Bị chính quyền cả hai bên biên giới xa lánh, hàng nghìn người Việt Nam không quốc tịch đang phải sống dựa vào lòng hảo tâm của những người xa lạ kể từ khi cộng đồng ngư dân Việt Nam bị trục xuất khỏi thủ đô Campuchia ba tuần trước và phải trôi dạt trên những ngôi nhà nổi của họ, Reuters đưa tin.
Hôm 2/6, Campuchia đã lệnh cho 1.500 thuyền – chủ yếu là nơi ở của các gia đình người Việt Nam không quốc tịch – có 1 tuần để rời đi với lý do lo ngại về việc các khu ổ chuột thuyền nổi này gây chướng mắt và nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng trước khi Phnom Penh đăng cai Thế vận hội Đông Nam Á 2023.
Người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Siphan cho biết: “Chúng tôi đã nói với họ trong nhiều năm, và nói thêm rằng chính phủ không thể đợi cho đến khi đại dịch kết thúc để thực thi luật pháp.”
“Họ phớt lờ những lời cảnh báo và sau đó phàn nàn rằng họ không có nơi nào để đi,” ông nói.
Vụ trục xuất hàng loạt người Việt Nam tại Campuchia đã khiến nước này hứng chịu nhiều chỉ trích, đặc biệt khi số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày đạt nhiều đỉnh mới trong tháng 6 ở cả hai quốc gia.
Naly Pilorge, giám đốc nhóm nhân quyền địa phương Licadho, cho biết: “Việc tiến hành trục xuất nhanh chóng [người Việt] vào đỉnh điểm bùng phát dịch COVID-19 của Campuchia khiến sức khỏe và quyền con người của cộng đồng này gặp nguy hiểm”.
Tuy vậy, rất ít người sẵn sàng giúp đỡ hàng trăm gia đình không quốc tịch, những người thường kiếm sống bằng nghề đánh cá và đón khách du lịch trên sông Tonle Sap của Campuchia. Hiện họ đang neo ở một bờ sông cách Việt Nam vài km, với mong muốn được phép vào bên trong.
“Tôi sinh ra ở Tonle Sap nhưng tôi được biết Campuchia không còn là quê hương của tôi nữa”, một người dân tên là Bach Bai nói với Reuters, ngồi xổm trên mũi con thuyền nhỏ bé của mình ở Leuk Daek, cách Phnom Penh khoảng 100km về phía Nam, khi ba đứa con nhỏ của anh ăn mì và yêu cầu các phóng viên cho tiền.
“Chúng tôi không có tiền, không có thuốc men và sắp hết gạo… Việt Nam, xin hãy rủ lòng thương xót, cho phép các con của người trở về đất mẹ,” anhnói, sau khi bị từ chối nhập cảnh ở biên giới khoảng hai tuần trước.
Đa số những thuyền nhân bị di dời nói chuyện với Reuters ở Leuk Daek cho biết họ sinh ra ở Campuchia, mặc dù không có giấy tờ. Nhiều người cho biết họ không thể nói tiếng Khmer, ngôn ngữ chính thức của Campuchia.
Khoảng 15 triệu người trên toàn thế giới, như Bai, không được bất kỳ quốc gia nào công nhận là công dân, theo Reuters.
Làn sóng di cư của người Việt Nam vào Campuchia có từ thế kỷ 19 và kéo dài đến hiện tại, khi nhiều người tiếp tục vượt biên để tìm kiếm cơ hội, bất chấp các quy định chặt chẽ hơn của chính phủ Campuchia nhằm hạn chế khả năng tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
Hiện người gốc Việt di cư chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các nhóm thiểu số tại Campuchia, gồm khoảng 180.000 người, hoặc 1% dân số – theo dữ liệu của chính phủ, mặc dù nhiều người tin rằng con số này cao hơn nhiều.
Các nhà nghiên cứu cho biết tình cảm chống Việt Nam lan rộng ở Campuchia, nhiều thập kỷ sau khi hai quốc gia liên minh với các phe đối lập trong Chiến tranh Lạnh, khiến người di cư không nhận được nhiều sự ủng hộ.
“Chúng tôi không có vấn đề gì với họ, miễn là họ ở trên thuyền và tránh xa chúng tôi,” một chủ cửa hàng ở Leuk Daek cho biết.
Trong những năm gần đây, hàng ngàn thuyền nhân của Phnom Penh đã được hồi hương về Việt Nam hoặc chuyển đến các khu định cư, nơi mà các nhóm nhân quyền cho rằng thường thiếu nước uống và nhà vệ sinh.
Đại sứ Việt Nam tại Phnom Penh Vũ Quang Minh đã chỉ trích việc trục xuất trên trang Facebook của mình là “một quyết định đột ngột”, viện dẫn rủi ro của COVID-19, trước khi kêu gọi người Việt Nam làm việc chăm chỉ hơn để hòa nhập ở Campuchia và “không mong đợi từ thiện”.
Xuân Lan (theo Reuters)
Xem thêm:
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…