Dự án BT thường kéo dài, nếu quy định Dự án BT chỉ được thanh toán sau khi dự án đã được quyết toán thì rất thiệt hại cho nhà đầu tư.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính về việc kiến nghị sửa đổi một số quy định liên quan đến việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT).
Theo công văn, HoREA đã chỉ ra những bất cập trong công tác quyết toán dự án BT.
Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 4 dự thảo nêu: “Giá trị Dự án BT để thanh toán là giá trị Dự án BT được quyết toán theo quy định của pháp luật“.
Theo đó, HoREA cho rằng công tác quyết toán Dự án BT thường kéo dài rất lâu, thậm chí mất hàng năm. Vì vậy, quy định Dự án BT chỉ được thanh toán sau khi dự án đã được quyết toán thì rất thiệt hại cho nhà đầu tư.
Kết quả quyết toán Dự án BT thường tăng hoặc giảm so với giá trị hợp đồng BT và nhà đầu tư thường có xu hướng đồng thuận với ý kiến của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; các Dự án BT có giá trị lớn, thường được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư thỏa thuận thanh toán theo giai đoạn, trên cơ sở khối lượng và giá trị thực tế. Mức tạm ứng thanh toán theo giai đoạn có thể khoảng 90% giá trị khối lượng được kiểm tra thống nhất.
Do vậy, HoREA đề nghị hoàn thiện nội dung Khoản 3, Điều 4 dự thảo như sau: “Giá trị Dự án BT để thanh toán là giá trị Dự án BT được quyết toán theo quy định của pháp luật; Dự án BT được thỏa thuận thanh toán theo giai đoạn được thanh toán 90% giá trị khối lượng công trình được kiểm tra thống nhất; cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thanh toán cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày phê duyệt quyết toán Dự án BT“.
Về thanh toán cho nhà đầu tư khi hoàn thành bàn giao Dự án BT, HoREA cho rằng có nhiều nước thực hiện phương thức thanh toán bằng tiền. Ở nước ta, hiện nay chỉ quy định phương thức sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư. Do vậy, hiệp hội kiến nghị bổ sung vào dự thảo Nghị định nội dung quy định phương thức thanh toán Dự án BT cho nhà đầu tư bằng tiền.
Về vấn đề sử dụng quỹ đất chưa giải phóng mặt bằng để thanh toán Dự án BT, HoREA đề nghị bổ sung quy hoạch chi tiết 1/2000 để phù hợp với quy định quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 hoặc 1/500 (nếu có) của quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư, phải được lập và phê duyệt theo quy định của pháp luật trước khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt và đảm bảo tính khả thi.
HoREA cho hay trước đây, theo quy định của Chính phủ thì việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu, dẫn đến trên thực tế hầu hết các Dự án BT được thực hiện bằng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư.
Để chấm dứt việc lạm dụng chỉ định thầu tràn lan, HoREA kiến nghị bổ sung vào dự thảo nội dung quy định việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư Dự án BT trong các trường hợp sau đây: Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư Dự án BT trong trường hợp nhà đầu tư được thanh toán bằng tiền ngân sách; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư Dự án BT và cả quỹ đất đối ứng thanh toán Dự án BT, trong điều kiện quỹ đất này đã giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư thực hiện dự án khác.
Trước đó, nhận thấy nhiều bất cập trong việc dùng tài sản công để thanh toán cho dự án BT, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn thực hiện tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT có hiệu lực thi hành nhằm tránh lãng phí nguồn lực đất đai, thất thoát ngân sách nhà nước…
GS. Đặng Hùng Võ, – nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng về nguyên tắc, quỹ đất đối ứng và giá trị tiền sử dụng đất chỉ được xác định sau khi dự án BT hoàn thành và bàn giao.
Tuy nhiên, hầu hết dự án BT hiện nay tiền sử dụng đất đã được tạm tính ngay tại thời điểm ký hợp đồng để tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện song song cả 2 dự án BT và dự án khác đối ứng. Khi dự án hoàn thành, lẽ ra phải thực hiện kiểm toán kỹ thuật và kiểm toán tài chính để xác định chính xác chất lượng, giá trị, làm cơ sở cho việc thanh toán bằng đất. Song thực tế, chưa có dự án BT nào được kiểm toán mà chỉ là quyết toán. Vì vậy rất dễ phát sinh thất thoát nguồn lực về đất đai.
Hoàng Minh
Xem thêm:
Trong 22 trường hợp viêm phổi nặng được xét nghiệm, sàng lọc tại tỉnh Bình…
Cầu Tứ Liên có chiều dài khoảng 11,5km, tổng mức đầu tư được tạm tính…
Tại thời điểm thống kê, xác định dịch bệnh, 58/100 con lợn giống cấp trong…
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử bà Kristi Noem, Thống đốc tiểu…
Các nhà điều tra Ukraine đang nghiên cứu mảnh vỡ của một tên lửa đạn…
Hôm Chủ nhật (24/11), thủ đô Islamabad của Pakistan đã bị phong tỏa vì lý…