Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa trong giai đoạn 2025-2030 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng. Nguồn lực cho 5 năm tiếp theo sẽ được cân nhắc sau đó.
Sáng 27/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.
Mục tiêu của chương trình là đến năm 2030, 100% tỉnh thành có Trung tâm Văn hóa, 80% huyện có Trung tâm Văn hóa – Thể thao đạt chuẩn. 95% di tích quốc gia đặc biệt và 70% di tích quốc gia sẽ được tu bổ. Ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% vào GDP, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân. Hàng năm, Việt Nam sẽ tham gia ít nhất 5 sự kiện văn hóa quốc tế lớn.
Đến năm 2035, 100% địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng. 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia sẽ được tu bổ. Ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 8% GDP. Mỗi năm, Việt Nam sẽ có ít nhất 10 tác phẩm văn hóa nghệ thuật tầm quốc gia và tham gia 6 sự kiện văn hóa quốc tế lớn.
Đáng lưu ý, Nghị quyết cho phép xây dựng trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
Tại phiên thảo luận ngày 1/11, giải trình về nội dung trên, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho hay việc xây dựng trung tâm văn hóa ở nước ngoài là thực hiện chiến lược văn hóa đối ngoại, là sự hiện diện của văn hóa Việt Nam ra nước ngoài và thông qua đó, quảng bá, bảo tồn, giới thiệu văn hóa của Việt Nam cũng như tạo ngôi nhà chung văn hóa của kiều bào.
Ông Hùng cho hay Chính phủ Hàn Quốc đang triển khai làm 80 trung tâm văn hóa tại 80 quốc gia. “Chúng ta không thể so sánh với Hàn Quốc. Nguồn lực của chúng ta đến đâu, kiều bào sinh sống ở địa bàn nào, nhu cầu ở đó ra sao, khả năng phát triển thế nào, chúng ta tính toán để có giải pháp hiệu quả và phù hợp”, ông Hùng nói.
Đại diện Bộ VHTT&DL cho hay Chính phủ sẽ lựa chọn quốc gia dựa trên quan hệ theo nguyên tắc đối đẳng, ưu tiên các quốc gia có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Dự kiến sẽ lựa chọn từ 3 – 5 trung tâm cần được ưu tiên đầu tư xây dựng theo thứ tự.
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 tối thiểu 122.250 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%); vốn ngân sách địa phương 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); nguồn vốn khác dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).
Căn cứ kết quả thực hiện của Chương trình giai đoạn 2025 – 2030, Chính phủ trình Quốc hội quyết định nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2031 – 2035.
Nguyên tắc hỗ trợ của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện Chương trình là ưu tiên hỗ trợ các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, đặc biệt là các địa phương miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương từ 60% trở lên.
Đối với các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ vốn cho một số nhiệm vụ cụ thể theo nguyên tắc, tiêu chí được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
NATO bỏ qua mọi cảnh báo từ Nga, vẫn tiếp tục kiên trì hoạt động…
Israel và Hezbollah đã chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn do Hoa Kỳ và…
Ông Lê Tiến Phương cùng các bị can bị cáo buộc có sai phạm khi…
Phân bón là mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% khi Luật…
Chủ đầu tư Dự án xây dựng kè chống sạt lở khu dân cư thị…
Theo nghiên cứu của sử gia Cố Hiệt Cương, câu chuyện về Mạnh Khương có…