Dùng một bộ sách giáo khoa để tránh lãng phí!

Nghe có vẻ hay. Nhưng cái lãng phí nhất cần phải tránh là lãng phí tài năng, trí tuệ của học sinh khi giáo viên chỉ chăm chăm dạy theo sách giáo khoa mà không có sáng tạo trong nghiên cứu giáo tài và biên soạn nội dung dạy học lấy từng học sinh làm trung tâm (giáo dục cá biệt hóa).

Giải pháp để tránh lãng phí khi dùng nhiều bộ sách giáo khoa là nhà nước dùng ngân sách mua sách giáo khoa cấp phát cho học sinh phổ thông dựa trên kết quả lựa chọn của các trường học hay địa phương.

Vấn đề rắc rối không nằm ở nhiều bộ sách giáo khoa hay không mà nằm ở chỗ ta tuy học về hình thức chế độ “Kiểm định sách giáo khoa” như Nhật Bản đã thực hiện gần 100 năm nay nhưng không làm triệt để về nội dung.

Ví dụ:

– Áp dụng quy trình thẩm định bản thảo, tuyển chọn nghiêm ngặt.

– Ngăn chặn các đơn vị làm sách vận động hành lang tác động đến việc lựa chọn.

– Nhà nước định ra giá trần sách giáo khoa ngay từ đầu và mua sách giáo khoa cấp phát cho học sinh.

Mục đích và lợi thế lớn nhất của nhiều bộ sách giáo khoa là để phát huy tính tự chủ của giáo viên trong biên soạn nội dung giáo dục và thực hiện các phương pháp hướng dẫn học tập.

Nếu giáo viên không hiểu điều này thì đương nhiên họ sẽ ủng hộ một bộ sách giáo khoa vì nó phù hợp với cơ chế thi cử hiện tại và tiện cho giáo viên mọi nhẽ!

Mà thật ra thì một hay nhiều bộ cũng chẳng quan trọng lắm vì cơ bản các bộ sách giáo khoa giống nhau. Chẳng tin cứ đọc mà xem. Nếu giáo viên nhận thức được việc tự chủ nội dung và phương pháp giáo dục để tiến hành các thực tiễn giáo dục phù hợp với địa phương, học sinh, triết lý giáo dục, các bộ luật giáo dục hiện hành… thì thậm chí không có sách giáo khoa (hay có 1, 3-5 bộ) cũng chẳng sao.

Vấn đề là lâu nay cả xã hội đã quen coi sách giáo khoa là chân lý là thánh kinh rồi nên học gì thì học loanh quanh vẫn là học thuộc lòng, giải đi giải lại bài tập trong sách giáo khoa và nâng cao tí chút mà thôi. Lâu dần như thế con người lười nghĩ, lười sáng tạo thậm chí sợ sáng tạo như sợ… cọp.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: