‘Đẳng cấp thế giới’ là cách mà công dân của nước đó hành động
- Hải Linh
- •
“Đẳng cấp thế giới” không phải là nền kinh tế mạnh thế nào; nước đó có bao nhiêu triệu phú hay tỷ phú; có bao nhiêu đại học hay nhà chuyên môn có bằng cấp; mà “đẳng cấp thế giới” là cách mà công dân của nước đó hành động.
- Chuyên đề: Việt Nam đánh mất cơ hội ‘dân số vàng’ có một không hai như thế nào?
- Xem phần 25, phần 27, phần 28, phần 29
Là nhà khoa học nổi tiếng ở Mỹ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học của trường Đại học Carnegie Mellon và là Giáo sư Ưu tú chuyên ngành Khoa học Máy tính, Giáo sư John Vũ còn được biết đến với bút danh “Nguyên Phong” – dịch giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng như: “Hành Trình Về Phương Đông”, “Bên Rặng Tuyết Sơn”, “Đường Mây Qua Xứ Tuyết”, “Ngọc Sáng Trong Hoa Sen”…
Giáo sư luôn dành sự quan tâm đặc biệt về lĩnh vực giáo dục – đào tạo. Trang blog science-technology.vn tập hợp các bài phân tích và những câu chuyện của Giáo sư là nguồn chia sẻ và lời khuyên hữu ích dành cho hàng triệu sinh viên và các bậc phụ huynh.
Năm 2013, Giáo sư kể câu chuyện về chuyến đi của ông tới một số quốc gia cùng với Bill – theo như giới thiệu của Giáo sư, từng là CEO của một công ty nhiều tỷ đô la, sau đó nghỉ hưu và trở thành Giáo sư về kinh doanh tại Đại học Carnegie Mellon.
Câu chuyện được kể lại:
Khi chúng tôi đi qua nhiều nước, chúng tôi thường đợi xếp hàng ở sân bay. Bill quan sát: “Ông có thể thấy ở một số nước, mọi người kiên nhẫn chờ đợi đến lượt họ nhưng ở các nước khác, mọi người thường hay chen lấn xô đẩy lên đầu. Mọi người mua vé đều có chỗ trên máy bay rồi vậy sao họ phải xô đẩy người khác? Dường như là giáo dục của họ thiếu dạy về phép xã giao và lòng tự trọng. Các nước này vẫn có nhiệm vụ to lớn phía trước là trở thành “đẳng cấp thế giới”. Họ có thể có sức mạnh kinh tế nhưng họ vẫn còn xa với đẳng cấp tốt nhất. Không phải điều gì lớn lao mới là quan trọng mà chính những điều nhỏ bé lại cho thấy hệ thống giáo dục của họ tốt thế nào. Chính hành vi của mọi người xác định ra liệu một nước có là “đẳng cấp thế giới” hay không”.
Khi chúng tôi rời khỏi nước này, Bill kết luận: “Không có hệ thống dịch vụ tốt ở đây vì cả nước tập trung vào phát triển sản xuất. Đó là lý do vì sao họ thiếu hoàn toàn những người lao động được đào tạo về kỹ năng tư duy dịch vụ. Họ có thể hiểu kinh doanh sản phẩm nhưng không hiểu về việc chăm sóc con người. Toàn thể nền kinh tế là xây dựng thêm nhiều cơ xưởng, sao chép mọi thứ, và làm ra ngày càng nhiều sản phẩm. Họ muốn xây dựng mọi thứ, sản phẩm lớn, sản phẩm nhỏ nhưng họ sẽ không bao giờ thành công vì không có tư duy về phát triển dịch vụ. Họ không hiểu nhu cầu của khách hàng; họ không có ý tưởng nào về việc làm hài lòng khách hàng. Từ người quản lý khách sạn tới người phục vụ nhà hàng, từ quan chức cấp cao tới công nhân lao động, tất cả họ đều hành động theo cùng một cách, cứ vội vàng làm cái gì đó nhanh chóng mà thậm chí không suy nghĩ. Nếu ông chú ý, ông sẽ thấy rằng phần lớn các cơ xưởng đều có người giám thị nước ngoài và phần lớn các công ty đều có nhân viên tiếp thị là người nước ngoài bởi vì người của đất nước này không thể làm được. Đó là “nửa đường” để làm kinh doanh. Một mình sản phẩm không thể thành công nếu không có các dịch vụ đi kèm, và dịch vụ mới đem khách hàng trở lại.”
Giáo sư tiếp tục câu chuyện:
Một ngày ở Hàn Quốc, chúng tôi xuống nhầm trạm dừng tàu điện ngầm cách khách sạn nơi chúng tôi nghỉ vài dãy phố. Trời đã tối khi chúng tôi hỏi đường nhưng không ai nói được tiếng Anh. Cuối cùng, một sinh viên đại học đi tới, anh ta chỉ cho chúng tôi hướng tới khách sạn nhưng ngần ngại: “Dễ lạc đường lắm vì có vài chỗ rẽ phải, rẽ trái và các ông có thể bị lạc lần nữa.” Thế là anh ta đề nghị đi bộ cùng chúng tôi tới khách sạn để chắc rằng chúng tôi sẽ không bị lạc. Chúng tôi đi khoảng 15 phút thì tới khách sạn. Khi chúng tôi cảm ơn người sinh viên đã nhiệt tình giúp đỡ, Bill mời anh ta vào và ăn tối với chúng tôi nhưng anh từ chối vì cần phải về nhà. Vào lúc đó, chúng tôi thấy rằng anh phải đi lộn lại theo hướng ngược với chỗ chúng tôi bị lạc.
Sự việc anh thanh niên sẵn lòng giúp những người lạ dù anh phải đi theo hướng ngược lại trong đêm tối muộn đã gây ấn tượng cho cả hai chúng tôi. Bill bảo tôi: “Khi một sinh viên của một nước hành động như vậy, nước đó có tương lai. Đó chính là quốc gia đẳng cấp thế giới”.
Theo Bill, “đẳng cấp thế giới” không phải là nền kinh tế mạnh thế nào; nước đó có bao nhiêu triệu phú hay tỷ phú; có bao nhiêu đại học hay nhà chuyên môn có bằng cấp; mà “đẳng cấp thế giới” là cách mà công dân của nước đó hành động.
Câu chuyện về quốc gia “đẳng cấp thế giới” của hai vị Giáo sư mang đến nhiều suy tưởng.
Nếu nhìn theo cách mà công dân của một quốc gia hành động như Giáo sư Bill từ phương diện giáo dục, thì việc cô giáo tiểu học bị ép quỳ gối xin lỗi phụ huynh, cô giáo trung học im lặng suốt 3 tháng không giảng bài khi lên lớp, cô giáo phạt học sinh uống nước giặt rẻ lau bảng, hay thầy giáo tiểu học cưỡng dâm học sinh nữ… khiến người Việt bất an với suy tưởng về tương lai của quốc gia này dù không đặt nhiệm vụ khổng lồ “đẳng cấp thế giới” ở phía trước.
Cũng có người cho rằng, nếu nhìn từ hành động của công dân một quốc gia thì các vụ nổ súng trong trường học Mỹ, hay tỷ lệ học sinh Nhật Bản, Hàn Quốc tự tử thuộc hàng cao nhất thế giới mới là nỗi đau khi nghĩ tới tương lai “tang tóc” của các quốc gia này.
Có điều, theo góc nhìn trong câu chuyện của Giáo sư Bill, hành động của một công dân được nhìn từ phương diện đạo đức, lễ nghĩa, phép tắc hành xử của công dân ấy, qua đó có thể thấy được hệ thống giáo dục của một quốc gia như thế nào.
Khi nền giáo dục không lấy trung thực làm gốc
GS Hoàng Tụy từng chia sẻ:
“Một nền giáo dục lành mạnh trước hết hãy khoan dạy những cái cao siêu mà nên tập trung dạy học sinh sống lương thiện và trung thực”.
Cả ở trường học hay khi chưa đến tuổi tới lớp, một trong những bài học đầu tiên trẻ được dạy dỗ là bài học về sự thật thà, tính trung thực. Tuy nhiên, nhìn vào nền giáo dục Việt Nam đương đại, bài học đầu tiên và gốc rễ của sự hình thành nhân cách này lại khó có thể tìm thấy được.
Trong các môn học, nếu các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học đem đến cho trẻ khả năng phát triển tư duy lô gic, lập luận, suy luận thì các môn: Văn học, Địa lý, Mỹ thuật, Âm nhạc giúp trẻ phát triển khả năng quan sát, miêu tả, từ đó mà phát triển tình yêu thương, sự cảm thông, sẻ chia với con người và cuộc sống. Tuy nhiên, đến với những dòng văn miêu tả mà học trò Việt cấp tiểu học viết và được đăng tải trên các phương tiện truyền thông trong nhiều năm qua, nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng bởi câu hỏi: “Sao buộc trẻ phải nói dối?”
Đề văn các trò làm nhất quyết phải là miêu tả ai đó, con gì đó, vật gì đó “của em”, “của nhà em” khiến trẻ lúng túng vì gia đình không nuôi con vật ấy hay không có đồ vật như cô yêu cầu miêu tả. Bởi vậy, trẻ miêu tả con mèo nhà hàng xóm nhưng trong bài văn cũng sẽ thành “em rất yêu con mèo của em”, nguy hiểm hơn, tư duy nói dối này còn tạo nên những khuôn mẫu tai hại, kiểu như: “Nhà em có nuôi một ông nội. Mắt ông nội tròn xoe như hai hòn bi ve”…
Hay trong hai mùa tuyển sinh 2015 – 2016 và 2016 – 2017, hồ sơ của các em học sinh tuyển sinh vào lớp 6 trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) khiến nhiều người “hoảng” bởi trong 4.000 hồ sơ xét tuyển, có khoảng 1.000 hồ sơ được điểm 10 Toán, Văn từ lớp 1 đến lớp 5; Cứ 10 hồ sơ thì có 3 em được giải thưởng các loại: cấp trường, cấp quận, thi Toán, tiếng Anh qua mạng, thi thể dục thể thao… Theo đó, từ khi cho con cái bước vào môi trường tiểu học, các bậc phụ huynh đã buộc phải chuẩn bị cho cuộc thi “marathon hồ sơ đẹp” cùng con suốt 5 năm để ứng tuyển vào cấp học cao hơn.
Nền giáo dục Việt cũng “nghẹt thở” bởi các cuộc thi “chạy”: “chạy” điểm, “chạy” trường, “chạy” thi đua, “chạy” bằng cấp… Từ Bộ, Sở cho đến Phòng Giáo dục, Ban Giám hiệu, thầy cô cho tới học sinh, phụ huynh đều “hụt hơi” với các đề án “khổng lồ” hay để “đạt chỉ tiêu” và “hoàn thành nhiệm vụ”.
Cho nên, dù học sinh lớp 6 bị đưa xuống lớp 1 học lại do chưa biết đọc, biết viết; thầy trò đánh nhau ngay trên bục giảng, hay cô giáo bắt 42 học sinh trong lớp tát vào mặt một em học sinh lớp 4 do em này “chửi bậy”, thì nhà trường vẫn “hoàn thành chỉ tiêu”; dù nữ sinh “đánh hội đồng”, lột quần áo của bạn học trong khi các bạn đồng lứa đứng xung quanh chỉ giơ điện thoại lên ghi hình để chia sẻ lên mạng xã hội… thì nhà trường vẫn “đạt thành tích tốt trong giảng dạy và học tập”…
Hay như các tiết học dự giờ từ lâu được coi là một màn “diễn kịch” trên “sân khấu” giáo dục. Giáo viên giảng dạy được thông báo từ trước, cũng có khi là thông báo “dự giờ đột xuất”, học sinh cũng được “nhắn nhủ” và phân công “từng vai” phát biểu. Mặc dù vậy, các “màn diễn” này vẫn được duy trì năm này qua năm khác, từ thế hệ này tới thế hệ khác, cả thầy và trò đều được đào tạo và thực hành “diễn” theo từng cấp học.
Nguy hại hơn, “diễn kịch” hay giả dối còn được quy chuẩn trở thành hệ thống “đúng quy trình”. Một Hội đồng thuộc cấp cao nhất và trọng vọng nhất như Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước phong nhầm chức danh Giáo sư/ Phó giáo sư cho gần 100 cá nhân ứng tuyển nhưng sai sót này vẫn “đúng quy trình” bởi hàng ngàn hồ sơ đã được thẩm định, đánh giá qua bộ các tiêu chuẩn suốt từ cấp cơ sở. Và sau khi hơn 500 giáo viên dư thừa biên chế với những suất “chạy biên chế” cả trăm triệu đồng khiến kỳ thi xét tuyển giáo viên từ bậc mầm non đến THCS của một tỉnh Tây Nguyên buộc phải có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan công an và Sở Nội vụ, thì công luận đã không còn niềm tin về những bài học công chính, ngay thẳng mà nền giáo dục này vẫn đang rao giảng.
Thiếu trung thực là mầm mống của nhiều tai họa
Mặc dù để hình thành tính cách của một thanh thiếu niên, thì gia đình, nhà trường và xã hội là ba môi trường có sự ảnh hưởng tương hỗ. Tuy vậy, sau 5 năm trẻ nhỏ sống chủ yếu trong gia đình với bố mẹ và ở trường mầm non, thì các cấp học từ tiểu học tới THPT với 12 năm học là môi trường ảnh hưởng lớn nhất tới nhân cách của người trẻ Việt.
Một Thông báo đến học sinh Việt Nam về việc ăn cắp vặt của Trường Nhật ngữ Viện Nghiên cứu Tokyo được chia sẻ nhiều trên các diễn đàn du học sinh trong năm 2015 khiến rất nhiều người Việt cảm thấy buồn và xấu hổ.
Thông báo viết:
“Hiện nay nhiều sinh viên Việt Nam đang sinh sống tại Nhật bị cảnh sát bắt vì tội ăn cắp, bỏ trốn và không đến trường nên làm nhà trường rất lo lắng.
Ở các siêu thị, hay cửa hàng thuốc tây ở Nhật đều có camera giám sát hoặc nhân viên giám sát ăn cắp vặt. Khi bị bắt vì tội ăn cắp sẽ bị đưa vào tù và đưa trả về Việt Nam (cưỡng chế về nước). (Trên thực tế, những trường hợp như thế này đang gia tăng)…
… Nhà trường hiểu rằng các bạn sinh viên có nhiều vất vả nhưng các sinh viên đến đây với mục đích là du học sinh thì hãy cố gắng học tập tốt. Khi các bạn giỏi tiếng Nhật, thì các bạn sẽ tìm được công việc tốt cho mình và chắc chắn sẽ có nhiều điều tốt đến với mình. Khi các bạn có khó khăn gì, muốn trao đổi việc gì, các bạn hãy đến văn phòng để trao đổi. Các sinh viên hãy cố gắng lên!”
Liệu các thầy cô Nhật Bản trước khi soạn và gửi đi thông báo này, có đặt ra câu hỏi nền giáo dục đào tạo nên các du học sinh/sinh viên Việt Nam dường như thiếu những bài dạy về phép xã giao và lòng tự trọng?
Không chỉ du học sinh/sinh viên Việt Nam mà người Việt ở Nhật nói chung đã có một “thương hiệu” đáng buồn từ nhiều năm qua: thương hiệu “ăn cắp vặt”.
Nhiều biển cảnh báo, thông báo được viết bằng cả tiếng Nhật và tiếng Việt về tình trạng người Việt ăn cắp vặt được dán trong các cửa hàng, khu mua sắm.
Có điều, không còn chỉ là “ăn cắp vặt”, người Việt ở Nhật đang xuất hiện với tần suất ngày một nhiều trên truyền thông Nhật trong các bản tin về việc: “ăn cắp có tổ chức”. Theo các bản tin này, một vài người Việt họp lại thành nhóm lên kế hoạch ăn cắp quần áo trong siêu thị, ăn cắp mỹ phẩm và đã thực hiện hành vi này trong khoảng thời gian nhất định cho tới khi bị bắt. Những đồ ăn cắp này được gửi về Việt Nam bán hoặc rao bán trên mạng.
Không chỉ ăn cắp vặt hay ăn cắp có tổ chức, năm 2017, Việt Nam tiếp tục vượt qua Trung Quốc, trở thành nước có nhiều người phạm tội nhất tại Nhật Bản. Theo thống kê của Bộ Cảnh sát Nhật Bản, năm 2017, trong số 17.000 vụ phạm tội do người nước ngoài gây ra, có tới 5.140 vụ do người Việt gây ra (chiếm 30%). Đặc biệt, nếu so với năm 2016 thì năm 2017, số lượng các vụ phạm tội của người Việt tăng tới 62%, trong khi đó số lượng phạm tội của người Trung Quốc giảm liên tục trong 25 năm. Đặc biệt, số vụ vào nhà ăn trộm của người Việt cũng tăng 30 lần so với năm trước.
Vậy là nếu như hành xử của một công dân một nước có thể được xem như một hiện tượng đơn lẻ, thì nhiều công dân của nước đó có thể tạo nên “thương hiệu phẩm giá” của một quốc gia.
Nhiều người Việt hẳn vẫn còn nhớ câu chuyện được đăng tải trên báo Sức khỏe và Đời sống (năm 2014) của một công nhân 40 tuổi (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội) kể lại chuyện một kỹ sư Nhật khi về nước đã nói với anh về chuyện người Việt chỉ nghĩ đến những cái lợi lộc nhỏ của cá nhân mà không biết nghĩ đến lợi ích chung.
Người kỹ sư Nhật minh họa: “Một cái vít chúng tôi phải mang từ Nhật sang giá 40.000 đồng mà rơi xuống đất thì công nhân Việt Nam các anh thản nhiên dẫm lên hoặc đá lăn đi mất vì nó không phải của các anh. Nhưng các anh đánh rơi điếu thuốc lá đang hút dở giá 1.000 đồng thì các anh sẵn sàng nhặt lên và hút tiếp cho dù nó bị bẩn chỉ vì nó là của các anh. Hay như cuộn cáp điện chúng tôi nhập về giá 5 triệu/m, nhưng các anh cắt trộm bán được có vài trăm nghìn/m. Tất cả những việc làm đó mang lại chút lợi lộc cho các anh nhưng gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp vì chúng tôi phải nhập bổ sung hoặc nhập thừa so với cần thiết”.
Người lái xe của viên kỹ sư này được ông ấy tặng quà có giá trị và được nghe ông ấy “tâm sự” như sau: “Tôi rất cảm ơn anh lái xe an toàn cho tôi suốt 5 năm qua. Vì anh là người bảo đảm mạng sống của tôi nên anh làm gì tôi cũng chiều nhưng anh đừng tưởng anh làm gì sai mà tôi không biết. Anh đưa đón tôi ra sân bay quãng đường chỉ hơn 30 km, anh khai là hơn 100 km tôi cũng ký, anh khai tăng việc mua xăng, thay dầu tôi cũng ký là vì tôi cần anh vui vẻ lái xe để tôi được an toàn. Nhưng anh và các công nhân Việt Nam đừng tưởng là các anh vặt được người Nhật. Các anh nên biết rằng lẽ ra chúng tôi có thể trả lương cao hơn hoặc tăng lương nhiều hơn cho các anh. Nhưng đáng phải tăng lương cho các anh 500.000 đồng thì chúng tôi chỉ tăng 200.000 đồng. Còn 300.000 đồng chúng tôi phải giữ lại để chi trả bù đắp cho những trò vụn vặt hay phá hoại của các anh. Cuối cùng là tự các anh hại các anh thôi.”
Trên thế giới nói chung, quốc gia nào cũng đều có người nói dối, thế nhưng, về cơ chế của cả xã hội của rất nhiều quốc gia là dựa vào thành tín làm cơ sở, cho rằng tín dụng là vốn liếng xã hội mà một người có thể đặt chỗ đứng lâu dài. Trái ngược với điều này, thiếu trung thực sẽ là mầm mống của nhiều tai họa.
Giáo dục Việt Nam là phiên bản thu nhỏ của xã hội, trong đó giả dối được thực hiện đến mức trở thành tự nhiên, dường như nếu không như thế thì việc sẽ không thành, không có gì có thể vận hành được. Cho nên, phải “hợp thức hóa” mọi thứ. Ví như: nếu muốn con nhỏ được tiêm một mũi nhẹ nhàng ở bệnh viện, hãy đưa cho y tá 20.000 – 50.000 đồng tiền bồi dưỡng; phí công tác một ngày công là 100.000 – 150.000 đồng là quá ít thì sẽ khai một ngày thành 2-3 ngày, nếu không thuộc diện đi máy bay nhưng vì thời gian gấp phải đi máy bay thì khi thanh toán vẫn khai đi ô tô nhưng sẽ khai quãng đường và thời gian khớp với số tiền đi máy bay… Giả dối đã trở thành tập quán tư duy và cơ chế vận hành của đời sống, kinh tế, xã hội?!
Thực tế, ở Nhật Bản, nếu bạn nói sẽ “bồi dưỡng” tiền cho cán bộ công chức để được cung cấp dịch vụ công nhanh hơn thì người ta sẽ ngay lập tức từ chối, thậm chí có thể gọi điện cho cảnh sát để tra hỏi bạn về hành vi đút lót. Ở các nước phương Tây, thành tín là chuẩn tắc cơ bản nhất trong giao lưu kinh tế, cũng là mục tiêu theo đuổi của công ty. Khi phát sinh xung đột giữa lợi ích và tín nghĩa, người ta sẽ lựa chọn tín nghĩa, bởi vì chỉ có tín nghĩa mới có thể mang lại lợi ích được kéo dài, nhất thời lừa gạt sẽ thu được lợi ích ngắn hạn, nhưng cuối cùng sẽ trở thành trở ngại cho sự phát triển của công ty. Không coi trọng thành tín, ở các nước phương Tây, qua thời gian sẽ khó mà cất bước.
Thương hiệu phẩm giá quốc gia được tạo nên từ những điều bình dị
Theo Giáo sư Bill, không phải điều gì lớn lao mới là quan trọng mà chính những điều nhỏ bé lại cho thấy hệ thống giáo dục của một nước tốt thế nào. Nếu như cả hệ thống giáo dục vận hành theo một cơ chế không thuần chính thì lựa chọn “thuận theo dòng” hay “lội ngược dòng” phụ thuộc vào việc bạn can đảm như thế nào. Dù khó tất sẽ vẫn có con đường cho bạn lựa chọn bởi sự vận hành thuần chính mới là dòng chủ lưu của một xã hội chính thường. Và quan trọng là, lựa chọn của bạn trong giáo dục ngày hôm nay chính là tương lai không xa của bạn và con cái.
Khó có thể “lội ngược dòng” được ngay giữa dòng nước đang chảy xiết, vậy thì có thể “lội ngược” từng chút một. Dòng chảy thuần chính vẫn luôn tồn tại, chỉ có điều bạn có chịu đi tìm lại và thuận chảy theo nó hay không.
“Thương hiệu phẩm giá” của một quốc gia được tạo nên từ những điều bình dị. Hành trình “lội ngược dòng” có thể được bắt đầu như những điều trong thư của Bố gửi cho Enrinco Bôttini trong “Những tấm lòng cao cả” của văn hào Ý Edmondo De Amicis – Cuốn Nhật ký của một cậu bé tiểu học trở thành cuốn cẩm nang với những bài học đạo đức giản dị mà bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể tìm thấy hành trình trở về với những trái tim thuần hậu, hào hiệp, biết ơn và yêu quý con người.
“Hôm kia, khi con ở trường câm về, con đã xô phải một người đàn bà. Lần sau, con phải có ý tứ hơn vì ở phố con cũng có bổn phận. Lúc ở nhà, khi ở trường, con đã giữ gìn cử chỉ của con được đứng đắn, cớ sao ra phố là nơi công chúng qua lại, con lại sao lãng ? Con ơi ! Con nên nhớ những khi gặp những người già nua, những kẻ nghèo khó, những đàn bà ôm dắt trẻ thơ, những kẻ tàn tật, những người khuân vác nặng nề, những người đầu tang tóc rối, con phải nhường bước.
Ta phải kính trọng tuổi thọ, cảnh cơ hàn, tình mẫu tử, cảnh tàn tật, sự lao khổ và sự tử vong.
Mỗi khi con thấy xe đến chân mà người ta không biết, nếu là người lớn thì con gọi bảo, nếu là trẻ con thì con chạy dắt vào.
Đứa trẻ kia đứng khóc một mình, con chạy lại hỏi han, dỗ dành hoặc chỉ bảo. Cụ già nọ đánh rơi cây gậy, con lại nhặt giúp. Gặp trẻ con cãi nhau, con đứng lại can ngăn. Gặp người lớn đánh nhau, con hãy tránh xa để khỏi phải nhìn tấn kịch thương tâm nó sẽ làm trơ rắn lòng con.
Gặp người bị trói giải qua đường, con không nên nhập bọn với những kẻ tò mò độc ác mà nhìn người ta, vì có khi họ là người oan uổng, vô tội.
Khi có đám ma đưa qua, đừng cười, nói với bạn con nữa, hãy ngả mũ chào, vì biết đâu ngày mai, nhà con cũng sẽ có người tạ thế.
Trông thấy những trẻ em trường Bà Phước xếp hàng đi qua, mù loà có, câm điếc có, què quặt có, mồ côi có, vô thừa nhận có, con nên giữ thái độ và tưởng tượng rằng đó là những số phận xấu số và những tấm lòng từ thiện của loài người đang diễn ra trước mặt con.
Có ai hỏi thăm đường, con phải trả lời cho có phép. Đừng chế nhạo ai, đừng chạy nhảy, đừng nô đùa, đừng hò reo, đừng xô đẩy, phải giữ luật đi đường. Con phải biết rằng chỉ liếc mắt trông qua cách cử chỉ của nhân dân đi ngoài phố mà người ta có thể xét đoán được trình độ giáo dục của cả một dân tộc. Ở xứ nào mà con nhìn thấy những điều thô bỉ ở ngoài đường, tất con sẽ nhìn thấy những điều thô bỉ ở trong nhà…”
Hải Linh
Xem thêm:
Từ khóa người Việt trung thực đạo đức người Việt giả dối Giáo dục Nhật Bản