Sách giáo khoa làm giả bị thu giữ. (Ảnh từ cơ quan công an)
Các bị cáo trong vụ án in hơn 1,6 triệu cuốn sách giáo khoa giả tại Đà Nẵng bị tuyên với mức án từ 21 tháng đến 12 năm tù.
Ngày 13/5, TAND TP. Đà Nẵng cho biết sau hai ngày xét xử (12-13/5), HĐXX đã tuyên án 13 bị cáo liên quan đến đường dây sản xuất và buôn bán hơn 1,6 triệu cuốn sách giáo khoa giả, làm giả nhãn hiệu của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM.
Người đứng đầu đường dây, bị cáo Nguyễn Trung Luật (SN 1981, trú TP.HCM, Giám đốc Công ty TNHH In Bao Bì Huy Trường Phát), bị phạt 12 năm tù về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả.
Về tội Sản xuất hàng giả, bị cáo Phạm Ngọc Quang (SN 1977, trú TP.HCM, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Quảng cáo Quang Thắng) bị phạt 9 năm tù; Phan Xuân Năng (SN 1990, quản lý xưởng in) nhận 7 năm 6 tháng tù; Trần Huy Cường (SN 1971, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ quảng cáo Cường Phát) nhận 4 năm 6 tháng tù.
Về tội Buôn bán hàng giả, bị cáo Lê Hà Thanh (SN 2001) bị tuyên 8 năm 6 tháng tù; Phạm Thạch Kim Điền (SN 1985) 9 năm tù; Phạm Đức Hậu (SN 1973) 4 năm 6 tháng tù; bị cáo Nguyễn Văn Tiến (SN 1994) 3 năm tù; bị cáo Phạm Tin (SN 1982) 6 năm tù; bị cáo Lê Duy Quang (SN 1982) 6 năm tù; bị cáo Lê Minh Trí (SN 1988) 3 năm tù; bị cáo Nguyễn Văn Ánh (SN 1980) 21 tháng tù. Riêng bị cáo Trần Ngọc Tấn (SN 1990) bị phạt 200 triệu đồng.
Theo cáo trạng, Công ty TNHH In Bao Bì Huy Trường Phát, Công ty TNHH Dịch vụ Quảng cáo Quang Thắng và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Quảng cáo Cường Phát không được hai Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM ký hợp đồng in sách giáo khoa.
Tuy nhiên, bị cáo Luật nhận thấy sách giáo khoa bán chạy, lợi nhuận cao, lại biết bị cáo Phạm Ngọc Quang có sẵn dây chuyền in, nên đã thỏa thuận đặt Công ty Quang Thắng in sách giáo khoa giả.
Bị cáo Luật mua sắm các loại máy móc, thuê xưởng làm chỗ gia công sách giả, kho cất giấu.
Khi cần loại sách giả nào, bị cáo Luật báo với bị cáo Quang số lượng, mua giấy in rồi đưa đến xưởng in của bị cáo Quang tổ chức in ấn.
Bị cáo Quang thuê bị cáo Năng (quản lý, điều hành) cùng một số công nhân để vận hành xưởng. Bị cáo Quang giao cho bị cáo Cường làm bản kẽm để in sách giả.
Khi bị cáo Luật gửi mẫu sách, bị cáo Cường scan thành file, chỉnh sửa file, chạy bản kẽm rồi đặt giao hàng đưa đến xưởng in cho bị cáo Năng.
In xong, bị cáo Luật đưa các bản in bán thành phẩm về xưởng gia công, thuê nhân công thời vụ để thực hiện cắt, xếp giấy, đóng bìa, dán tem giả.
Để tiêu thụ, bị cáo Luật đã liên hệ, thỏa thuận với bị cáo Điền bán sách giả, mức chiết khấu 65 – 69% so với giá bìa. Bị cáo Điền đã mua của 1.176.744 cuốn sách giáo khoa giả.
Sau đó, bị cáo Điền bán cho bị cáo Lê Duy Quang 19.804 cuốn sách giả. Ngoài ra, Quang còn đặt mua của bị cáo Tấn 416 cuốn sách giả. Số sách được bị cáo Quang bán lại cho các nhà sách tại Đà Nẵng, Quảng Nam và một số tỉnh thành khác, giá chiết khấu 35 – 40%.
Bị cáo Điền còn bán 4.795 cuốn sách giả các loại cho bị cáo Nguyễn Văn Ánh. Người này sau đó bán lại sách giả cho các nhà sách, cửa hàng văn phòng phẩm và hưởng tiền chênh lệch.
Còn bị cáo Phạm Tin đã mua của bị cáo Luật 86.274 cuốn sách giả để bán lẻ tại các nhà sách của mình.
Theo cơ quan điều tra, bị cáo Luật cùng bị cáo Quang đã tổ chức, sản xuất tổng cộng 1.648.737 cuốn sách giáo khoa giả có tổng giá trị theo giá in trên bìa là hơn 51,1 tỷ đồng.
VKSND TP. Hà Nội đề nghị mức án từ án treo đến 18 năm tù…
Lạm phát tại Mỹ bất ngờ hạ nhiệt trong tháng 4, chỉ tăng 2,3% so…
Giữa cơn mưa lớn, chiếc xe cứu thương chở nam bệnh nhân đang trong tình…
Việt Nam tăng cường kiểm soát hàng giả nhập khẩu tại biên giới, khuyến cáo…
Tổng thống Trump sẽ cử hai đặc sứ cao cấp là ông Steve Witkoff và…
Chỉ cần một bông hoa nhỏ, bạn có thể khơi dậy cảm hứng làm mới…