2 dự án cao tốc, 5 dự án đường sắt đô thị đội vốn, kéo dài, Bộ GTVT cho rằng nguyên nhân trước tiên là do chủ đầu tư.
Theo báo cáo của Bộ GTVT gửi Quốc hội, hiện nay còn 7 dự án trọng điểm đang triển khai chậm tiến độ, gồm 2 dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, Trung Lương – Mỹ Thuận và 5 dự án đường sắt đô thị.
Cụ thể, dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dự kiến thông xe vào năm 2020 nhưng đến nay tổng sản lượng đạt 17,5% (chậm 27%). Cao tốc Bến Lức – Long Thành sản lượng đạt khoảng gần 76% (chậm 12,6%).
Dự án đường sắt đô thị TP.HCM tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên sản lượng đạt 66,7%; tuyến số 2 Bến Thành – Tham Lương đã hoàn thành xây xong khu tổ hợp nhà ga, văn phòng, các gói thầu đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu. Bộ KH&ĐT đang lấy ý kiến Bộ Tài chính thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để điều chỉnh.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, đã vận hành chạy thử 13/13 đoàn tàu, dự kiến đưa vào khai thác thương mại trong năm 2019.
Tuyến đường sắt số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi hiện tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ gói thầu cập nhật thiết kế kỹ thuật, dự toán hồ sơ mời thầu của gói thầu chuẩn bị mặt bằng và xử lý nền đất yếu khu tổ hợp Ngọc Hồi. Bộ GTVT đang chờ báo cáo tổng thể dự án với Quốc hội để thực hiện các nội dung công việc tiếp theo.
Ngoài ra, một số dự án mới cũng còn chậm như Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án cao tốc Bắc – Nam,…
Lý giải về nguyên nhân chậm triển khai dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đa phần đây đều là các dự án lớn và công nghệ phức tạp lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam.
Do vậy, chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn tham gia chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện dẫn đến chất lượng công tác lập, thẩm định dự án đầu tư chưa xác thực, phải điều chỉnh nhiều lần, thay đổi về quy mô thiết kế xây dựng so với cơ sở được duyệt trước đây, thay đổi về các thông số kỹ thuật…
Những vướng mắc, chậm kéo dài công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài, ảnh hưởng đến yếu tố trượt giá tăng đã làm tổng mức đầu tư các dự án phải điều chỉnh tăng và hình thành các yếu tố cần điều chỉnh lại thủ tục từ chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.
Một nguyên nhân nữa cũng được Bộ trưởng Thể chỉ ra là kế hoạch vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ làm chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu dẫn đến tiến độ thi công bị ảnh hưởng; công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu gặp nhiều vướng mắc; việc cập nhật tỷ giá ngoại tệ, tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá cũng được cập nhật theo quy định mới, ảnh hưởng chung đến việc tăng tổng mức đầu tư.
Về trách nhiệm liên quan, ông Thể cho rằng việc để chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án trách nhiệm trước tiên thuộc về các chủ đầu tư; việc chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư kéo dài, thiếu mặt bằng sạch giao cho nhà thầu thi công công tác quy hoạch tại một số địa phương chưa thực sự tốt, mất nhiều thời gian tham vấn, xin ý kiến cơ quan chuyên môn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Về giải pháp, ông Thể cho hay Bộ đã tăng cường phối hợp với các cơ quan ban, ngành của các địa phương nơi dự án đi qua để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ dự án cũng như giải ngân vốn đầu tư.
Bộ cũng quy trách nhiệm, nghiêm túc xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân vi phạm; tăng cường kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công đẩy mạnh nhân vật lực, khắc phục những tồn tại về chất lượng…
Kim Long
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…