Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. (Ảnh: quochoi.vn)
Dự thảo Nghị quyết quy định ngân sách trung ương hỗ trợ không quá 30% tổng mức đầu tư dự án và không quá 12.800 tỷ đồng để xây dựng nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ.
Sáng ngày 15/2, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Chính phủ đề xuất quy định tại dự thảo Nghị quyết về cơ chế tự chủ của tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn;
Quy định viên chức, viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập được tham gia thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu;
Bổ sung quy định về miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ưu đãi thuế cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số gồm 4 Chương và 19 Điều, với nội dung cơ bản gồm: quy định về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ chi tiêu tài chính từ ngân sách nhà nước, hoạt động của tổ chức và nhân lực trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hoạt động khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp, công nghệ chiến lược; cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, đấu thầu, tài chính và thử nghiệm có kiểm soát cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số chiến lược để tháo gỡ vướng mắc tạo cơ chế, chính sách vượt trội trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trong đó, nguyên tắc kinh phí nhà nước cấp cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ là thông qua quỹ. Các quỹ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được thành lập theo quy định của pháp luật khoa học và công nghệ và từ nhiều nguồn khác nhau.
Đối với chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ đề xuất, xác định hoạt động chuyển đổi số quốc gia gồm: nền tảng số dùng chung, chỉ định thầu cho các gói thầu; hoạt động phát triển hạ tầng số gồm: hạ tầng 5G, cáp viễn thông kết nối quốc tế trên biển, thí điểm dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp.
Đối với hoạt động phát triển công nghiệp công nghệ số chiến lược (bán dẫn), ông Hùng đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ để xây dựng nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ.
Dự thảo Nghị quyết quy định ngân sách trung ương hỗ trợ không quá 30% tổng mức đầu tư dự án và không quá 12.800 tỷ đồng để xây dựng nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nhu cầu nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiêm thử chip bán dẫn do Bộ Quốc phòng chủ trì, chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội thực hiện theo chiến lược bán dẫn.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị không quy định tên Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội trong Nghị quyết của Quốc hội, mà chỉ nên quy định những cơ chế, chính sách chung, không quy định đối tượng cụ thể.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về việc đầu tư từ ngân sách trung ương để xây dựng các phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia và tại một số cơ sở giáo dục đại học phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Ủy ban thẩm tra đề nghị làm rõ cơ quan nào quyết định cho tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước? Đồng thời, cần có quy định để xác định được tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đó đã làm, đã nỗ lực hết sức, đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học nhưng vẫn xảy ra rủi ro…
Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 với lộ trình 3 giai đoạn. Giai đoạn (2024- 2030): tận dụng lợi thế địa chính trị, nhân lực về công nghiệp bán dẫn, thu hút FDI có chọn lọc, phát triển trở thành một trong các trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu, hình thành năng lực cơ bản trong tất cả các công đoạn từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử của công nghiệp bán dẫn. Trong giai đoạn này, Việt Nam sẽ thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành lĩnh vực. Giai đoạn này đặt mục tiêu quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10- 15%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 225 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10- 15%. Quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 50.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển. Giai đoạn (2030- 2040): trở thành một trong các trung tâm về công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu; phát triển công nghiệp bán dẫn, điện tử kết hợp giữa tự cường và FDI. Giai đoạn (2040- 2050): trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử. |
Minh Long
Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết thành phố đóng góp…
Từ tháng 6/2023 đến nay, “Thích Giác Hiếu” (tức Võ Văn Thắng) đã lừa đảo…
Hoa Kỳ và Nga đã có những bước đi đầu tiên hướng tới bình thường…
Chỉ riêng trong tháng 1, giá gạo xuất khẩu giảm gần 5%, giá gạo trong…
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp chấm dứt việc…
Tập đoàn Syre (Thụy Điển) vừa công bố kế hoạch đầu tư từ 700 triệu…