Trong khi việc nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn cát thải của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống biển Tuy Phong đang nhận được nhiều ý kiến từ các cơ quan chuyên ngành, tổ chức kiến nghị xem xét lại quá trình, thủ tục cấp phép của Bộ TN&MT thì Thường vụ tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản gửi đến Trung ương kiến nghị dừng cấp phép cho EVNGENCO 3 nhận chìm 2,4 triệu m3 vật chất xuống vùng biển của tỉnh này.
Chiều ngày 24/7, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận cho biết Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận vừa có văn bản gửi Thường trực Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng về việc nhận chìm vật chất nạo vét xuống khu vực biển Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong) của Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 và Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Theo nội dung văn bản, tỉnh Bình Thuận đề nghị phía Trung ương cần xem xét lại việc cấp phép cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm gần 1 triệu m3 vật chất xuống biển một cách thận trọng, khách quan và toàn diện rồi mới quyết định tiếp.
Đối với việc Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) đang hoàn tất các thủ tục để đề nghị Bộ TN&MT cấp phép cho nhận chìm 2,4 triệu m3 vật chất nạo vét xuống khu vực biển Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận đề nghị Trung ương chưa tiến hành cấp phép nhận chìm và nên tìm phương án, giải pháp khác phù hợp hơn.
“Để tránh ảnh hưởng đến môi trường, chúng tôi kiến nghị xem xét có thể sử dụng vật chất nạo vét làm vật liệu bồi lấp, phục vụ các công trình lấn biển. Giải pháp này cũng phải qua các khâu đánh giá tác động môi trường kỹ càng, nhưng nó có tính ưu điểm là có kè, nhốt vật chất lại, khỏi lây lan cho vùng biển khác. Mong muốn của tỉnh là vụ việc sẽ được xử lý đúng mức, toàn diện, khoa học và khách quan để giải thích rõ cho cộng đồng dân cư”, ông Hùng nói.
Theo EVNGENCO 3, vị trí xin đổ vật chất nạo vét xuống biển cách vị trí mà Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ khoảng 5 km về hướng Bắc và cách Khu bảo tồn biển Hòn Cau khoảng 10 km.
Ông Trần Lê Trung Hiếu – Chánh Văn phòng của EVNGENCO 3 cho hay khối lượng bùn cát này thu được trong quá trình nạo vét luồng và vũng quay tàu để làm cảng 100 nghìn tấn để nhập than từ Indonesia và Úc cho các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng. Thủ tục của dự án đã được trình cho Bộ TN&MT và dự kiến EVNGENCO 3 sẽ thực hiện trong năm nay.
Trong khi đó, liên quan đến việc cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải của Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống biển Tuy Phong – cách Khu bảo tồn biển Hòn Cau khoảng 8 km, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn hỏa tốc kiến nghị Bộ TN&MT xem xét việc tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, số liệu môi trường nền tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau, bãi cạn Breda, các cơ sở sản xuất tôm giống, khu lấy nước nuôi tôm trước khi bắt đầu hoạt động nhận chìm để làm cơ sở so sánh, đối chứng với trước, trong và sau khi có hoạt động nhận chìm theo giấy phép.
UBND tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị xây dựng và sớm ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động nhận chìm và ban hành Quy chế phối hợp với địa phương trong việc kiểm tra, giám sát để tránh chồng chéo, nhằm tăng cường sự giám sát cộng đồng trong việc thực hiện giấy phép.
Mới đây, việc cấp phép nhận chìm bùn cát thải của Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 tiếp tục nhận được sự phản đối của dư luận khi có 3/14 thành viên có tên trong danh sách nhà khoa học tham gia dự án lên tiếng cho rằng mình bị mạo danh, lợi dụng tên tuổi, trong đó có Tiến sỹ Nguyễn Tác An – nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam.
Tiến sỹ An cho hay ông chưa lần nào làm việc với chủ đầu tư và đơn vị tư vấn về việc nhận chìm xuống biển Vĩnh Tân. Ông cho rằng đây là sản phẩm của sự ngụy tạo, dối trá.
Cùng có chung ý kiến dừng thực hiện giấy phép cho Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đổ bùn thải xuống biển Bình Thuận, Hội nghề cá Việt Nam đã có văn bản gửi tới Chính phủ và các bộ ngành đưa ra 6 lo ngại cần được làm rõ.
Trong đó, Hội nghề cá đặt ra câu hỏi ở Bình Thuận dự kiến có tới 5 nhà máy nhiệt điện, ngoài Vĩnh Tân 1 xin đổ bùn ra biển, liệu các nhà máy tiếp theo sẽ đổ bùn đi đâu, hay tiếp tục mang ra biển để đổ?
Bộ TN&MT nói lượng bùn nhận xuống biển không ảnh hưởng đến khu bảo tồn Hòn Cau nhưng Hội nghề cá cho rằng cát sỏi sẽ lắng xuống đáy trong một số ngày, còn bùn lỏng khó có thể lắng đọng thậm chí trong nhiều năm. Trong điều kiện sóng, gió, bão, thủy triều, chỉ trong vài ngày lượng bùn này sẽ được đưa đi bồi đắp làm chết sinh vật đáy, mất nơi cư trú của thủy sản bố mẹ, thay đổi môi trường sinh thái của khu Hòn Cau.
Hội nghề cá cho rằng “trong báo cáo đánh giá tác động môi trường nói là nhận bùn xuống đáy biển chỉ là cách nói kiểu lách luật”.
Diệp Thu
Xem thêm:
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…