Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, theo đó với tài xế sử dụng ma túy gây tai nạn sẽ tước vĩnh viễn bằng lái xe.
Tại hội nghị sơ kết đảm bảo an toàn giao thông quý 1/2019 diễn ra vào ngày 24/4, nhiều ý kiến đề xuất cần tăng thêm hình phạt với tài xế sử dụng rượu bia, chất gây nghiện, kích thích.
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT Bộ Công an, cho biết thời gian qua xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng, chủ yếu do lái xe uống rượu, sử dụng ma túy. Ông Dũng nhận định việc xử lý vi phạm nồng độ cồn và tài xế sử dụng ma túy là hai việc khó và phức tạp.
Lãnh đạo Cục CSGT cho rằng cần phải siết chặt từ khâu đào tạo tài xế và quản lý tài xế, đồng thời đề nghị xem xét chế tài xử lý với các đối tượng vi phạm giao thông không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát, đặc biệt các đối tượng sử dụng rượu bia, ma túy, người quá khích đỗ xe và bỏ đi gây cản trở giao thông. “Khi một người dừng xe bỏ đi mà không có các chế tài giao quyền hạn cho người có thẩm quyền thì không cẩu xe đi được, không bắt giữ người ta được vì chưa đến mức hình sự“, ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng cho hay từ ngày 1/6, dữ liệu về giấy phép lái xe sẽ được liên thông, chia sẻ giữa C08 với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT. Theo đó, các trường hợp người lái vi phạm giao thông, bị CSGT tạm giữ hoặc tước bằng lái có thời hạn đến các sở GTVT xin cấp phó bản sẽ bị ngăn chặn kịp thời.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. “Cần quy định xem xét trách nhiệm của cả đơn vị kinh doanh vận tải khi bố trí người lái có sử dụng ma túy. Đối với người lái xe, thay vì tước bằng lái có thời hạn thì xem xét tước vĩnh viễn khi họ sử dụng ma túy gây tai nạn…”, ông Tuyến nói.
Ông Nguyễn Văn Khước, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đề nghị tước bằng lái vĩnh viễn đối với trường hợp tài xế sử dụng rượu bia, ma túy tông chết người; tước bằng lái xe 3 – 5 năm với tài xếsử dụng rượu bia, ma túy tham gia giao thông, buộc lao động công ích với các hành vi lạng lách, đánh võng, đua xe…
Trước các kiến nghị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch An toàn giao thông (ATGT) quốc gia Trương Hòa Bình, yêu cầu rà soát lại hành lang pháp lý để bổ sung. Mặc dù vậy, theo Phó thủ tướng, với quy định của pháp luật hiện nay có thể xử lý ngay, nếu cản trở giao thông có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, gây rối trật tự giao thông có thể tạm giữ hành chính.
Phó Thủ tướng cho rằng đối với các trường hợp vi phạm giao thông bị tước hoặc tạm giữ bằng lái nhưng người vi phạm khai gian dối khi đi xin thi, cấp lại nếu phát hiện thì hủy luôn kết quả sát hạch, thu hồi luôn bằng lái chính và phó bản mới cấp. Đồng thời, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân cấp bằng lái cho người gian dối.
“Để làm được việc này, sắp tới công an khi tạm giữ bằng lái xe phải đưa vào dữ liệu và chia sẻ với Bộ GTVT để biết việc xin lại, cấp lại bằng có đúng không. Nếu bị giữ mà lại xin cấp lại thì tước bằng luôn. Còn nếu chưa thì phải xác minh trước khi cấp lại…”, Phó Thủ tướng nói.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết đơn vị đang nghiên cứu và xây dựng phần mềm để quản lý lái xe kinh doanh vận tải. Đây là phần mềm lưu trữ thông tin về lịch sử của tài xế kinh doanh vận tải từ khi bắt đầu đến khi kết thúc hành nghề lái xe. Sau khi xây dựng xong, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ cung cấp tài khoản truy cập và phần mềm cho các sở GTVT để quản lý đội ngũ tài xế thuộc các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn.
Cục trưởng Cục CSGT Vũ Đỗ Anh Dũng đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu chia sẻ, kết nối thông tin từ hệ thống giám sát hành trình hiện đã gắn trên các xe kinh doanh vận tải (hộp đen) để CSGT tuần tra trên đường có thể trích xuất, xử lý nóng các hành vi vi phạm của tài xế, chủ xe.
Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong quý 1, toàn quốc xảy ra 4.030 vụ TNGT, khiến 1.905 người chết, bị thương 3.141 người. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ TNGT giảm 644 vụ, số người chết giảm 244 người, số người bị thương giảm 486 người. 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết giảm so với cùng kỳ; 19 địa phương có số người người chết tăng, trong đó có 10 địa phương tăng trên 20%. Toàn quốc xảy ra 7 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 29 người, bị thương 29 người tại các tỉnh Gia Lai, Thừa Thiên Huế, Long An, Hải Dương, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Vĩnh Phúc. Đặc biệt nghiêm trọng là các vụ tai nạn giữa xe ô tô khách với đoàn người đưa tang tại tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Bình Định. Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định tình trạng vi phạm trật tự ATGT, vi phạm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt và các đô thị còn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Báo động tình trạng tài xế ô tô sử dụng ma túy, chất kích thích tương đối nhiều. Trong quý 1, các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 182 tài xế dương tính với chất ma túy. |
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
Trong một bài phát biểu quan trọng được phát sóng truyền hình hôm Thứ Năm,…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…