Trong 6 tháng đầu năm, chi khám chữa bệnh (KCB) là hơn 41.000 tỷ đồng, vượt 6.500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Quỹ khám chữa bệnh BHYT của các tỉnh như ở Quảng Nam, Quảng Trị đã sử dụng hết đến 90%.
Thông tin được đưa ra tại báo cáo của Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tại buổi họp báo tại Hà Nội, chiều 29/8.
Báo cáo nhanh của BHXH Việt Nam cho thấy 6 tháng đầu năm 2017, Quỹ BHYT đã chi KCB 41.283 tỷ đồng, chiếm 59,5% quỹ được sử dụng trong năm 2017, vượt 6.500 tỷ so với dự toán chi 6 tháng của BHXH Việt Nam.
Tính đến ngày 28/8/2017, Quỹ BHYT đã chi KCB trên 50.000 tỷ đồng. Tốc độ gia tăng chi phí 6 tháng đầu năm 2017 rất lớn, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều địa phương đã sử dụng hết 70%, thậm chí 90% quỹ KCB BHYT cả năm (Quảng Nam, Quảng Trị).
Theo ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), nếu không có biện pháp thì dự kiến năm 2017 bội chi quỹ BHYT có thể hơn 10.000 tỷ đồng. Ước tính khoảng 59/63 tỉnh sẽ bội chi; nhiều địa phương dự kiến bội chi tới 500-1.000 tỷ đồng như Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Nam, Đà nẵng… Chỉ có 4 tỉnh, thành phố dự đoán cân đối được quỹ khám chữa bệnh BHYT là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đăk Lăk.
Trong năm 2016, Quỹ khám chữa bệnh BHYT được giao trong dự toán là 61.393 tỷ đồng, chi KCB là 68.736 tỷ đồng, cân đối thu chi quỹ KCB trong năm là -7.590 tỷ đồng.
51 tỉnh bội chi 10.135 tỷ đồng. Trong đó các tỉnh bội chi lớn là: Nghệ An ( hơn 900 tỷ đồng); Thanh Hóa (hơn 800 tỷ đồng); Quảng Nam, An Giang, Bắc Giang, Thừa Thiên – Huế, Bình Định, Cà Mau, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Thái Bình, Đà Nẵng (hơn 300 tỷ đồng).
12 tỉnh kết dư 2.544 tỷ đồng, gồm: Bình Dương (832 tỷ đồng), TP. HCM (821 tỷ đồng), Đồng Nai (591 tỷ đồng). Dự kiến 20% kết dư chuyển địa phương: 509 tỷ đồng.
Theo ông Phúc, nguyên nhân của tình trạng bội chi là do cơ chế chính sách thay đổi như chính sách tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37 khiến tăng sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh; quy định thông tuyến; quy định không chi trả khám chữa bệnh ngoại trú tuyến tỉnh, tuyến Trung ương nên xảy ra tình trạng tăng số bệnh nhân chuyển nội trú; quy định về xã hội hoá trong các cơ sở y tế công lập… Ngoài ra là tình trạng trục lợi quỹ BHYT cả ở phía người dân và các cơ sở khám chữa bệnh.
Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho hay trong giai đoạn 2010-2015, cơ quan này đã có được gần 50.000 tỷ đồng trong quỹ dự phòng Trung ương. Tuy nhiên, năm 2016 là năm nhiều cơ chế mới được thực hiện như thông tuyến, giá dịch vụ điều chỉnh… do đó, năm 2016 bội chi quỹ BHYT là 7.600 tỷ đồng. Năm 2017 dự kiến sẽ tiếp tục bội chi khoảng hơn 10.000 tỷ đồng. Tất cả đều lấy từ con số 50.000 tỷ đồng quỹ dự phòng Trung ương.
Ông Phúc cho biết do mức đóng BHYT không tăng nên nếu chính sách BHYT giữ ổn định như hiện nay thì mỗi năm quỹ BHYT phải bù 10.000 tỷ đồng cho chi KCB BHYT; đến năm 2020 sẽ sử dụng hết nguồn dự phòng để cân đối quỹ.
Nếu điều chỉnh chính sách: Sửa đổi Nghị định 105, mở rộng danh mục thuốc, chi trả ARV, thuốc lao, điều chỉnh giá dịch vụ y tế có kết cấu công nghệ thông tin và khấu hao trang thiết bị, tài sản cố định…, dự kiến đến 2020, Quỹ BHYT sẽ thiếu hụt khoảng 100.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo hồi đầu năm của BHXH Việt Nam, tính đến hết năm 2016, cả nước có 76,1 triệu người tham gia BHXH, tương đương 81,7% dân số. Trong đó, 12,9 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 11,1 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 203 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện và 75,9 triệu người tham gia BHYT.
Hàng trăm loại thuốc trúng thầu cao bất thườngĐầu tháng 7, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Định Phạm Mai cho biết mới đây giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi thuốc generic thuộc dự toán mua sắm thuốc tập trung cấp cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh từ quý II/2017 đến hết quý I/2018. Qua rà soát kết quả lựa chọn nhà thầu, BHXH Bình Định phát hiện có đến 126 loại thuốc có giá trúng thầu cao hơn từ 10% – 40% so với giá trúng thầu tại các địa phương khác. Việc giá thuốc cao bất thường có thể làm thiệt hại Quỹ BHYT hàng tỷ đồng, trên thực tế, là do người bệnh đã đóng góp mua BHYT hàng năm phải gánh chịu. Đáng chú ý, trong 126 mặt hàng thuốc có giá trúng thầu cao hơn các địa phương khác, có tới 80 sản phẩm là của Công ty CP Dược-Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar). Đây cũng là nhà thầu cung ứng thuốc lớn nhất với 583 mặt hàng, tổng giá trị hơn 253,5 tỷ đồng. Ông Mai cho biết sau khi có đề nghị của BHXH tỉnh và Sở Y tế, bước đầu các nhà thầu đã đồng ý giảm giá 31 mặt hàng thuốc, từ hơn 20.000 đồng đến vài trăm đồng cho mỗi mặt hàng. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…