Chiều ngày 26/11, Đoàn Luật sư Phú Yên ban hành quyết định kỷ luật Luật sự Võ An Đôn – Trưởng Văn phòng Luật sư Võ An Đôn bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách Đoàn Luật sư Phú Yên.
Theo Đoàn Luật sư Phú Yên, lý do áp dụng hình thức kỷ luật là Luật sư Võ An Đôn “lợi dụng quyền tự do ngôn luận, đã có nhiều bài viết, video clip, phát ngôn trả lời phỏng vấn với báo chí, đối tượng ở nước ngoài, bịa đặt nói xấu luật sư, cơ quan tiến hành tố tụng, Đảng và Nhà nước Việt Nam”.
Theo nội dung được ghi trong quyết định kỷ luật, mặc dù Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên đã nhiều lần nhắc nhở nhưng Luật sư Đôn không thừa nhận sai phạm, không khắc phục.
Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, Luật sư Võ An Đôn viết:
“TÔI BỊ TƯỚC THẺ LUẬT SƯ
Hôm qua 26/11/2017, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư họp quyết định kỷ luật tôi với hình thức: xóa tên khỏi danh sách Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên.
Quyết định này có hiệu lực ngay, kể từ đây ước mơ làm luật sư bào chữa cho dân nghèo và người cô thân yếu thế của tôi coi như chấm dứt, để lại nhiều vụ án oan đang làm dở dang.
Đoàn luật sư cho rằng tôi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, trả lời phỏng vấn các báo đài nước ngoài và nói xấu luật sư, để xóa tên tôi khỏi danh sách Đoàn Luật sư là mang tính áp đặt, vô căn cứ.
Đoàn Luật sư không làm tròn nghĩa vụ cao cả của mình là bảo vệ luật sư, mà theo sự chỉ đạo từ phía an ninh, kỷ luật tôi gấp gáp ngay trong ngày Chủ Nhật, không có mặt tôi, nhằm mục đích không cho tôi tham gia bào chữa cho blogger Mẹ Nấm tại phiên tòa phúc thẩm ngày 30/11/2017.
Những Luật sư quyết định xóa tên tôi khỏi danh sách Đoàn Luật sư gồm: Luật sư Ngô Thiên Phương (Chủ tịch Hội đồng kỷ luật) và Luật sư Ngô Minh Tùng (thành viên Hội đồng kỷ luật) đề nghị hình thức kỷ luật đối với tôi; Luật sư Nguyễn Hương Quê (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư) và Luật sư Nguyễn Tâm Hoàng (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư) bỏ phiếu quyết định xóa tên tôi khỏi Đoàn Luật sư.
Mong cộng đồng hãy lên tiếng bảo vệ tôi, để tôi trở lại làm luật sư bào chữa cho dân nghèo, người cô thân yếu thế và tù nhân lương tâm”.
Trong một bài viết chia sẻ trên trang Facebook cá nhân vào tháng 7/2017, đưa ra quan điểm về việc Bộ Tư Pháp đang soạn thảo và Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành văn bản cấm luật sư nói bậy trên mạng xã hội, Luật sư Võ An Đôn viết:
“Từ trước đến nay giới luật sư Việt Nam bị dư luận cho là hèn, chỉ lo chạy án làm giàu, không quan tâm đến xã hội. Nay Bộ Tư pháp ban hành văn bản này muốn bịt miệng giới luật sư, làm cho giới luật sư đã hèn, lại càng hèn thêm.
Lãnh đạo các nước dân chủ trên thế giới đa phần xuất thân từ giới luật sư, còn luật sư Việt Nam không làm được gì, chỉ giỏi việc chung chi chạy án, số còn lại không sống được bằng nghề, phải làm đủ thứ việc để sống. Riêng tôi hàng ngày phải làm ruộng và chăn bò nhưng cũng chẳng được sống yên thân.
Nhà nước nắm trong tay bộ máy tuyên truyền khổng lồ: hơn 700 tờ báo, hàng trăm đài phát thanh và truyền hình, hàng chục ngàn cán bộ tuyên giáo và dân vận, chưa kể số lượng rất đông dư luận viên. Nhưng lại sợ vài luật sư viết bài bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng xã hội.
Họ sợ vì luật sư là thành phần tri thức ưu tú của xã hội, uy tín xã hội của luật sư rất lớn, luật sư nói lên sự thật và chỉ trích những chính sách sai lầm của chính quyền, cũng như việc làm sai trái của quan chức nhà nước.
Luật sư chỉ có miệng để nói, nhưng có đến 6 cơ quan giám sát chặt chẽ cái miệng này gồm: Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư mỗi tỉnh, Liên Đoàn luật sư Việt Nam, Sở Tư pháp mỗi tỉnh, Bộ Tư pháp, Ban Nội chính mỗi tỉnh, Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh PA 83.
Đến khi nào thì luật sư Việt Nam được tự do hành nghề và bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề xã hội?”.
Luật sư Võ An Đôn (SN 1977), tốt nghiệp cử nhân trường ĐH Luật TP.HCM và ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM năm 2003. Sau khi tốt nghiệp hai trường đại học, Võ An Đôn về làm việc tại Văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên, tham mưu về lĩnh vực nội chính cho Bí thư, Phó Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên và tập sự hành nghề luật sư từ năm 2008, sau đó nghỉ làm và mở văn phòng luật sư mang tên Văn phòng Luật sư Dân Chủ, đặt tại huyện miền núi Sông Hinh phục vụ dân nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Văn phòng sau đó được chuyển tên thành Văn phòng Luật sư Võ An Đôn, đặt tại nhà của luật sư ở thôn Phước Thịnh, xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa.
Không chỉ được cộng đồng quý mến bởi những chia sẻ thẳng thắn về những bất công, oan khuất trong xã hội trên trang Facebook cá nhân, Luật sư Võ An Đôn được nhiều người biết đến khi tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp miễn phí cho gia đình nạn nhân trong vụ án năm công an dùng nhục hình đánh chết dân tại Phú Yên năm 2014. Từ 8h đến 14h ngày 13/5/2012, tại phòng làm việc của đội điều tra tổng hợp Công an TP. Tuy Hòa, năm sĩ quan công an gồm: Nguyễn Minh Quyền (Thiếu tá, nguyên Đội phó Đội trinh sát Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội – PC45, Công an tỉnh Phú Yên); Nguyễn Tấn Quang (Thiếu tá, nguyên Đội phó Đội Điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP. Tuy Hòa); Phạm Ngọc Mẫn (Thượng úy); Đỗ Như Huy (Trung úy) và Nguyễn Thân Thảo Thành (Thiếu úy, Công an TP. Tuy Hòa) đã thay phiên nhau dùng dùi cui cao su đánh vào người anh Ngô Thanh Kiều (SN 1982, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) – nghi phạm trong vụ án trộm cắp – khiến anh Kiều tử vong vào chiều cùng ngày. Sau khi anh Kiều chết, cơ quan giám định tiến hành mổ tử thi, gia đình anh Kiều thấy toàn bộ cơ thể anh như đỉnh đầu, thái dương, phổi, gan, thận, lá lách, tinh hoàn, ruột non, ruột già, hai chân, hai tay bị đánh bầm tím. Các sĩ quan công an đã tra tấn anh Kiều bằng cách: không cho ăn cơm, uống nước từ 3h sáng đến 5h chiều; nhốt anh Kiều vào phòng kín đóng cửa lại, không cho bật quạt; còng hai chân bằng còng số 8, còng hai tay chéo ra sau dính vào thành ghế; dùng chân đạp mạnh vào còng số 8 làm anh Kiều té ngửa đập đầu xuống đất. Sau đó, các sĩ quan dùng chân, tay, dùi cui thay nhau đánh, đấm, đá tới tấp vào bụng, vào ngực, vào đầu anh Kiều từ 8h sáng đến 14h… Kết quả giám định trên người anh Kiều có tổng cộng 72 vết thương, tử vong do chấn thương sọ não. Vụ án kéo dài hơn 4 năm với nhiều phiên tòa bị hoãn. Ngày 12/9/2016, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng tuyên bản án phúc thẩm: Nguyễn Thân Thảo Thành 5 năm tù giam (giảm 3 năm tù so với bản án sơ thẩm); Nguyễn Minh Quyền: 30 tháng tù; Phạm Ngọc Mẫn: 27 tháng tù; Nguyễn Tấn Quang: 2 năm tù treo (chuyển từ tù giam sang tù treo); Đỗ Như Huy: 1 năm tù treo; và Lê Đức Hoàn (Thượng tá, Phó Công an TP. Tuy Hòa) 9 tháng tù treo vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Năm 2016, 2017, Luật sư Võ An Đôn tiếp tục tham gia nhận bào chữa cho những người dân nghèo, tù nhân lương tâm, trong đó có blogger Như Quỳnh/Mẹ Nấm. |
Lưu Giang
Xem thêm:
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…