Trung tâm Phục vụ hành chính công TP. Hà Nội. (Ảnh: baochinhphu.vn)
Để hỗ trợ cán bộ sau tinh gọn bộ máy, Chính phủ trình Quốc hội bổ sung 44.000 tỷ đồng ngân sách năm 2025, đồng thời đề xuất nguồn chi cho miễn học phí và chuyển đổi số.
Chính phủ vừa hoàn thiện báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024 và tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025, gửi tới Quốc hội.
Theo báo cáo, tổng thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt hơn 944.000 tỷ đồng, đạt 48% dự toán, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng chi ngân sách ước đạt hơn 595.000 tỷ đồng, đạt 23,4% dự toán, tăng 15,2%.
Để thực hiện các việc trong năm 2025 như đạt tăng trưởng GDP trên 8%, sắp xếp tổ chức bộ máy, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và miễn học phí, Chính phủ đề xuất Quốc hội xử lý một số nhiệm vụ chi phát sinh trong điều hành ngân sách Nhà nước.
Theo chương trình dự kiến, sáng 5/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước.
Chính phủ đề xuất bổ sung dự toán ngân sách Trung ương năm 2025 với tổng kinh phí 44.000 tỷ đồng để chi trả chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.
Trong đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng 15.710 tỷ đồng từ nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn dư năm 2024, chuyển sang năm 2025 để bổ sung dự toán cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Nguồn này sẽ chi trả chế độ, chính sách theo Nghị định số 178/2024 và Nghị định số 67/2025.
Đồng thời, Chính phủ đề xuất bổ sung 28.290 tỷ đồng từ nguồn tích lũy cải cách tiền lương vào dự toán thu ngân sách Trung ương năm 2025, cùng với bổ sung tương ứng dự toán chi để thực hiện các chế độ, chính sách theo hai nghị định trên. Tổng kinh phí 44.000 tỷ đồng sẽ được tổ chức thực hiện theo Luật Ngân sách Nhà nước và Luật số 56/2024 sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước.
Nếu nguồn 44.000 tỷ đồng được sử dụng hết, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng nguồn tích lũy chi cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương năm 2024 còn dư để bổ sung cho các địa phương. Chính phủ sẽ tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả tại kỳ họp Quốc hội gần nhất.
Chính phủ đề xuất chuyển nguồn dự toán chi thường xuyên ngân sách năm 2024 chưa phân bổ, khoảng 6.623 tỷ đồng, sang năm 2025 để thực hiện chính sách miễn học phí và các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy.
Theo tính toán, nhu cầu kinh phí hỗ trợ địa phương thực hiện chính sách miễn học phí khoảng 10.000 tỷ đồng, trong đó năm 2025 (4 tháng năm học 2025-2026) cần khoảng 4.500 tỷ đồng, theo số liệu sơ bộ từ Bộ GD&ĐT.
Ngoài ra, còn phát sinh nhu cầu kinh phí để di dời trụ sở mới, sửa chữa trụ sở, hệ thống hạ tầng thông tin cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương sau sáp nhập. Nguồn kinh phí 6.623 tỷ đồng từ năm 2024 sẽ được sử dụng để đáp ứng các nhu cầu này.
Chính phủ đề xuất bố trí 3% tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2025, tương đương khoảng 25.000 tỷ đồng, cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị.
Nguồn kinh phí này dự kiến được bố trí từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2024. Nếu nguồn này chưa đủ, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh, sắp xếp các khoản dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2025 chưa phân bổ để đảm bảo mức chi tối thiểu 3%. Chính phủ sẽ tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả tới Quốc hội.
Liên quan đến chế độ cho người lao động sau sắp xếp bộ máy, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 07/2025, hướng dẫn xác định, lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách theo Nghị định 178/2024 và Nghị định 67/2025.
Dự thảo đề xuất hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi thường xuyên và đầu tư khi không đủ nguồn chi trả chế độ, chính sách. Các đơn vị này có thể sử dụng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, nguồn cải cách tiền lương còn dư và các nguồn thu hợp pháp khác.
Đối với đơn vị mới thành lập do sáp nhập, hợp nhất, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng lại phương án tự chủ tài chính để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong thời gian chờ phê duyệt, nếu thiếu kinh phí chi trả chế độ, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ phần thiếu hụt trong phạm vi số lượng lao động hưởng lương từ ngân sách được giao. Các cơ quan, đơn vị sáp nhập vào đơn vị sự nghiệp công lập cũng được hỗ trợ kinh phí cho nhân sự thuộc biên chế hưởng lương từ ngân sách trước sáp nhập.
Dự thảo cũng đề cập đến việc bảo lưu lương hoặc phụ cấp chức vụ lãnh đạo đến hết nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm cho các cán bộ, công chức, viên chức không còn giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức.
Ngày nay, trẻ em đối mặt với nhiều áp lực từ học tập, kỳ vọng…
Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư Tô Lâm ký, xác…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam nằm trong số 6 nước được…
TP.HCM ưu tiên chuyển đổi các trụ sở công dôi dư sau sáp nhập thành…
Động thái mua trước chuẩn bị của giới doanh nghiệp là dấu hiệu lạc quan…
Tỷ phú Warren Buffett đã lên tiếng chỉ trích chính sách thương mại của Tổng…