Categories: Việt NamGiáo dục

Chưa có sách giáo khoa, nhà trường đã bị “ép” mua dụng cụ học tập?

Sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 đang trong quá trình thẩm định, chưa chốt nội dung nhưng ngày 3/11/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ký ban hành Thông tư 43/2020/TT-BGDĐT, Thông tư 44/2020/TT-BGDĐT về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu dành cho lớp 2, lớp 6 quy định chi tiết các dụng cụ, học liệu minh họa bài giảng đồng thời yêu cầu các Sở GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo nhà trường mua sắm, sử dụng thiết bị cho năm học 2021-2022.

Trong khi Quốc hội còn chưa tìm ra phương án cho bộ sách giáo khoa lớp 2, lớp 6, thì Bộ GD-ĐT đã ký ban hành thông tư quy định danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho lớp 2, lớp 6. (Ảnh minh họa: Vietnam stock photos/Shutterstock)

Sách giáo khoa còn đang thẩm định, dụng cụ học tập, tranh ảnh minh hoạ đã ban hành

Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, để chuẩn bị cho năm học mới, bộ sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 phải được thẩm định, ban hành trong năm 2020 (tức trong vòng 1 tháng tới). Tuy nhiên, trong khi sách giáo khoa lớp 1 còn nhiều lỗi, chưa có phương án khắc phục thì việc thẩm định cho ban hành sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 sẽ là rủi ro rất lớn cho hàng triệu học sinh.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) thẳng thắn đề nghị Bộ GD-ĐT nên dừng việc phát hành, triển khai sách giáo khoa lớp 1 để rà soát tổng thể tất cả sách giáo khoa các cấp. Còn Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng nếu thời gian, nguồn lực chưa đủ thì Bộ GD-ĐT nên cân nhắc lộ trình ban hành sách giáo khoa lớp 2, lớp 6.

Tại hội trường Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận sách giáo khoa lớp 1 còn có lỗi, có sai sót, đồng thời sẽ nghiêm túc, nghiêm khắc đối với quy trình biên soạn, thẩm định sách giáo khoa lớp 2, lớp 6. Ông Đam cho biết Bộ GD-ĐT cũng vừa thay Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa quốc gia. Ông cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT phải đưa tất cả bản thảo sách giáo khoa lên mạng lấy ý kiến trong quá trình thẩm định và trước khi phê duyệt.

Có thể nói việc thẩm định, ban hành sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 cho năm học tới còn trong tình trạng “dang dở”.

Thế nhưng, trong khi Quốc hội còn đang họp chưa tìm ra phương án cho bộ sách giáo khoa lớp 2, lớp 6, thì ngày 3/11/2020 Bộ GD-ĐT đã ký ban hành thông tư Thông tư 43/2020/TT-BGDĐT quy định danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho lớp 2, Thông tư 44/2020/TT-BGDĐT quy định danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6.

Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu… giống như một bài thầu

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh, dư luận xã hội còn chưa hiểu đúng về chương trình giáo dục phổ thông mới nên còn nhiều nhận định sai lầm. Theo đó, chương trình là pháp lệnh, còn sách giáo khoa chỉ là phương tiện thể hiện nội dung chương trình, do đó các giáo viên có thể linh hoạt lựa chọn các phương tiện thể hiện. Với tinh thần “khai phóng” như vậy, chắc hẳn Bộ GD-ĐT sẽ giao cho nhà trường, giáo viên sự chủ động với những học liệu minh họa cho sách giáo khoa.

Tuy nhiên thực tế dường như không như vậy. Danh mục thiết bị giảng dạy tối thiểu quy định tại Thông tư 43, 44/2020/TT-BGDĐT lại quy định “chi tiết đến từng milimet” đối với từng dụng cụ của từng bài giảng, đồng thời yêu cầu nhà trường phải mua sắm đủ.

Ví như để minh hoạ cho bài giảng môn đạo đức về chủ đề “đức tính chăm chỉ” nhà trường sẽ phải trang bị một bộ tranh thực hành, kích thước 148*210 mm, in offset 4 màu trên giấy couche định lượng 200g/m2 cán láng OPP mờ (hoặc in màu trên nhựa), gồm 1 tờ, minh hoạ thái độ, hành vi đúng và chưa đúng về đi học đúng giờ/không đúng giờ; ăn ngủ đúng giờ/không đúng giờ. Không chỉ quy định nội dung tranh minh hoạ, nhà trường còn phải mua tối thiểu 1 bộ cho mỗi nhóm 4-6 học sinh.

Mô tả chi tiết thiết bị dạy học trong môn Đạo đức, trong Thông tư 43. (nhấp vào hình để phóng lớn)

Để giảng dạy môn Tự nhiên và Xã hội về chủ đề gia đình, nhà trường phải mua cho mỗi nhóm học sinh 4-6 em một bộ tranh rời minh họa ông, bà, bố, mẹ, con trai, con gái. Kích thước mỗi tranh 149*210 mm, in offset 4 màu trên giấy couche 200g/m2, cán láng OPP mờ.

Muốn giúp học sinh thực hành dạng hình phẳng, hình khối, nhà trường cần trang bị cho mỗi học sinh một bộ các hình phẳng gồm 6 hình tam giác đều cạnh 40mm, 4 hình tam giác cân có cạnh góc vuông 50mm, 2 hình tam giác vuông có 2 cạnh góc vuông 40mm và 60 mm,…

Tất cả những học liệu dùng để thực hành và minh hoạ đều được quy định rất chi tiết, tỉ mỉ từ kích thước, chất liệu,… khiến người đọc cảm giác giống hệt như một bài thầu.

Không cần phải căn cứ sách giáo khoa, Bộ GD-ĐT chỉ đạo mua sắm thiết bị giảng dạy

Theo logic thông thường, để chuẩn bị nội dung giảng dạy, giáo viên sẽ phải căn cứ vào chương trình, sách giáo khoa để chuẩn bị các bài giảng của mình. Nhằm giúp học sinh có những trải nghiệm thực tế, giáo viên sẽ lựa chọn các công cụ, dụng cụ thực hành phù hợp với nội dung bài giảng. Theo đó, chương trình cần được ấn định đầu tiên, sau đó tới sách giáo khoa và cuối cùng mới là các dụng cụ, thiết bị dạy học.

Tuy nhiên, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở Vật chất, Bộ GD-ĐT lại diễn giải: “Xây dựng danh mục thiết bị dạy học lần này không xây dựng theo sách giáo khoa, mà theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Chúng ta có một chương trình và nhiều bộ sách giáo, vì vậy danh mục thiết bị dạy học xây dựng theo chương trình, các địa phương dù chọn bộ sách giáo khoa nào cũng phải đáp ứng được danh mục thiết bị dạy học tối thiểu mà Bộ ban hành.”

Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương tham mưu với cấp có thẩm quyền mua sắm bổ sung đủ và đảm bảo tối thiểu bằng với các quy định tại Thông tư để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Các địa phương kêu thiếu tiền mua sắm nên xin tiền Chính phủ

Đối với Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu quy định tại Thông tư 05/2019/TT-BGDĐT, có tới 30/63 địa phương gửi báo cáo về Bộ GD-ĐT nêu khó khăn về kinh phí, đặc biệt năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), nguồn thu ngân sách tại nhiều tỉnh gặp khó khăn, đặc biệt là các tỉnh miền núi. Các địa phương đề nghị Bộ GD-ĐT tổng hợp, phối hợp các Bộ ngành liên quan tham mưu Chính phủ bố trí nguồn kinh phí và hỗ trợ các nguồn lực để mua sắm trang thiết bị và đầu tư cơ sở vật chất theo lộ trình đổi mới giáo dục.

Nay Thông tư 43, 44 quy định các thiết bị dạy học tối thiểu lại ban hành trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, nhiều cơ sở trường học bị phá huỷ hư hỏng nặng nề trong đợt bão lũ thiên tai sẽ phát sinh chi phí đầu tư không nhỏ của xã hội. Liệu ngân sách có bố trí được hay không? Liệu yêu cầu mua sắm thiết bị của Bộ GD-ĐT có tác động tới học phí và các khoản đóng góp của phụ huynh cho năm học mới hay không vẫn là câu hỏi nhiều người quan tâm.

Nhật Minh

Xem thêm:

Nhật Minh

Published by
Nhật Minh

Recent Posts

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

7 phút ago

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

30 phút ago

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

1 giờ ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

1 giờ ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

2 giờ ago

Chuyện danh y thời Tống tích âm đức cải biến mệnh

Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…

2 giờ ago