ĐBQH Cao Thị Xuân cho rằng nguyên nhân chủ quan trong các vụ việc cháy rất lớn, người dân vi phạm thì bị phạt tù nhưng đã có bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, bị mất chức, bị xử lý liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác phòng cháy, chữa cháy?
Ngày 13/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 – 2018.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) nhận định ngoài những biểu hiện cực đoan của thời tiết là nguyên nhân khách quan thì thống kê trong số hàng chục vụ cháy rừng, trong đó có những vụ gây hậu quả nghiêm trọng dường như tất cả đều bắt nguồn từ sự bất cẩn của con người.
“Nhiều người nông dân với thói quen đốt rẫy, làm nương, họ không cố tình gây ra những đám cháy lớn, nhưng họ không đủ kiến thức về phòng cháy, chữa cháy nên đã vi phạm pháp luật. Hậu quả là chúng ta mất rừng, còn những người nông dân đáng thương gây ra vụ cháy thì phải vào tù. Trong khi chúng ta hoàn toàn có thể phòng, tránh được những hậu quả đáng tiếc nếu công tác thông tin giáo dục, vận động để nâng cao ý thức của người dân” – bà Xuân nói.
Bà Xuân cũng nhắc vụ cháy tại quán karaoke tại Hà Nội cách đây 3 năm khiến gần 20 người chết.
Bà cho biết thời điểm đó, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về thực hiện pháp luật về phòng cháy, chữa cháy như thế nào khi những quán karaoke chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy nhưng đã tự ý hoạt động và kinh doanh? Tương tự, rất nhiều các nhà hàng nhà nghỉ, khu chợ đã xảy ra, đều do các biện pháp phòng cháy chữa cháy bị lơ là. Báo cáo giám sát đã nêu con số hàng ngàn vụ cháy xảy ra mỗi năm, khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Đại biểu Xuân đặt vấn đề có hay không tiêu cực trong hoạt động cấp phép cho công tác kiểm tra, giám sát đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ có nguy cơ cao?
“Nguyên nhân chủ quan trong các vụ việc này rất lớn, người dân vi phạm thì bị phạt tù nhưng đã có bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, bị mất chức, bị xử lý liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác phòng cháy, chữa cháy? Tôi cho rằng công tác xử lý trách nhiệm về quản lý nhà nước thời gian qua không tương xứng với những tồn tại vi phạm, sai phạm trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hậu quả đáng tiếc khi hỏa hoạn xảy ra” – bà Xuân nói.
Đại biểu đề nghị sau cuộc giám sát này, Quốc hội cần quy định thêm nội dung về tái giám sát, đặc biệt là tái giám sát về trách nhiệm thực thi công vụ trong phòng cháy, chữa cháy vì chỉ có giám sát thường xuyên xử lý nghiêm minh thì mới chấm dứt được tình trạng nói mãi mà không chuyển.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng đã đến lúc nhìn thẳng vào thực trạng phòng, chống cháy nổ hiện nay để thấy những lỗ hổng cần phải truy trách nhiệm, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, trước tiên là lỗ hổng trong những văn bản hướng dẫn.
Qua tham gia một số đoàn giám sát, đại biểu nhận thấy có sự chồng chéo, bất cập, thiếu thống nhất, sự lạc hậu của các quy định pháp luật, không chỉ quy định pháp luật trực tiếp về phòng, chống cháy nổ mà cả các quy định liên quan ở đối tượng xây dựng, giao thông, điện lực. Đây là nguyên nhân khiến các địa phương lúng túng trong thực hiện.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng “lỗ hổng trong thực hiện cũng khá rõ”. Cơ quan chức năng khẳng định quan tâm thực hiện kiểm tra, giám sát nhưng những sai phạm trong cháy nổ phát hiện và xử lý rất ít. Thực tế khi sự cố cháy nổ xảy ra mới xem xét nguyên nhân, quy trách nhiệm.
Theo đại biểu, chuyện đáng buồn là khi quy trách nhiệm thì có tình trạng đổ lỗi, trên đổ lỗi cho dưới là không chấp hành, dưới đổ lỗi cho trên là không hướng dẫn. Người dân cho là chính quyền không quan tâm, chính quyền cho là người dân không chấp hành.
Cho rằng “đây là văn hóa đổ lỗi trong quy trách nhiệm”, đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng chúng ta phải nhìn thẳng vào các tồn tại, bịt ngay lỗ hổng trong công tác xây dựng lập pháp, hướng dẫn triển khai thực hiện, giám sát thực hiện. Hơn hết là hãy dừng đổ lỗi để truy xét trách nhiệm rõ hơn, nhận trách nhiệm nghiêm túc hơn, từ đó tìm giải pháp phù hợp hơn.
Báo cáo với Quốc hội về kết quả giám sát, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước vẫn xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 ha rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 ha rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 ha rừng. Địa bàn xảy cháy ở thành thị chiếm 60,11%, ở khu vực nông thôn chiếm 39,89%; cháy tại khu vực nhà dân 5.636 vụ (chiếm 42,86 %), tại cơ sở kinh tế tư nhân 4.861 vụ (chiếm 36,97%). Các vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện 6.458 vụ (chiếm 57,27%), do sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt 3.291 vụ (chiếm 29,18%). Cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra 126 vụ, chiếm 0,96% tổng số vụ, làm chết 35 người, bị thương 72 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4.972,7 tỷ đồng, chiếm 76,2% tổng thiệt hại do cháy gây ra. Số vụ cháy có quy mô nhỏ và trung bình chiếm 99%. |
Hoàng Minh
Xem thêm:
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…