Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chưa biết ngày hoàn thành và chưa bàn giao cho UBND TP. Hà Nội khai thác, nhưng Ban Quản lý dự án dự kiến trả nợ gốc phần vốn vay lại đến hết năm 2020 hơn 152 tỷ đồng.
Bộ GTVT vừa có văn bản hỏa tốc xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc đã đến hạn trả nợ gốc khoản vay lại của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông.
Theo Bộ GTVT, cơ chế tài chính của dự án Cát Linh- Hà Đông mà Thủ tướng Chính phủ chấp nhận trước đó quy định, Bộ GTVT có trách nhiệm bố trí nguồn vốn đối ứng để trả nợ cho phía Trung Quốc phần vốn vay lại của dự án, các khoản chi phí liên quan trong giai đoạn xây dựng cho tới khi hoàn thành và bàn giao cho UBND TP. Hà Nội. TP.Hà Nội nhận nợ trực tiếp đối với phần vốn vay lại của dự án sau khi đã được Bộ GTVT bàn giao hoàn chỉnh.
Bộ GTVT đánh giá, theo cơ chế tài chính này, trước khi dự án được bàn giao cho UBND TP. Hà Nội, Bộ đã phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư dự án để bố trí 400 tỷ đồng cho hạng mục trả nợ gốc phần vốn vay lại.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Đường sắt, hiện số nợ gốc đã trả cho Trung Quốc là 398,043 tỷ đồng, số vốn trả nợ gốc còn lại trong tổng mức đầu tư còn lại là 1,957 tỷ đồng.
Đáng chú ý, giữa bối cảnh chồng chất những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án đường sắt đô thị trên cao và nhất là chưa thể khẳng định chính xác thời gian hoàn thành Cát Linh- Hà Đông để bàn giao cho TP. Hà Nội, Ban Quản lý dự án đưa ra mức phát sinh dự kiến trả nợ gốc phần vốn vay lại đến hết năm 2020 là 1552,709 tỷ đồng (ký trả nợ gần nhất là ngày 21/1/2020).
Ban Quản lý dự án cũng đề xuất phương án giãn nợ đến khi hoàn thành, bàn giao khoản vay cho UBND TP. Hà Nội hoặc xem xét, điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư để tiếp tục bố trí trả nợ, nhằm hạn chế vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện nghĩa vụ bên vay theo các Hiệp định mà Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết.
Tuy nhiên, Bộ GTVT lo ngại chính là việc gia hạn thời gian trả nợ gốc có những khó khăn nhất định trong quá trình hoàn thiện các thủ tục gửi cơ quan được ủy quyền cho vay lại để xem xét, thẩm định, quyết định. Trong khi đó, việc điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư để bổ sung vối đối ứng bố trí trả nợ gốc phần vốn vay lại chưa phù hợp với kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Cũng theo Bộ GTVT, trong bối cảnh Hiệp định vay 250 triệu USD đã đến kỳ trả nợ gốc khoản vay lại, thì việc chậm trả nợ sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia cũng như những hệ lụy hết sức nghiêm trọng về kinh tế.
Ngày 21/1, Bộ GTVT đã có quyết định giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 để trả nợ gốc Hiệp định vay 250 USD của dự án và đang chờ ý kiến thẩm tra của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước mới có thể giải ngân.
Do đó, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng có chỉ đạo đối với Bộ Tài chính sớm xem xét việc gia hạn thời hạn trả nợ gốc phần vốn cho vay lại đối với dự án.
Nếu như Bộ Tài chính không thể sớm xem xét gia hạn, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng có ý kiến với Kiểm toán Nhà nước nhằm giảm bớt thủ tục trên cơ sở xem xét tính chất đặc thù của dự án Cát Linh- Hà Đông. Đồng thời, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ cho phép Bộ GTVT tiếp tục bổ sung vốn bố trí cho hạng mục trả nợ gốc của các Hiệp định vay đã ký để đảm bảo trả nợ đúng hạn.
Dự án tuyến Cát Linh – Hà Đông hiện có chiều dài 13km, được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD) từ nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc. Tổng thầu EPC do phía Trung Quốc chỉ định (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc). Dự án sau đó được điều chỉnh lên 18.000 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD). Qua nhiều lần hứa hẹn (mốc hẹn từ tháng 9/2016, rồi đến tháng 10/2017, tháng 12/2017, rồi dời sang 9/2018, rồi đến tháng 6/2019), đến nay (năm 2020), dự án vẫn chưa đủ an toàn để khai thác thương mại, khiến nhiều người bức xúc. KTNN cũng đã chỉ rõ nhiều sai phạm liên quan tới dự án như Tổng thầu thiếu kinh nghiệm, thiết kế cơ sở sơ sài,… Đặc biệt, dự án còn chi sai tới gần 3.000 tỷ đồng. Số tiền chi sai chủ yếu do chủ đầu tư tính sai khối lượng, sai đơn giá, nhiều hạng mục xây lắp, mua sắm vật tư, thiết bị chưa phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam. Trước những trì trệ của dự án, Bộ GTVT mới đây đã yêu cầu đích thân Tổng giám đốc Cục 6 đường sắt Trung Quốc phải sang Việt Nam làm việc và giải quyết dứt điểm. Một diễn biến khác, tại cuộc họp giao ban Bộ GTVT cuối tháng 1/2020, Bộ cho biết có hơn 100 chuyên gia Trung Quốc đang tham gia thi công dự án Cát Linh- Hà Đông hiện chưa thể sang lại Việt Nam sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán làm việc, do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp với chủng mới virus corona tại Trung Quốc. Bộ GTVT cho biết việc thiếu đội ngũ chuyên gia Trung Quốc khiến dự án thêm khó khăn trong việc hoàn thành và đưa vào vận hành khai thác ngay trong năm 2020. |
Kim Long
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…