Văn hóa đọc của người Việt kém một phần vì người Việt có sách giáo khoa do chính mình soạn ra, sử dụng ngữ liệu của mình rất muộn so với Nhật Bản. Ít nhất là khoảng gần 200 năm.

Sách giáo khoa cũ có rất nhiều bài hay và ít nhất nó không có nhiều “khẩu ngữ” và ép vần như sách mới. Tuy nhiên, có phải tất cả đồ cũ đều là đồ cổ quý giá không?

Chắc chắn không!

Cả sách giáo khoa cũ và mới của Việt Nam, nếu soi xét dưới con mắt của nhà nghiên cứu ở các góc độ dưới đây, ta sẽ thấy rất nhiều điều cần mổ xẻ. Các lăng kính để xem xét là các nội dung:

1. Giáo dục hòa bình
2. Giáo dục tôn trọng con người (sự tôn nghiêm của cá nhân và các quyền con người cơ bản)
3. Giáo dục môi trường
4. Giáo dục lao động
5. Giáo dục hòa đồng và không phân biệt đối xử
6. Giáo dục tiêu dùng
7. Giáo dục bình đẳng giới và không thiên kiến
8. Giáo dục hiểu biết quốc tế (giá trị phổ quát và triết lý cùng chung sống trong môi trường đa văn hóa)
9. Giáo dục công dân (citizenship education)
10. Giáo dục pháp luật và tinh thần pháp trị
v.v…

Nếu dùng các lăng kính trên mà quan sát và phân tích ta sẽ nhận ra rất nhiều điều cần phải sửa ở sách giáo khoa nếu như ta thừa nhận giá trị phổ quát (hòa bình, yêu thương, cùng chung sống, hợp tác…) và có tinh thần cầu thị học hỏi quốc tế.

Tôi nhớ hồi học tiểu học, trong sách giáo khoa (tôi không nhớ là lớp mấy) có trích bài thơ “Nói với sông Đơ-nhi-ép” thế này:

Con người nói với sông Đơ-Nhi-Ép:
– Ta sẽ chắn ngươi bằng tường, thép
Để
Từ trên cao
Ngươi chảy xuống
Băng băng
Cho tàu chạy
nhanh hơn
Cho máy chạy
không ngừng.
Để từ nay
Nước dòng sông
Không còn trôi
Vô ích
Mà sẽ mang
Bánh mì
Điện
Than
Cho nhân dân
Dùng thoả thích.
Để
Trên đồng
Vang xa
Tiếng máy cày
Máy nổ
Để điện sáng
Suốt đêm
Trong nhà
Và ngoài phố!

Bài thơ này ăn vào đầu tôi đến độ giờ sau gần 30 năm tôi vẫn thuộc vài đoạn!

Nhưng rõ ràng nhìn dưới góc độ của quan điểm giáo dục môi trường hiện đại, nó hoàn toàn không phù hợp nữa. Con người nếu chỉ theo đuổi khát vọng (mà thực chất cũng là ảo vọng) chinh phục thiên nhiên, bắt thiên nhiên làm nô lệ phục vụ mình thì sẽ đi vào ngõ cụt và tự phá hủy cuộc sống của chính mình. Thiên tai và các vấn đề môi trường toàn cầu như: trái đất nóng lên, băng tan ở Bắc Cực, thủng tầng Ozon… là những dấu hiệu cảnh báo về điều đó.

Ta hãy so sánh với một triết lý khác mà tôi đã thấy ở bờ biển Hokkaido của nước Nhật. Khi lang thang ở đây năm 2009, tôi đã viết một bài về nó và sau này đưa vào cuốn sách “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường của mình”. Tôi đã viết như thế này:

Điểm cuối cùng của cuộc hành trình là vườn hoa dã sinh Beniya. Phía bên này vườn hoa là rừng và phía kia là biển cả. Nơi đây là vườn tự nhiên một trăm phần trăm với lau sậy và đủ các loài hoa dại. Chỉ có con đường làm bằng gỗ đi vòng vèo trong vườn và tấm bảng ghi tên vườn hoa là có dấu hiệu can thiệp của con người. Xuyên giữa vườn hoa là con sông nhỏ. Chim kéo về từng bầy gọi nhau vang động.

Biển rộng mênh mông. Mặt trời đang từ từ chìm xuống lớp sóng sẫm màu. Không bóng người, không một con thuyền chỉ có tiếng sóng xô ầm ầm từng đợt và những cánh hải âu chao lượn.

Một khu lưu niệm nho nhỏ dựng bên bờ biển. Tôi lại gần. Trên tấm bia đá là dòng chữ của những ngư dân có người thân bỏ mình nơi biển cả: “Con người không nên đem sức mạnh thi thố với thánh thần, mà con người nên thuận theo sự che chở của tự nhiên”.

Tôi giơ máy ảnh lên cố chụp bức thông điệp của những người trọn đời bám biển. Ở phía xa mặt trời đang hắt lên những tia nắng cuối cùng trong ngày trước khi chìm sâu vào lòng biển cả.

Nghiên cứu sách giáo khoa - Một công việc nghiêm túc và cần thiết
(Ảnh: Tấm bia tác giả chụp ở Hokkaido)

Từ hai ví dụ trên mà suy ngẫm thì ta sẽ thấy nhiều người bênh vực những cái sai trong sách giáo khoa hay rộng hơn là dung túng cho nhiều cái lạc hậu trong giáo dục không hẳn là vì họ cố tình làm như vậy để bảo vệ quyền lợi của mình, của những người cùng lợi ích mà trái lại trong nhiều trường hợp họ còn là người rất nhiệt tình với giáo dục, “có nhiều cống hiến” cho giáo dục trong rất nhiều năm.

Vấn đề nằm ở chỗ giá trị quan của họ không giao thoa với giá trị phổ quát và quan điểm giáo dục của họ có những bộ phận chống lại giá trị phổ quát. Nếu như người khác kinh sợ chuyện “dùng bạo lực trả thù lại kẻ dùng bạo lực” thì họ có thể thấy đó là lẽ tự nhiên, và coi đó là “thực thi công lý”. Nếu người khác thấy chuyện cho trẻ em thấy những mánh khóe ti tiện trong đời sống là không nên vì trẻ cần biết điều tốt trước khi biết điều xấu thì họ có thể sẽ lại thấy chuyện đó là thường vì “đó là cuộc sống”

Nghĩa là khi soạn sách hay nói, viết người ta bị chi phối bởi tư tưởng, giá trị quan rất lớn. Khi người viết không thấm được các giá trị phổ quát, các tư tưởng mới thì trong vô thức họ sẽ sử dụng các ngữ liệu chống lại nó.

Nghề nói, viết, dạy khó là ở chỗ đó!

Các tác giả viết sách giáo khoa, sách tham khảo cho học sinh cho dù là ai phải luôn nhớ kĩ về điều đó.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả:

Mời xem video: