Categories: Xã luậnBlog

Eurozone: Cải cách hay là chết?

Với sự đắc cử của một Tổng thống trung dung có tư tưởng cải cách ở Pháp và nhiều khả năng là sự tái đắc cử của Thủ tướng Đức Angela Merkel, liệu có hy vọng nào cho dự án đồng tiền chung đang bị bế tắc ở châu Âu? Có thể, nhưng thêm một thập niên nữa tăng trưởng chậm, bị ngắt quãng bởi các biến động chu kỳ liên quan đến nợ vẫn nhiều khả năng xảy ra. Bằng một động thái kiên quyết hướng tới sự hội nhập về tài khóa lẫn ngân hàng, mọi thứ có thể sẽ tốt hơn nhiều. Nhưng với việc thiếu đi các chính sách tăng cường sự ổn định và bền vững, những nguy cơ sụp đổ sau cùng vẫn lớn hơn.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một buổi họp báo tại Điện Elysee, Paris ngày 28/8/2017

Đúng vậy, trong ngắn hạn, có nhiều lý do để lạc quan. Năm vừa qua, khu vực đồng Euro đang trải qua một sự phục hồi vững chắc theo chu kỳ, vượt quá mong đợi hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác. Và không nghi ngờ gì nữa: sự đắc cử của Emmanuel Macron là một sự kiện cột mốc, làm gia tăng hy vọng rằng nước Pháp sẽ tái thúc đẩy nền kinh tế của họ một cách hiệu quả để trở thành một đối tác hoàn chỉnh và bình đẳng với nước Đức trong việc quản lý khu vực đồng Euro.

Macron và đội ngũ kinh tế của mình tràn đầy các ý tưởng hứa hẹn, và ông sẽ nắm đa số ghế trong Hạ viện để thực thi chúng (mặc dù sẽ là hữu ích nếu nước Đức cho ông không gian giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách để đổi lấy cải cách). Tại Tây Ban Nha cũng vậy, cải cách kinh tế đang mang lại sự tăng trưởng dài hạn mạnh mẽ hơn.

Những không phải mọi thứ đều ổn. Hy Lạp vẫn gần như không tăng trưởng, sau khi trải qua một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất  trong lịch sử, mặc dù những người đổ lỗi việc này cho chính sách thắt lưng buộc bụng của nước Đức rõ ràng không hề nhìn vào các con số: với sự khuyến khích từ các nhà kinh tế học cánh tả Hoa Kỳ, Hy Lạp đã yếu kém trong việc quản lý gói cứu trợ có lẽ là với các điều kiện đi kèm dễ dàng nhất trong lịch sử hiện đại. Nước Ý làm tốt hơn Hy Lạp rất nhiều, nhưng đó là một lời mỉa mai; thu nhập thực tế của nước này đang thực sự thấp hơn một thập niên trước đó (mặc dù khó biết được một cách chắc chắn do nền kinh tế ngầm rất lớn của nước này). Đối với Nam Âu nói chung, đồng tiền chung đã tỏ ra là một cái lồng bằng vàng, buộc các nước này thực hiện kỷ luật về tiền tệ và tài khóa nhưng lại triệt tiêu cơ chế tỷ giá hối đoái vốn là một tấm nệm quan trọng chống lại các cú sốc bất ngờ.

Thực ra, một phần lý do giúp nền kinh tế Vương quốc Anh vẫn được duy trì khá tốt kể từ cuộc trưng cầu dân ý Brexit năm ngoái đó là vì đồng bảng Anh trượt giá mạnh, làm gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nước này. Dĩ nhiên, nước Anh nối tiếng (và khôn ngoan) vì lựa chọn không tham gia khu vực đồng tiền chung, mặc dù bây giờ họ đang có động thái (không quá khôn ngoan) khi rút hoàn toàn khỏi Liên minh châu Âu và toàn bộ thị trường chung.

Hiện nay, rõ ràng là đồng euro không còn cần thiết cho sự thành công của EU, và thay vào đó còn cho thấy là một chướng ngại lớn như nhiều nhà kinh tế học châu Âu đã dự đoán. Các quan chức của Cộng đồng châu Âu từ lâu đã ví sự hội nhập ở châu Âu như là hành động đạp xe đạp: người ta phải di chuyển liên tục về phía trước nếu không sẽ bị ngã. Nếu vậy, việc áp dụng đồng tiền chung quá sớm cũng giống như đánh lái xe đi vòng qua một con đường xi măng dày và       chưa khô.

Trớ trêu thay, cho đến nay, lý do chính khiến việc chấp thuận đồng euro ban đầu rất được ủng hộ ở Nam Âu là việc vào những thập niên 1980 và 1990, người dân bình thường đều mong mỏi có được sự bình ổn giá cả như cách người Đức được hưởng với đồng Mác Đức. Nhưng, trong khi đồng euro dẫn tới việc lạm phát giảm mạnh khắp khu vực eurozone, thì phần lớn các quốc gia khác cũng đã giảm lạm phát thành công mà không cần đến nó.

Điều quan trọng hơn đối với thành tựu bình ổn giá đó là sự ra đời của ngân hàng trung ương độc lập hiện đại, một công cụ giúp giảm đáng kể mức độ lạm phát trên toàn thế giới. Đúng vậy, ở một vài nơi như Venezuela vẫn tồn tại lạm phát ở mức ba con số, nhưng những nơi như vậy nay rất hiếm. Rất có khả năng, thay vì tham gia vào đồng euro, nếu Ý và Tây Ban Nha đơn thuần trao cho ngân hàng trung ương của họ nhiều quyền hạn hơn thì họ sẽ có mức lạm phát thấp hơn hiện nay. Hy Lạp được xem là một trường hợp ít rõ ràng hơn; nhưng nếu xét việc nhiều nước nghèo châu Phi vẫn giữ được lạm phát ở mức một con số, ta có thể giả định rằng Hy Lạp cũng có thể làm được như vậy. Thực ra, nếu các quốc gia Nam Âu vẫn giữ đồng tiền riêng của mình, họ có thể sẽ không bao giờ lâm vào cảnh nợ nần nặng nề như vậy, và sẽ có thêm lựa chọn “quỵt nợ một phần” thông qua lạm phát.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là làm thế nào để dẫn dắt EU thoát khỏi con đường xi măng còn ướt. Mặc dù nhiều chính trị gia châu Âu không muốn thừa nhận điều này, nhưng việc giữ nguyên hiện trạng có lẽ là không bền vững; sau cùng, hoặc là cần phải hợp nhất ngân sách lớn hơn đáng kể hoặc là đổ vỡ hỗn độn. Thật vô cùng ngây thơ nếu nghĩ đồng euro sẽ không phải đối mặt với các thử thách căng thẳng mới trong 5 – 10 năm tiếp theo, nếu không muốn nói là sớm hơn.

Nếu hiện trạng bây giờ rốt cuộc sẽ không bền vững, vậy tại sao thị trường vẫn hết sức bình ổn như vậy, với việc trái phiếu chính phủ thời hạn 10 năm ở Ý có lãi suất cao hơn trái phiếu của Đức chỉ chưa tới 2%?

Có lẽ sự chênh lệch lãi suất nhỏ đó phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư rằng các khoản cứu trợ trực tiếp rốt cuộc cũng sẽ được thực hiện, bất chấp việc các chính trị gia Đức có quả quyết phản đối đến mức nào. Việc Ngân hàng Trung ương châu Âu mua lại nợ của các quốc gia ngoại vi đã thiết lập nên một khoản trợ cấp ngầm, và tranh luận về Trái phiếu châu Âu (Eurobonds) đang được hâm nóng với chiến thắng của Macron.

Hoặc có lẽ các nhà đầu tư đang đánh cược rằng Nam Âu đã lún quá sâu vào vũng xi măng đến mức khó có thể thoát ra được. Nước Đức sẽ chỉ tiếp tục thắt chặt ngân sách của họ để bảo đảm rằng các ngân hàng nước này sẽ thu hồi được nợ.

Dù là cách nào đi nữa thì các nhà lãnh đạo khu vực đồng tiền chung tốt hơn hết là nên hành động ngay từ bây giờ, thay vì chờ đợi cuộc khủng hoảng tiếp theo của đồng tiền chung. Việc sự lạc quan của ngày hôm nay sẽ kéo dài trong bao lâu là do Macron và Merkel định đoạt.

Nguồn:The Eurozone Must Reform or Die”, Project Syndicate, 14/06/2017.

Tác giả: Kenneth Rogoff, Giáo sư Kinh tế học và Chính sách công tại Đại học Harvard và là chủ nhân giải Deutsche Bank về Kinh tế tài chính năm 2011, là Kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế giai đoạn 2001 – 2003. Cuốn sách mới nhất của ông, The Curse of Cash, được xuất bản tháng 8 năm 2016.

Kenneth Rogoff

Published by
Kenneth Rogoff

Recent Posts

Nga thông báo mục tiêu tấn công “ưu tiên” mới ở Ba Lan

Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…

1 phút ago

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

1 giờ ago

ĐBQH: ‘Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa’

Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…

1 giờ ago

Chém người trong ký túc xá một trường đại học ở Hàng Châu

Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…

1 giờ ago

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…

2 giờ ago

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

3 giờ ago