Nền giáo dục Việt Nam hàng chục năm qua: Không thể cải cách được!
- Hải Linh
- •
Giáo dục Việt Nam trong gần 30 năm qua không chỉ rối loạn bởi các đề án hoang tưởng tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng mà còn đối diện với cuộc khủng hoảng suy đồi đạo đức nghiêm trọng khiến niềm tin vào những gì được gọi là “cải cách” sụp đổ.
- Chuyên đề: Việt Nam đánh mất cơ hội ‘dân số vàng’ có một không hai như thế nào?
- Xem phần 21, phần 23, phần 24, phần 25
Tư duy hoang tưởng khiến hàng ngàn tỷ đồng dành cho giáo dục tiêu tán
Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” với tổng kinh phí 9.378 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và một số nguồn khác.
Được triển khai từ năm 2011, đề án đưa ra mục tiêu đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ độc lập, tự tin; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người Việt Nam…
Tuy nhiên, đến năm 2016, khi đã đi được nửa chặng đường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận trước Quốc hội rằng đến năm 2020, đề án không thể đạt được các mục tiêu đề ra.
Cụ thể, tính đến năm 2016, chỉ có 33% giáo viên cấp THCS và 26% giáo viên cấp THPT đạt chuẩn. Theo báo cáo của Ban quản lý đề án, tổng số kinh phí đã chi từ năm 2011 đến năm 2015 là hơn 3.829 tỷ đồng.
Mặc dù được đầu tư như vậy nhưng chất lượng dạy học môn Ngoại ngữ trong nhà trường vẫn cho kết quả “đội sổ” so với các môn khác trong kỳ thi THPT Quốc gia. Năm 2015, có 306.298 thí sinh có điểm thi môn Ngoại ngữ dưới 5 điểm (chiếm 81,2%). Năm 2016, 90% thí sinh thi THPT Quốc gia có điểm môn Ngoại ngữ dưới trung bình.
Đề án sau đó đã được điều chỉnh kéo dài thời hạn thực hiện nhiều mục tiêu đến năm 2025.
Đề án 911 đào tạo 23.000 tiến sĩ với kinh phí 14.000 tỷ đồng: thất bại thảm hại
Một đề án khác cũng nhận được nhiều cảnh báo thất bại nhưng vẫn được Bộ GD&ĐT thực hiện là Đề án 911 có kinh phí 14.000 tỷ đồng – đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020 gồm: 10.000 tiến sĩ trong nước, 10.000 tiến sĩ ngoài nước và 3.000 tiến sĩ liên kết.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2012-2016, chỉ tiêu đào tạo 12.800 nghiên cứu sinh cả trong, ngoài nước và liên kết của đề án đã không thể thực hiện được.
Tính đến hết năm 2016, tổng số nghiên cứu sinh trúng tuyển và nhập học theo đề án là 4.023 người (đạt 31,4% chỉ tiêu); số nghiên cứu sinh tốt nghiệp và được cấp bằng là 787 (chỉ đạt 6% chỉ tiêu đề ra).
Trong đó, về đào tạo tiến sĩ trong nước, tổng số nghiên cứu sinh trúng tuyển đến hết năm 2016 là 2.062 người (chiếm 36% chỉ tiêu), có 703 nghiên cứu sinh đến thời hạn kết thúc thời gian nghiên cứu nhưng chỉ có 165 nghiên cứu sinh hoàn thành khoá học, bảo vệ thành công luận án đúng thời hạn (chiếm hơn 23%), còn lại 538 nghiên cứu sinh bảo vệ luận án chậm hoặc chưa bảo vệ luận án (gần 77%). Trong số nghiên cứu sinh được tuyển có 143 người bỏ học hoặc chuyển sang nghiên cứu theo hình thức đại trà.
Về đào tạo ngoài nước, đến hết năm 2016, mặc dù chỉ tiêu là 5.800 nghiên cứu sinh nhưng chỉ có 2.926 người trúng tuyển, trong số này, chỉ có 1.961 người đi học. Đáng chú ý là số tuyển sinh đào tạo nước ngoài này không phải hoàn toàn do Đề án 911 thực hiện mà có 655 người thuộc Đề án 356 (đề án đào tạo tiến sĩ giai đoạn 2005-2010) chuyển sang. Vì vậy, kết quả thực chất chỉ có 1.306 nghiên cứu sinh, bằng 23% chỉ tiêu năm 2016 và bằng 13% tổng chỉ tiêu 10.000 nghiên cứu sinh của đề án.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, một trong những nguyên nhân khiến đề án không đạt được mục tiêu là xây dựng đề án quá cao, thiếu cơ sở khảo sát đánh giá và không sát với thực tế, dự kiến nguồn tuyển không đúng. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi hơn 50 tỷ đồng từ Bộ GD&ĐT.
Thất bại với mô hình VNEN và 87,6 triệu USD
Thực hiện các đề án giáo dục nhưng thiếu căn cứ vào tình huống thực tế tiếp tục khiến ngành giáo dục Việt Nam thất bại với mô hình VNEN – Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam được triển khai thí điểm từ tháng 1/2013.
Được khởi nguồn từ Colombia những năm 1995-2000 để dạy học sinh tại những lớp ghép vùng miền núi khó khăn và được áp dụng thành công ở nhiều nước nhưng sau hơn 3 năm áp dụng tại Việt Nam, mô hình đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ các phụ huynh vì học sinh càng học chất lượng càng đi xuống.
Theo mô hình VNEN, học sinh được tổ chức ngồi quay mặt vào nhau một cách cố định theo từng nhóm trong suốt cả buổi học, giáo viên không giảng bài hay mở rộng vấn đề mà các thành viên trong nhóm sẽ tự học, tự trao đổi và báo cáo với giáo viên khi đã hoàn thành xong nội dung. Mô hình này trong điều kiện một lớp có sĩ số lên đến 40 em không phát huy được hiệu quả, khiến học sinh bị hổng rất nhiều kiến thức.
Việc sao y mô hình bản chính từ Colombia một cách rập khuôn, là chương trình thử nghiệm nhưng lại áp dụng một cách đại trà, ồ ạt cho tất cả các địa phương trong cả nước khiến mô hình VNEN thất bại thảm hại.
Tháng 10/2016, Bộ GD&ĐT đã thừa nhận triển khai VNEN quá vội vàng. Mặc dù vậy, Bộ không đưa ra một phương án kết thúc hoàn toàn đề án khiến các địa phương phải đau đầu với việc dừng lại hay tiếp tục thực hiện mô hình này.
Kết thúc VNEN sau 3 năm, hơn 4.000 trường tiểu học ở 63 tỉnh, thành trở thành đối tượng thí nghiệm trong một giai đoạn rồi bị “đứt gánh”, ngành giáo dục Việt Nam đã tiêu tán hết kinh phí tài trợ 87,6 triệu USD.
Các đề án hàng ngàn tỷ đồng phi thực tế cùng chương trình phân ban THPT được khởi xướng từ năm 1993 với những thay đổi suốt từ đó đến nay, và nhiều chương trình khác trong cải cách giáo khoa, thay đổi quy chế thi cử… khiến hàng triệu học sinh Việt Nam, giáo viên và phụ huynh trở thành “chuột bạch”, xã hội rối loạn, bất an, đầy lo lắng.
Nền giáo dục thất bại trong việc xây dựng con người Việt Nam: đức – trí – thể – mỹ
Hàng trăm bài thi THPT Quốc gia năm 2018 bị can thiệp, gian lận nâng điểm. Hà Giang mở màn như khối ung nhọt đầu tiên được phát hiện. Một kỳ thi quan trọng, một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của những đứa trẻ sau 12 năm đèn sách bị đổi trắng thay đen. Gian dối tại kỳ thi THPT Quốc gia làm tổn thương nghiêm trọng đến ước mơ, hoài bão và niềm tin của hàng triệu con người; là đại bác bắn vào hiền tài và tương lai của dân tộc.
Nhiều năm qua, các vấn đề về cải cách giáo dục Việt Nam được thảo luận với những đánh giá cho rằng Bộ Giáo dục chỉ có “cải lùi”, càng làm càng lộn xộn. Tuy nhiên, nền giáo dục này không phải “cải lùi” lạc hậu mà là lạc đường, khiến đạo đức của người Việt bị suy đồi nhanh chóng.
Từ cô giáo mầm non bạo hành trẻ đến thầy giáo tiểu học dâm ô với học sinh, gạ tình đổi điểm, hiệu trưởng trường cấp 3 biến nữ sinh thành gái mại dâm và hình thành đường dây bán dâm mở rộng đến quan chức cấp tỉnh… “Cánh buồm trắng” giáo dục đã bị hoen ố và gẫy vụn!
Trường học trở nên bạo lực đầy biến dị. Thầy trò đánh nhau ngay trên bục giảng trước cả lớp, nữ sinh đánh nhau không chỉ giựt tóc, mà phải lột đồ và tung clip lên mạng… Nguyên nhân của việc bùng phát bạo lực học đường ở Việt Nam trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây được nhận định rằng chủ yếu là do ảnh hưởng từ môi trường văn hoá bạo lực: phim ảnh, sách báo, đồ chơi, game… sự quan tâm chưa tới của gia đình, nhà trường và việc đánh giá học sinh chỉ chú trọng nhiều ở thành tích học tập chứ không phải ở đạo đức ứng xử.
Tuy nhiên, còn một nguyên nhân khác. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng thay vì dạy trẻ những bài học sâu sắc từ chiến tranh mà bất cứ dân tộc nào đều cố gắng không lặp lại, thì các bài văn, bài thơ của môn Ngữ Văn hay môn Lịch sử vẫn đầy ắp những bài học về lòng căm thù, về giết giặc… , trong đó rất nhiều câu chuyện đã được các Giáo sư đầu ngành yêu cầu đính chính vì cần trả lại tính trung thực cho lịch sử. Sự cổ vũ tính tranh đấu, lòng thù hận ngấm dần vào ý thức của thế hệ trẻ, nuôi dưỡng tính hung bạo và hiếu thắng.
Nền giáo dục của mỗi quốc gia phát triển với triết lý khác nhau, được xây dựng dựa trên nền tảng văn hoá, lịch sử, con người khác nhau, nhưng mục đích chung của giáo dục là khơi nguồn cho những đứa trẻ giàu lòng nhân ái, hình thành nhân cách qua các bài học đạo đức, rồi mới đến chinh phục kiến thức.
Một nền giáo dục không được xây dựng trên nền tảng đạo đức và không chú trọng dạy đạo đức sẽ khiến xã hội đầy rẫy tội lỗi và cái ác, bởi thế dù cải cách thế nào, giáo dục Việt Nam – đi ngược lại với nền giáo dục chung của thế giới tôn vinh các giá trị đạo đức, nhân phẩm – sẽ mãi loay hoay và liên tiếp thất bại.
Học trò Việt trong quá khứ được dạy những bài học giản dị thuở đầu đến lớp nhưng có thể mang theo suốt cuộc đời, là:
“Nhân chi sơ, Tính bản thiện
Tính tương cận, Tập tương viễn.
Cẩu bất giáo, Tính nãi thiên,
Giáo chi đạo, Quý dĩ chuyên”.
Tạm dịch:
“Con người mới sinh ra, bản tính vốn hiền lành,
Tính ban sơ giống nhau, thói quen dần khác xa.
Nếu chẳng được giáo dục, bản tính sẽ đổi dời,
Đường lối để giáo dục, quý ở sự chuyên cần”.
Những đoạn thơ ba chữ của “Tam Tự Kinh” được lấy làm sách giáo khoa cho học trò, dạy trẻ học lễ nghi xã hội, là cuốn văn thư đầu tiên được chọn khi bắt đầu giáo dục nghi thức cho trẻ, giúp trẻ hình thành và thực hành những bài học đạo đức, nhân cách tốt đẹp.
Giáo dục Việt Nam sau quá nhiều bộn bề rối loạn và sáo rỗng, khi không thể cải cách được, thì có thể quay về và tìm lại trong lịch sử giáo dục của dân tộc. Những bài học đạo đức bình dị này không phải chỉ là tinh hoa văn hoá của đất nước Trung Hoa mà là giá trị tinh thần phổ quát của các quốc gia, dân tộc.
Hải Linh
Xem thêm:
Từ khóa Cải cách giáo dục kỳ thi THPT quốc gia Giáo dục Việt Nam suy đồi đạo đức Mô hình VNEN