Chủ tịch Quốc hội: ‘Cần tránh tình trạng bài viết sẵn rồi đọc ở hội trường’
- Minh Long
- •
Ông Trần Thanh Mẫn lưu ý cần tránh tình trạng đại biểu đọc bài phát biểu viết sẵn tại hội trường. Ông khuyến khích đại biểu chuẩn bị kỹ lưỡng, thậm chí có thể gửi trước bài phát biểu cho ban thư ký để tổng hợp, từ đó tạo điều kiện cho việc thảo luận thực chất hơn.
- Nhiều đại biểu Quốc hội quan ngại về mục tiêu tăng trưởng 8%
- Đề xuất bổ sung trường hợp tạm đình chỉ nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội

Sáng ngày 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp để cho ý kiến về dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 71/2022 về Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng, đại diện ban soạn thảo, cho biết dự thảo đề xuất quy định mới về thời gian khai mạc kỳ họp thường lệ. Trong trường hợp đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể quyết định điều chỉnh ngày khai mạc, thay vì tuân thủ cứng nhắc các thời điểm đã được quy định trong nội quy hiện hành.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất bỏ quy định giới hạn thời gian kéo dài phiên họp. Hiện tại, nội quy chỉ cho phép kéo dài tối đa 30 phút đối với các phiên họp buổi sáng và 60 phút đối với các phiên họp buổi chiều. Việc bỏ giới hạn này nhằm tạo sự linh hoạt, đảm bảo các phiên họp có đủ thời gian để thảo luận và giải quyết các vấn đề quan trọng.
Một nội dung đáng chú ý khác trong dự thảo là yêu cầu gửi sớm các tài liệu quan trọng đến đại biểu Quốc hội để có thêm thời gian nghiên cứu. Cụ thể, các tài liệu bao gồm dự luật, dự thảo nghị quyết, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, cùng các đề xuất về những vấn đề còn ý kiến khác nhau cần biểu quyết, phải được gửi đến đại biểu chậm nhất 48 giờ trước phiên biểu quyết thông qua. Quy định này mở rộng thời gian so với nội quy hiện hành, vốn chỉ yêu cầu gửi trước 24 giờ.
Việc kéo dài thời hạn này được đánh giá là cần thiết để đại biểu có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, từ đó nâng cao chất lượng thảo luận và quyết định tại các kỳ họp.
Trong quá trình thảo luận, một số ý kiến đề xuất rút gọn các quy trình liên quan đến công tác nhân sự, bao gồm bầu, phê chuẩn, miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức, hoặc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Ý kiến này nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính, tránh hình thức hóa.
Tuy nhiên, ban soạn thảo nhận định rằng công tác nhân sự là một trong những thẩm quyền quan trọng của Quốc hội, đòi hỏi sự thận trọng, chặt chẽ và kỹ lưỡng. Do đó, dự thảo đề xuất giữ nguyên các quy trình liên quan đến công tác nhân sự như quy định trong nội quy hiện hành.
Nêu ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải tiếp tục đề nghị nên giao nhiệm vụ này cho Ủy ban Công tác đại biểu khi thảo luận ở đoàn về công tác nhân sự.
Theo bà Hải, việc tập trung vào một đầu mối sẽ giúp giảm thiểu số lượng cơ quan tham gia, đảm bảo tính chuyên môn, nâng cao hiệu quả và bảo mật trong quá trình xử lý.
Nâng cao chất lượng thảo luận, tránh hình thức
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng thảo luận tại các kỳ họp. Ông yêu cầu các đại biểu tập trung vào trọng tâm vấn đề, tránh lan man hoặc lặp lại các ý kiến không cần thiết.
Ông dẫn chứng thực trạng một số phiên thảo luận kéo dài nhưng chỉ xoay quanh vài vấn đề, sau đó cơ quan soạn thảo giải trình là kết thúc. Để khắc phục, ông đề xuất người điều hành cần linh hoạt chuyển sang các nội dung khác khi cần thiết, nhằm tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả phiên họp.
Đặc biệt, ông Mẫn lưu ý cần tránh tình trạng đại biểu đọc bài phát biểu viết sẵn tại hội trường. Ông khuyến khích đại biểu chuẩn bị kỹ lưỡng, thậm chí có thể gửi trước bài phát biểu cho ban thư ký để tổng hợp, từ đó tạo điều kiện cho việc thảo luận thực chất hơn.
Ông Mẫn còn lưu ý đến việc đảm bảo tính kỷ luật, kỷ cương của đại biểu Quốc hội trong các kỳ họp. Ông yêu cầu quy định rõ các hành vi không được phép như ngủ gật trong hội trường, sử dụng điện thoại gây ồn ào, hoặc không tuân thủ trật tự phiên họp.
Đối với việc sử dụng thiết bị điện tử, ông nhận xét rằng Quốc hội khóa XV đã có nhiều tiến bộ so với các khóa XIII và XIV, khi cho phép đại biểu sử dụng điện thoại và iPad để hỗ trợ công việc.
Tuy nhiên, ông cho rằng cần có quy định nghiêm ngặt, như yêu cầu điện thoại phải để ở chế độ rung, nhằm tránh làm gián đoạn hoặc ảnh hưởng đến không khí nghiêm túc của phiên họp.
Ngoài ra, ông đề xuất cần có biện pháp xử lý cụ thể đối với các trường hợp đại biểu nghỉ họp thường xuyên mà không có lý do chính đáng. Ví dụ, đại biểu nghỉ 1 ngày, 2 ngày hay 3 ngày cần phải xin phép theo quy trình rõ ràng, đặc biệt là đối với các đại biểu chuyên trách.
Từ khóa Ủy ban thường vụ Quốc hội đại biểu Quốc hội Chủ tịch Quốc hội Đại biểu Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
