Nhận 210 triệu đồng của một cá nhân để “chạy việc” vào biên chế giáo viên, Hiệu trưởng trường THCS Ea Phê (xã Ea Phê, huyện Krông Pắk) bị cách chức.
Ngày 30/3, bà Ngô Thị Minh Trinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) cho biết UBND huyện vừa ra quyết định cách chức đối với ông Phan Xuân Hạnh – Phó bí thư chi bộ, Hiệu trưởng THCS Ea Phê (xã Ea Phê, huyện Krông Pắk) vì có sai phạm trong quá trình công tác.
Bà Trinh cho hay Hiệu trưởng trường THCS Ea Phê đã nhận 210 triệu đồng từ cô Bùi Thị Thùy Lê để vào làm giáo viên hợp đồng và “chạy” vào biên chế của trường THCS Ea Phê. Tuy nhiên, sau nhiều lần hứa, ông Hạnh không “chạy” được biên chế cho cô Lê và không trả hết số tiền đã nhận. Cô Lê sau đó đã làm đơn tố cáo gửi lên Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Krông Pắk.
Tiến hành xác minh theo nội dung đơn tố cáo, Ủy ban Kiểm tra kết luận: hành vi của ông Phan Xuân Hạnh nhận tiền lo việc cho cô Lê có biểu hiện lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhũng nhiễu nhằm nhận tiền “chạy” việc của cô Lê là trái với quy định của pháp luật. Theo đó, Ủy ban thi hành kỷ luật cách chức Chi ủy viên, cách chức Hiệu trưởng đối với ông Hạnh.
Sau khi bị cách chức, ông Hạnh làm giáo viên bình thường và hết năm nay sẽ nghỉ hưu.
Trước đó, sáng 28/3, Công an huyện Krông Pắk cho biết cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam 4 tháng đối với ông Huỳnh Bê – Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây (huyện Krông Pắk) để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đơn tố cáo của bà Chu Thị Long (ngụ xã Ea Yông, huyện Krông Pắk) gửi đến cơ quan công an, ông Huỳnh Bê đã nhận 300 triệu đồng vào ngày 19/8/2016 để xin cho con gái bà Long vào dạy tại trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Bê không thực hiện lời hứa. Trong quá trình điều tra, ông Bê thừa nhận có nhận tiền để lo việc cho con gái bà Long nhưng chưa trả được nợ.
Ngoài ra, nhiều người dân cũng gửi đơn tố cáo ông Huỳnh Bê nhận hàng trăm triệu đồng để lo cho các giáo viên mới ra trường có được một suất vào biên chế. Khi nhận tiền, ông Bê sẽ viết “Giấy mượn tiền”, “Giấy nhận tiền” nhưng sau đó không thực hiện theo cam kết, đồng thời cũng không trả lại tiền dù các cá nhân nhiều lần tới đòi.
Ông Huỳnh Bê cũng bị hàng loạt giáo viên trường THCS Ngô Mây tố cáo lập hai bảng lương để “ăn chặn” tiền lương của các giáo viên hợp đồng và cho con trai ông Bê dù đã nghỉ việc ở trường nhưng vẫn được lĩnh lương đều đặn.
Sự việc hiệu trưởng các trường học tại huyện Krông Pắk bị tố cáo nhận hàng trăm triệu đồng “chạy” vào biên chế liên quan đến thông báo của UBND huyện về việc giải quyết hơn 600 giáo viên mà địa phương này đã tuyển dư trong nhiều năm qua.
Hôm 9/3, Phó chủ tịch huyện Krông Pắk cho biết địa phương sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với 200 giáo viên giảng dạy các môn học không thuộc diện phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017, đến cuối tháng 3/2018, UBND huyện sẽ tổ chức thi tuyển công chức đối với 83 chỉ tiêu, do đó, sẽ có hơn 500 giáo viên bị mất việc.
Sau khi nghe thông báo, hàng trăm giáo viên bức xúc cùng lên trụ sở UBND huyện yêu cầu làm rõ nhưng không được giải quyết.
Theo thông tin từ Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, tính đến cuối năm 2016, UBND huyện Krông Pắk đã ký hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế cho hơn 500 giáo viên, trong đó bậc mầm non: 85 giáo viên; tiểu học: 285 giáo viên; THCS: 242 giáo viên. Đáng chú ý, huyện bổ nhiệm thừa tới 32 phó hiệu trưởng (bậc tiểu học thừa 18 hiệu phó, bậc THCS thừa 11 hiệu phó).
Trước thông tin hàng trăm giáo viên tại huyện Krông Pắk phải “bỏ tiền chạy hợp đồng”, công an tỉnh Đắk Lắk đã giao các phòng nghiệp vụ tiến hành điều tra, xác minh.
Khởi Nguyên
Xem thêm:
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…