấn đề định giá, hỗ trợ về thuế cho các doanh nghiệp…
Về đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước để mua SGK, đưa vào thư viện các trường học cho học sinh mượn dùng, ông Đam giao Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu phương án để hỗ trợ SGK cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Cuối tháng 4/2022, theo công bố của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, giá SGK mới lớp 3, 7, 10 của hai bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo” dùng từ năm học 2022-2023 có giá cao gấp 2-3 bộ SGK hiện hành.
Một bộ SGK mới lớp 3 chưa bao gồm sách Tiếng Anh có giá từ 177.000-183.000 đồng, cao hơn 3 lần giá SGK lớp 3 hiện tại (giá 58.000 đồng).
Bộ SGK mới lớp 7 chưa có sách tiếng Anh có giá 208.000- 209.000 đồng, cao hơn 2 lần bộ SGK hiện tại (giá 134.000 đồng).
Bộ SGK mới lớp 10 có giá từ 246.000-301.000 đồng (tuỳ thuộc tổ hợp môn học), cao gần gấp 2 lần giá bộ sách lớp 10 cũ (giá 164.000 đồng). Mức này bao gồm tổng giá bìa của 5 trong số 7 môn học bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp), 5 môn học lựa chọn và 3 chuyên đề học tập.
Theo phản ánh của báo chí, một trong những nguyên nhân khiến giá sách tăng “chóng mặt” là do trong chương trình mới, số cuốn sách trong mỗi bộ tăng lên, từ 6 cuốn lên 12 cuốn đối với lớp 3 (chưa kể sách tiếng Anh), lớp 7 tăng từ 12 lên 13 cuốn.
Giải trình trước Quốc hội ngày 25/5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay sách biên soạn khổ lớn hơn, giấy tốt hơn trong khi giá thành vật liệu, nhiên liệu tăng lên; với việc xã hội hóa nhiều bộ sách, doanh nghiệp đảm nhiệm từ biên soạn, giới thiệu, thử nghiệm, phát hành…, và kê khai giá với Bộ Tài chính.
Nguyễn Quân
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…