Người Việt và tư duy ‘mạng người không quan trọng’

Người Việt xưa nay vẫn nói “cứu một mạng người, hơn xây 7 tầng tháp”. Tuy nhiên, các vụ thảm sát, giết người xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nhiều năm qua khiến nhiều người không khỏi giật mình khi nhận ra tư tưởng “mạng người không quan trọng” đã trở nên phổ biến và thịnh hành trong xã hội Việt như thế nào.

Người Việt bàng hoàng khi đọc tin bé trai sơ sinh nặng 2 kg bị chôn sống tại Bình Thuận hôm 26/5/2018. Trước đó, nữ cán bộ thuộc Chánh văn phòng Đảng ủy Khu kinh tế Hải Phòng với phát ngôn “mạng người không quan trọng” khi điều khiển ô tô va chạm với một nam sinh viên Đại học Hàng hải Việt Nam đi xe máy điện đã gây nên làn sóng phẫn nộ. Thực tế, tư duy “mạng người không quan trọng” này có còn chỉ là hiện tượng đơn lẻ trong đời sống, xã hội của người Việt?

Bậc công quyền, người có chức phận lợi dụng đặc quyền mà sống chết mặc dân

Bao nhiêu năm qua, hàng loạt thủy điện miền Trung đã không cho thấy được chức năng điều tiết lũ như các nhà hoạch định đề cập.

Mùa khô vốn đã hạn hán, thủy điện tích nước ở thượng nguồn càng khiến khu vực hạ lưu thêm quay quắt. Mùa mưa, lũ thiên tai miền Trung vốn đã khắc nghiệt, nay có thêm xả lũ “nhân tai” khiến sinh mệnh của hàng chục ngàn sinh mệnh thêm cheo leo. Chỉ cần giữ được an toàn đập, bất kể ngày hay đêm, thủy điện cũng có thể xả lũ “đúng quy trình”, dù không thông báo đến chính quyền và hàng ngàn người dân vùng hạ lưu.

Suốt đêm, giữa tiếng ùng ục của hàng ngàn m3 nước từ thượng lưu đột ngột đổ về và tiếng kẻng đánh gấp gáp gọi nhau, hàng ngàn người dân hớt hải bế trẻ nhỏ, lùa đàn gia súc, gia cầm đến khu vực cao chạy lũ. Đằng sau sự sống của hàng ngàn sinh linh là các nhóm lợi ích với bản đánh giá tác động môi trường và quy trình xả lũ vô cảm.

Giữa tháng 10/2016, thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) xả lũ làm gia tăng lưu lượng nước về hạ du. Trong ảnh, cổng Trường tiểu học Phương Mỹ (Hương Khê) ngập sâu trong nước. (Ảnh sưu tầm)

Thủy điện An Khê – Ka Nak – “Công trình sai lầm thế kỷ” không chỉ cướp đi nguồn nước, kế sinh nhai của hàng chục ngàn người dân ở hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên mà còn đe dọa mạng sống của họ. Công trình đã bức tử cả một dòng sông, chuyển hẳn nước của sông Ba về sông Côn (Bình Định) khiến những tháng đầu năm 2016, trong cơn hạn hán lịch sử, hơn 200 km vùng hạ lưu sông Ba trở thành “dòng sông chết”.

Trước đó, tháng 5/2011, nhà máy này bất ngờ xả nước khiến 50 ha hoa màu của người dân bị ngập úng, 10 con bò, 62 máy nổ, máy bơm nước của các hộ dân bị cuốn trôi… Thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng nhưng các hộ dân chỉ được đền bù khoảng 4,5 tỷ đồng.

Năm 2013, nhà máy lại bất ngờ xả lũ nhưng không thông báo cho chính quyền và người dân địa phương vùng hạ lưu khiến nhiều tài sản của người dân bị thiệt hại.

Thủy điện xả lũ đúng quy trình để lại những mái nhà ngập sâu trong vùng nước đục, sự hoang tàn trơ trụi sau khi cơn lũ rút đi và nỗi sợ hãi đeo đẳng của hàng chục ngàn con người.

Thủy điện An Khê – Ka Nak: “Công trình sai lầm thế kỷ”. (Ảnh: Gia Bảo)

Giữa tháng 5/2018, khi hai hiệp sĩ Sài Gòn bị toán cướp chém trọng thương và tử vong trên phố trong một lần tham gia bắt cướp, các anh nằm đó, máu me đầm đìa giữa dòng người qua lại, thay vì chất vấn vai trò của lực lượng cảnh sát – là lực lượng được nhân dân trả tiền và được qua các khóa huấn luyện đặc biệt để bảo vệ an toàn cho người dân, thì nhiều người bảo các anh “dại” bởi các anh không được qua bất cứ trường lớp đào tạo chuyên môn nào, cũng không được trang bị bất cứ thiết bị, công cụ hỗ trợ chuyên nghiệp nào.

Trong khi ở các quốc gia khác, người dân được huấn luyện rằng: khi gặp cướp có mang hung khí, điều đầu tiên là phải bảo vệ bản thân mình trước, nhớ đặc điểm nhận dạng của kẻ cướp và báo cảnh sát. Nhưng ở đây, dù trụ sở công an phường cách hiện trường vụ án mạng bắt cướp chỉ 50 m và đã nhận được tin báo, thì công an viên vẫn ngồi dửng dưng uống nước vì khu vực đó thuộc phạm vi quản lý của phường khác.

Điều đó lý giải tại sao trong hơn chục năm qua, thay vì gọi đến số 113, người gặp nạn lại gọi đến số điện thoại của nhóm hiệp sĩ đường phố. Không phải các hiệp sĩ không biết rằng các anh “tay không bắt cướp” mà bởi việc trấn áp tội phạm để giữ bình yên cho những góc phố được lực lượng chuyên trách thực hiện một cách mờ nhạt. Chính những công an viên, các anh đã vô cảm, từ chối sứ mệnh và trách nhiệm bảo vệ cuộc sống của người dân mà các anh được giao phó.

Hai trong ba người tử vong trong tối 13/5 tại đường Cách mạng tháng Tám (P.10, Q.3, TP.HCM) được xác định là Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Đăng Khôi. Được biết đây là 2 thành viên trong nhóm hiệp sĩ Tân Bình. (Ảnh: FB Đội Hiệp sĩ TP.HCM)

Bởi “mạng người không quan trọng”, nên rất nhiều người có chức phận không những thấy chết không cứu, mà còn “thêm dầu vào lửa”, thậm chí vì con ông cháu cha mà nhất định buộc người khác thế mạng, thế tội.

Nền Tư pháp Việt Nam đã xác nhận bao nhiêu vụ án oan sai chấn động. Cả một hệ thống tư pháp bao gồm nhiều cơ quan từ cấp tỉnh đến các cấp Tối cao có thể đẩy một người dân vô tội không chỉ một lần vào án tử hình dù không hề có nhân chứng, vật chứng, và dù có đơn tố giác hung thủ thực sự thì hồ sơ vụ án vẫn được xử lý một cách đầy nghi vấn.

Với tư duy coi thường sinh mệnh của người khác, có thể tùy ý bức cung, dùng nhục hình để phá bằng được án sớm, sẽ còn bao nhiêu án oan như Huỳnh Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén…? Còn bao nhiêu người như Hồ Duy Hải vẫn mang thân phận tử tù trong hơn chục năm qua khiến người mẹ đi kêu oan khắp các chốn, đến nay đã khóc đến cạn tuyến lệ?

Nhất định đẩy người khác thế mạng, thế tội khiến công đường trở thành nơi sự thật bị đánh tráo và đầy oán khí.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm bác sĩ Hoàng Công Lương liên quan đến thảm họa y tế Hòa Bình – 9 người tử vong khi chạy thận – khiến dư luận mất niềm tin vào cải cách nền tư pháp. Tại thảm họa lớn nhất trong lịch sử y học điều trị của Việt Nam, người ta chỉ thấy sự trốn tránh trách nhiệm, vắng mặt của các đương sự chủ chốt là lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo phòng vật tư y tế của bệnh viện,…, thiếu vắng sự lên tiếng của các lãnh đạo cấp cao thuộc Sở y tế, Bộ y tế. Màn kịch vụng về nhằm bỏ qua các dấu hiệu phạm tội của các đương sự chủ chốt để đổ toàn bộ trách nhiệm lên đầu một bác sĩ trẻ tuổi khiến dư luận phẫn nộ. 9 xác người và sự thật cố tình bị đổi trắng thay đen có là tiền đề cho một thảm họa y tế Hòa Bình thứ 2 và công lý bị bóp chết?

Xã hội đầy ắp hiện tượng tham chiến tham giết

Tư duy coi thường mạng người này không còn chỉ tồn tại trong một nhóm người mà ngày càng lan rộng, không còn chỉ thể hiện ở thái độ của kẻ quyền thế đối với người dân mà xã hội hiện tại giữa người với người đầy ắp hiện tượng tham chiến tham giết, tàn sát tùy ý. Hiện giờ, có thể chỉ vì chút xích mích hay hiểu nhầm nhỏ mà người ta có thể tùy ý chém, giết.

Các vụ: vợ giết chồng, chồng đổ xăng đốt vợ, bà giết cháu, cháu giết bà vì muốn ăn cắp tiền lẻ… xuất hiện nhan nhản trên các phương tiện thông tin đại chúng, trở thành tin tức quá đỗi bình thường được cập nhật hàng ngày. Thậm chí, người bán ve chai, nhặt rác cũng có thể bị giết và cướp đi vài chục ngàn đồng trong túi bởi một cá nhân không quen biết…

Các vụ thảm sát xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều. Người trẻ vì tình yêu đôi lứa không thành cũng có thể thảm sát cả gia đình người yêu, nam thanh niên chưa đủ tuổi vị thành niên không có tiền trả nợ cũng có thể thảm sát cả gia đình tiệm vàng để cướp, người làm công chỉ vì chút mâu thuẫn trong công việc cũng có thể thảm sát cả gia đình chủ ngày 30 Tết… Hành vi giết người cũng ngày càng ghê rợn: hung thủ chặt đầu, chặt tay, chặt chân các nạn nhân mà không chút ghê sợ, sau khi gây án vẫn có thể bình thản làm các công việc thường ngày hay điềm nhiên làm việc với cơ quan điều tra.

Có một nghịch lý đáng buồn rằng án càng lớn, cơ quan điều tra phá án càng sớm thì được thưởng càng nóng. Thực tế là án càng lớn, càng nghiêm trọng, càng cho thấy xã hội bất ổn và quá đỗi nguy hiểm. Trong khi ngành điều tra phá án tán thưởng thêm một chiến công thì xã hội có thêm hai gia đình – cả gia đình người bị nạn và gia đình hung thủ – phải trải qua những mất mát không thể bù đắp được về thể chất, tinh thần và tài sản, trở thành nỗi ám ảnh đến suốt cả cuộc đời.

Tư duy “mạng người không quan trọng” trở thành tư tưởng tự nhiên, thịnh hành trong xã hội Việt Nam khi hàng ngàn người đến gần hơn với cái chết bởi việc lưu hành thực phẩm bẩn và thuốc giả tràn lan.

Gạo giả, tẩy trắng bằng hóa chất; mỡ thối; lợn tiêm chất tạo nạc; nội tạng bốc mùi tẩm hóa chất; rau phun thuốc tăng trưởng; chuối chín bằng thuốc trừ sâu; hoa quả tẩm hóa chất hàng tháng trời không hư thối… khiến ung thư ở Việt Nam tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa. Theo thống kê của ngành y tế, Việt Nam mỗi năm có khoảng 126.000 ca ung thư mới mắc và có khoảng 94.000 người chết vì căn bệnh này. Dự báo đến năm 2020, số ca mắc mới sẽ vượt qua 190.000 ca.

Không chỉ dừng lại ở số các ca mắc bệnh tăng lên nhanh chóng, nhắc tới ung thư còn có tội ác nhập khẩu thuốc chữa ung thư giả H-Capita 500mg Caplet của công ty VN Pharma cùng khoản tiền 7,5 tỷ đồng chi cho trình dược viên để họ chi tiền cho các bác sĩ sử dụng loại thuốc này, hay sản xuất thực phẩm chức năng, thuốc chữa ung thư giả từ bột than tre mang tên VINACA – thương hiệu được Viện Công nghệ chống làm giả – Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam vinh danh là TOP 10 Thương hiệu, Sản phẩm, Dịch vụ hàng đầu Việt Nam 2017 và Gương mặt Doanh nhân tiêu biểu năm 2017.

(Thương hiệu danh giá VINACA.)

Thực phẩm bẩn và thuốc giả tràn lan âm thầm đầu độc người tiêu dùng, gây nên những cái chết hàng loạt. Tuy nhiên, dù các cơ quan quản lý có áp dụng đến khung hình phạt cao nhất, thì có thể quản lý, kiểm soát và ngăn ngừa tội ác này được hay không?

Người Việt vẫn nói “cứu một mạng người, hơn xây 7 tầng tháp”. Tư duy “mạng người không quan trọng” này xuất lai từ đâu?

Khi tư duy “mạng người không quan trọng” lưu hành phổ biến trong xã hội thì sự dửng dưng, vô cảm với tình cảnh của người khác cũng ngày càng lan rộng. Sự lãnh cảm này càng khiến cho đạo đức xã hội trượt dốc nhanh chóng. Nhiều người cho rằng sự thờ ơ, lãnh cảm này được dẫn động bởi đồng tiền. Từ khi nào: có tiền là có tất cả, bất chấp việc cướp đoạt cả mạng sống của người khác, tiền lên thì thói đời xuống dốc, giờ nói chuyện đạo đức thì không làm ăn được gì.

Các lối tư duy này có phải là giá trị truyền thống đạo đức của người Việt hay không?

Thực tế, các giá trị đạo đức ngày nay được giữ gìn và lưu truyền thông qua các tôn giáo. Các tôn giáo đặt ra các định chế và nền tảng đạo đức xã hội. Trong suốt hàng ngàn năm qua, dù là ở đâu trên thế giới, các tôn giáo dù khác nhau nhưng vẫn có những định chế ước thúc hành vi đạo đức của con người. Con người là vạn vật chi linh, sinh mệnh của mỗi người đều đáng được tôn trọng, vốn là điều thường được dạy trong tôn giáo.

Dù là tôn giáo nào cũng dạy con người kính ngưỡng Thần linh. Người Việt vẫn có câu nói: “Trên đầu ba thước có Thần linh”. Không còn tín ngưỡng Thần, cũng chính là không còn ước thúc về đạo đức, đó là thời điểm người Việt bị trượt đi với chuẩn mực giá trị nhân sinh truyền thống của mình. Không còn ước thúc về đạo đức, ước thúc về pháp luật cũng chỉ là giải pháp tình thế bề mặt, khó có thể động tới nhân tâm và lương tri.

Không còn tín ngưỡng đạo đức trong tâm, người ta không còn tin vào thiện ác hữu báo. Từ đó, vì để đạt được mục đích mà có thể không từ thủ đoạn. Khi không còn tin vào ý nghĩa nhân sinh, không tin vào làm việc xấu sẽ có báo ứng, thì làm việc gì cũng không màng đến hậu quả, việc xấu gì cũng dám làm. Xã hội tràn lan hành vi hiểm ác, giết người không chút mảy may run sợ. Khi đạo đức trở thành điều xa xỉ và bị cười nhạo, xã hội như thế chẳng phải đến mức cực kỳ nguy hiểm rồi sao.

Khi xã hội chuộng lối sống thờ ơ thì làm người tốt, việc tốt cũng phải dè chừng bởi có khi sẽ là “rất dại”, rất dễ gặp rủi ro và phiền hà. Gặp người ngất xỉu bên đường sẽ không dám dừng lại cứu giúp vì có thể bị lừa đảo, cũng không dám chở người gặp nạn tới bệnh viện vì phải làm các thủ tục phiền toái hay phải khai báo rầy rà với nhà chức trách, lên tiếng vì những oan trái trong xã hội cũng phải rất cẩn trọng vì có thể sẽ bị điều chuyển công tác hay con cái phải chuyển trường… Rất nhiều người vì thế mà không dám làm người tốt, hoài nghi và phủ nhận sự hiện hữu của người tốt và lòng tốt trong xã hội.

Có câu chuyện về cái bẫy chuột không quá xa lạ với nhiều người. Chuyện kể rằng: Ở một nông trại yên bình nọ có một cặp vợ chồng nông dân sống vui vẻ. Họ có nuôi một con Gà, một con Lợn và một con Bò, sống trong nhà còn có một con Chuột nhỏ.

Một hôm, Chuột tình cờ thấy vợ chồng người nông dân đem về một gói hàng. Chuột nhìn trộm qua kẽ tường, tự hỏi: “Không biết cái gói hàng này chứa thức ăn gì đây?” và rồi kinh hoàng khi phát hiện ra gói hàng đó là một cái bẫy chuột.

Chạy vọt ra ngoài sân, Chuột la toáng lên với vẻ hoảng sợ: “Có một cái bẫy chuột trong nhà! Có một cái bẫy chuột trong nhà!”

Gà dừng bới đất, ngẩng đầu lên nói: “Anh Chuột ơi, nó đúng là nguy hiểm cho anh, nhưng tôi thấy nó chẳng dính dáng gì đến tôi cả. Cái bẫy chuột đâu có ảnh hưởng đến tôi.”

Chuột quay sang Lợn và nói: “Có một cái bẫy chuột trong nhà! Có một cái bẫy chuột trong nhà!”. Lợn tỏ vẻ thông cảm và nói: “Tôi rất lấy làm tiếc là tôi không giúp gì được cho anh, tôi chỉ có thể cầu nguyện cho anh không bị hại bởi cái bẫy chuột đó.”

Chuột bèn chạy sang Bò và nói: “Có một cái bẫy chuột trong nhà! Có một cái bẫy chuột trong nhà!”. Bò trả lời: ” Tôi rất lo lắng cho anh, nhưng mà cái bẫy chuột đó chẳng làm hại tôi được.”

Mọi con vật trong sân tỏ ra thờ ơ với cái bẫy chuột… Thế là Chuột chán nản trở vào nhà, một mình đối mặt với cái bẫy chuột đáng sợ.

Ngay tối hôm đó, khi mọi người đang ngủ ngon giấc thì một tiếng động vang lên – tiếng động phát ra bởi cái bẫy chuột. Người vợ liền chạy ngay đến cái bẫy xem con gì bị sập bẫy. Trong bóng tối, người vợ không biết rằng một con rắn độc bị cái bẫy chuột kẹp trúng đuôi. Thấy người tới, con rắn bèn cắn một phát.

Người vợ lên cơn sốt ngay sau đó. Để giúp vợ hạ sốt, người chồng ra sân bắt Gà nấu cháo cho vợ ăn nhưng bệnh tình của người vợ vẫn không thuyên giảm. Hàng xóm và bạn bè nghe tin liền đến thăm. Để đãi khách, người chồng làm thịt Lợn. Cuối cùng, người vợ không khỏe lên được và qua đời. Rất nhiều người đến đưa tiễn. Người chồng cuối cùng phải giết Bò để phục vụ đám tang.

Chuột nhỏ buồn bã chứng kiến toàn bộ sự việc qua khe tường…

Những câu chuyện bạn chứng kiến ngày hôm nay: cá sạch, biển sạch, ai đó bị thu giữ đất đai hay lên tiếng vì những oan trái… – dù gần hay xa, rất có thể sẽ là một phiên bản nào đó của chính bạn và người thân trong cuộc sống. Coi thường sinh mệnh của người khác, đến một ngày bản thân rất có thể cũng rơi vào tử lộ; Hôm nay vì người, cứu người rốt cuộc cũng là cứu mình.

Hải Linh

Xem thêm:

Published by

Recent Posts

Quân đội Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần

Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…

2 phút ago

Nga bắn tên lửa tầm trung, không phải ICBM — Tổng thống Putin

Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…

2 giờ ago

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

7 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

8 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

9 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

9 giờ ago