Khi gian dối trở thành ‘điểm nhấn’ của ngành giáo dục

Cơn bão nâng khống điểm thi đang không chỉ dừng tại Hà Giang. Nhiều nghi vấn tiếp tục dấy lên tại Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Ninh, Hòa Bình, Tuyên Quang, Điện Biên, Kon Tum với tốc độ chưa từng có.

Cái đập ngụy tạo đã vỡ, khối ung nhọt của gian dối, quan liêu, cửa quyền được dịp bung ra. Không ai dám nói sớm nền giáo dục của Việt Nam sẽ thay đổi qua bê bối này, song một lần dư luận được thức tỉnh để nhận chân sự việc, là có.

Hội nghị tập huấn công tác thanh tra thi THPT Quốc gia năm 2018 do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang tổ chức trước kỳ thi, ngày 22/6/2018. (Ảnh: hagiang.edu.vn)

Ngày 19/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang ra quyết định khởi tố hình sự vụ nâng điểm thi cho 114 thí sinh ở Hà Giang.

Theo đại diện Cục an ninh, ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng thuộc Sở GD&ĐT Hà Giang, là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh.

Ông Lương đã có thời gian hơn 2 giờ (từ 12h đến 14h38 ngày 27/6) chuyển toàn bộ hòm bài thi trắc nghiệm và máy tính về phòng khảo thí. Trong thời gian này, ông này đã mở ổ khoá niêm phong, rút bài ở túi, quét và sửa đáp án, đánh lừa máy quét chấm điểm tự động.

Mức chênh điểm giả so với điểm thật lên tới 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm. Nhiều thí sinh có điểm giả cao hơn 20 điểm.

Ngày 19/7, theo chỉ đạo của Tổng cục An ninh (Bộ Công an), Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang khởi tố hình sự ông Vũ Trọng Lương về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, để điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc chấm thi THPT quốc gia ở Hà Giang. Lệnh khám nhà bị can được thực hiện ngay khi lệnh khởi tố được công bố.

Dư luận đặt câu hỏi liệu có xảy ra kịch bản xuất hiện nghi phạm duy nhất Vũ Trọng Lương?

114 thí sinh, 330 bài thi, với số báo danh, họ tên thí sinh khác nhau, tin nhắn gửi số báo danh và mức điểm đến điện thoại ông Lương cũng đến từ nhiều số điện thoại khác nhau – 6 giây ở chiều không gian nào để ông Lương sửa xong điểm cho một thí sinh?

Nhiều lãnh đạo của tỉnh bị xướng tên khi danh sách con cháu nằm trong số thí sinh được nâng điểm. Nhưng Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh “thấy buồn khi con gái bị sửa điểm thi“, còn Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn ngày 18/7 ra công văn hoả tốc yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành, thủ trưởng các cơ quan đơn vị, huyện, thành “định hướng tư tưởng” cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị “tuyệt đối tin tưởng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh”, “làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, đảng viên, người thân trong gia đình không tham gia tuyên truyền, bình luận, chia sẻ các thông tin trái chiều, sai lệch, không chính thức trên các trang mạng xã hội, các thiết bị điện thoại, điện tử, internet…” trong vụ gian lận điểm thi.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, sau một tuần im lìm đã tuyên bố như vô can: “cương quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vi phạm nghiêm trọng quy chế thi” trong một cuộc họp phòng kín với Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia năm 2018 (ngày 19/7).

Xúc xắc đã lăn, hoặc lờ đi hoặc cố né sao cho xa khỏi thân mình. Chỉ mình công chức tên Vũ Trọng Lương xuất hiện như một tội đồ của ngành giáo dục.

12 năm trước, thầy Đỗ Việt Khoa công bố clip phát giác giám thị bỏ ra ngoài, nhân viên phục vụ vào phát bài giải sẵn cho thí sinh. Bê bối thi cử gây nên cơn địa chấn trong ngành giáo dục. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển bị điều về làm ủy viên thường trực Hội đồng quốc gia giáo dục. 12 năm sau, Bộ GD&DT cho thi tốt nghiệp THPT quốc gia làm cơ sở xét tuyển đại học (kỳ thi “2 trong 1”), phó trưởng phòng khảo thí trực tiếp sửa điểm, đưa điểm của thí sinh tăng gần 30 điểm.

Nhưng người trong ngành nói gì? Nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), ông Quách Tuấn Ngọc cho rằng đây là chuyện không lạ, không quá ngạc nhiên. “Có điều, trường hợp tại Hà Giang đã làm quá trắng trợn ở quy mô công nghiệp nên mới bị lộ”. Theo ông Ngọc, khi khâu coi thi, chấm thi đều diễn ra tại địa phương, thì việc “chỉ nâng 1-2 điểm (không phải vẽ đường cho hươu chạy) thì đúng là không thể phát hiện ra“. Thực tế gần chục tỉnh nằm trong vòng nghi vấn sửa điểm đã chứng minh hiện thực đó.

Điều này có nghĩa gì? Tính đạo đức xã hội, những lỗ hổng trong cơ chế giáo dục chỉ càng tồi tệ, rệu rã hơn qua các năm. Với đề thi năm nay bị đánh giá là “không tưởng”, quá sức thí sinh, đặc biệt là môn Toán, thì tổng kết kỳ thi, ngày 2/7, Bộ trưởng Nhạ vẫn tuyên bố: “Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức nghiêm túc tại tất cả điểm thi trên toàn quốc. Đến nay, kỳ thi đạt được mục tiêu đề ra, an toàn, nghiêm túc, khách quan và đặc biệt nhẹ nhàng, được nhân dân ở các địa phương đặc biệt ủng hộ. Kỳ thi THPT quốc gia 2018 được đánh giá thành công tốt đẹp“.

Với bê bối sửa điểm thi quy mô cấp quốc gia này, liệu đã đủ để Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đứng ra nhận trách nhiệm theo đúng phẩm cách của người chịu trách nhiệm cao nhất đối với nền giáo dục quốc gia, hay chưa? Ít nhất, chỉ riêng một phát ngôn về một kỳ thi “an toàn, nghiêm túc, khách quan” đã đủ để bất kỳ người có phẩm giá nào nói lời xin lỗi.

Không chỉ mình Vũ Trọng Lương đang rơi vào tình cảnh làm tốt thí. Khoảng 860.000 học sinh năm nay cùng hàng trăm ngàn phụ huynh đã sớm trở thành tốt thí trong một kỳ thi mà những ung nhọt của nền giáo dục chỉ bộc lộ ra khi thống kê dữ liệu điểm thi toàn quốc “tự nó” phát giác.

Cái đập ngụy tạo đã vỡ, khối ung nhọt của gian dối, quan liêu, cửa quyền được dịp bung ra. Không ai dám nói trước nền giáo dục của Việt Nam sẽ thay đổi qua bê bối này, song một lần dư luận được thức tỉnh để nhận chân sự việc, là có.

Rằng nền giáo dục quốc gia đang bị biến thành cỗ máy tồi tệ vắt kiệt sức lực, tiền bạc của hàng chục triệu nhân dân.

Rằng kỳ thi “2 trong 1” được các nhà kỹ trị “tiền hô hậu ủng”, tổ chức trong mấy năm qua bất chấp ý kiến phản biện xã hội, là không có giá trị trong việc sát hạch và tuyển dụng đúng người. Điểm trong kỳ thi THPT quốc gia hiện đang được tích hợp để xác định đầu vào của các trường đại học. Nó tước đi sự tự chủ tuyển dụng trí thức của các trường đại học, gông cùm hàng triệu con người trong tư duy chạy điểm chạy trường, tạo đất cho một bộ phận giới chức lũng đoạn quyền lực, tạo nhóm quyền lực, cắm rễ tham ô.

Câu chuyện của Hà Giang hôm nay không mới. Nó chỉ là hiện thực phóng lớn đã được nhắc lại nhiều năm về một nền giáo dục chạy đua theo bằng cấp thay vì giáo dục nhân cách để gây dựng người thực trí, thực tài. Đó còn là cuộc đánh động về lòng tự trọng trong xã hội Việt khi gian dối đã trở thành công nhiên, và chỉ bị khơi ra khi xung đột lợi ích bị đẩy lên một mức bất thường.

Nền khoa cử ấy chuyển mình hay không, có lẽ không phụ thuộc nhiều vào kết quả vụ án gian lận điểm thi tại Hà Giang. Như mọi bế tắc khác trong xã hội, chúng chờ đợi sự tỉnh thức về lương tri xã hội trong mỗi người.

Xuân Tường

Xem thêm:

Xuân Tường

Published by
Xuân Tường

Recent Posts

Đề xuất đưa vàng mã, túi nilon vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…

9 phút ago

Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ngãi bị kỷ luật khiển trách

Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…

55 phút ago

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

2 giờ ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

3 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

4 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

5 giờ ago