Bình Thuận gửi công văn hỏa tốc tới Bộ TN&MT về việc nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát thải
- Minh Long
- •
UBND tỉnh Bình Thuận vừa có công văn khẩn với một số nội dung kiến nghị Bộ TN&MT xem xét việc Bộ cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát thải ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) vào ngày 23/6/2017 theo giấy phép số 1517.
Ông Nguyễn Ngọc Hai – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa có công văn hoả tốc về việc thực hiện “Giấy phép nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát thải”, sau khi Bộ TN&MT đồng ý cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm xuống vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) theo giấy phép số 1517 ngày 23/6/2017.
Theo giấy phép được phê duyệt, vị trí nhận chìm cách Hòn Cau 8 km, tổng diện tích được phép nhận chìm là 30 ha mặt nước biển, nơi nhận chìm có độ sâu không quá -36m. Trong đó: 20% là bùn, 80% là cát, vỏ sò, cát kết phong hóa, cát phong hóa, sét cát, sạn sỏi thu được từ việc nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Thời gian nhận chìm từ tháng 6 đến hết tháng 10.
Sáng ngày 7/7/2017, ông Nguyễn Linh Ngọc – Thứ trưởng Bộ TN&MT đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận về việc nhận chìm số bùn, cát trên. Sau khi nghe đại diện Bộ TN&MT trình bày kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động nhận chìm ở biển, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị một số nội dung cần Bộ TN&MT xem xét.
UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất việc tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, số liệu môi trường nền tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau, bãi cạn Breda, các cơ sở sản xuất tôm giống, khu lấy nước nuôi tôm trước khi bắt đầu hoạt động nhận chìm để làm cơ sở so sánh, đối chứng với trước, trong và sau khi có hoạt động nhận chìm theo Giấy phép.
UBND tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị xây dựng và sớm ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động nhận chìm và ban hành Quy chế phối hợp với địa phương trong việc kiểm tra, giám sát để tránh chồng chéo, nhằm tăng cường sự giám sát cộng đồng trong việc thực hiện Giấy phép; Kiến nghị bổ sung thêm 10 điểm quan trắc tại các khu vực nuôi cá lồng bè, lấy nước nuôi tôm giống, làm muối, bãi hải đặc sản… như đã đề nghị tại buổi làm việc ngày 7/7/2017; đồng thời tiếp tục thực hiện quan trắc, theo dõi chất lượng môi trường biển sau khi Giấy phép nhận chìm hết hạn.
Việc nhận chìm bùn, cát thải chỉ cách khu bảo tồn Hòn Cau 8 km khiến các nhà khoa học lo ngại việc nhận chìm này có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến quần thể san hô và tác động hiệu ứng tràn của biển rất lớn. Hơn nữa, Hòn Cau là một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước. Đây là nơi có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô và các rạn ngầm; hơn 34 loài thủy sinh vật quý hiếm nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng,…
Ngoài nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được Bộ TN&MT cấp phép, hiện Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đang xúc tiến xin giấy phép nhận chìm 2,4 triệu m3 bùn cát thải sau nạo vét xuống biển Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận).
Vị trí EVNGENCO3 xin đổ cách vị trí mà Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ khoảng 5 km về hướng Bắc và cách Khu bảo tồn biển Hòn Cau khoảng 10 km.
Minh Long (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Khu bảo tồn biển Hòn Cau ô nhiễm biển Bình Thuận thảm họa môi trường Bình Thuận nhấn chìm bùn cát Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1