Thời sự

Cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận bị truy tố trong vụ án gây thiệt hại 308 tỷ đồng

Ông Lê Tiến Phương cùng các bị can bị cáo buộc có sai phạm khi phê duyệt giá đất tại dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, gây thiệt hại hơn 308 tỷ đồng.

Ông Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: moha.gov.vn)

VKSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 17 bị can trong vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại tỉnh Bình Thuận.

Bị can Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, bị truy tố tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, với khung hình phạt từ 10 đến 20 năm tù.

Các đồng phạm cùng bị truy tố tội danh trên gồm: Nguyễn Ngọc, cựu Phó chủ tịch Thường trực; Nguyễn Văn Phong, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cựu Chủ tịch Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất; Xà Dương Thắng, cựu Giám đốc Sở Xây dựng; Hồ Lâm và Lê Nguyễn Thanh Danh, cựu Giám đốc và Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường;

Nguyễn Thanh Cho và Lê Nam Hưng, cựu Chi cục trưởng và Chi cục phó Chi cục Quản lý đất đai; Phạm Duy Cường, cựu Phó trưởng phòng Kinh tế đất; Lê Anh Huy, cựu chuyên viên Phòng Kinh tế đất; Đỗ Ngọc Điệp, cựu Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết; Nguyễn Xuân Phong, cựu Phó cục trưởng Cục thuế; Lê Quang Vinh, cựu Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh (cựu Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quý; Huỳnh Lương Thiện, cựu chuyên viên Phòng Đầu tư và Quy hoạch xây dựng, Văn Phòng UBND tỉnh Bình Thuận.

Đây là vụ án đặc biệt quan trọng, xảy ra trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai tại tỉnh Bình Thuận.

Theo cáo trạng, Công ty Regent International OverSeas Corp (Hong Kong) được Chính phủ đồng ý cho đầu tư dự án Ocean Dunes Golf Club (sân golf Phan Thiết), với quy mô 62ha.

Năm 2013, Công ty Rạng Đông mua lại toàn bộ cổ phần của Regent International OverSeas Corp tại Công ty TNHH MTV Golf và Câu lạc bộ golf Phan Thiết với giá 2,5 triệu USD.

Từ đây, Công ty Rạng Đông được tiếp tục thực hiện dự án, sau đó nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.

Tháng 11/2013, ông Lê Tiến Phương – khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận – đã cấp giấy chứng nhận cho Công ty Rạng Đông kế thừa toàn bộ nghĩa vụ, quyền và lợi ích của chủ đầu tư cũ. Sau đó, Công ty Rạng Đông lại đề nghị chính quyền tỉnh “xin chuyển đổi đất sân golf sang đất ở đô thị tại dự án Ocean Dunes Golf Club”.

Trên cơ sở các văn bản đề nghị của Công ty Rạng Đông và ý kiến tham mưu của các sở, ngành, ngày 13/3/2014, ông Phương ký công văn báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét cho chủ trương về chuyển đổi mục đích sử dụng đất của sân golf Phan Thiết sang đất ở đô thị.

Sau khi “phân tích kỹ, cân nhắc thấu đáo, đánh giá mọi mặt và đi đến thống nhất cao”, Bình Thuận thống nhất chuyển đổi đất sân golf sang đất đô thị.

Năm 2014, Thủ tướng Chính Phủ có công văn về việc điều chỉnh sân golf Phan Thiết.

UBND tỉnh Bình Thuận đã điều chỉnh đầu tư từ dự án sân golf Phan Thiết thành dự án khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết.

Tháng 4/2015, ông Lê Tiến Phương, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh, lần lượt ký ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết và quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đối với diện tích hơn 363.000 m2 từ đất thể dục thể thao sang đất đô thị.

Quá trình xác định tiền sử dụng đất, ông Phương cùng một số lãnh đạo tỉnh, sở, ngành và phía công ty thẩm định giá đã có nhiều sai phạm trong việc xây dựng, thẩm định phương án giá đất cũng như phê duyệt giá đất cụ thể.

Cơ quan tố tụng cho rằng lẽ ra việc tính giá đất phải tách riêng đất quy hoạch nhà cao tầng với các loại đất khác. Tuy nhiên, các bị can không thực hiện mà gộp chung các loại đất thành một, từ đó “chốt” mức giá là hơn 2,57 triệu đồng/m2, tương đương hơn 936 tỷ đồng.

VKSND Tối cao dẫn kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, cho thấy giá trị quyền sử dụng của hơn 363.000 m2 đất thuộc dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết tại thời điểm tháng 4 và tháng 11/2015 là hơn 1.573 tỷ đồng.

Trên thực tế, Công ty Rạng Đông đã nộp tổng cộng hơn 956 tỷ đồng. Như vậy, số tiền chênh lệch là hơn 617 tỷ đồng.

Về nguyên nhân dẫn đến con số chênh lệch nêu trên, ngoài sai phạm của các bị can còn có 3 chỉ tiêu về tốc độ tăng giá, thời gian bán hàng và tỷ lệ bán hàng hàng năm.

Cơ quan điều tra Bộ Công an đã làm việc với đơn vị tư vấn thẩm định giá, xác định 3 tiêu chí này dẫn đến chênh lệch số tiền hơn 308 tỷ đồng.

Do đó, VKSND Tối cao xác định thiệt hại trực tiếp từ hành vi sai phạm của các bị can trong vụ án này là hơn 308 tỷ đồng.

Phạm Toàn

Phạm Toàn

Published by
Phạm Toàn

Recent Posts

NATO khẳng định tiếp quyết tâm đấu với Nga sau vụ tên lửa Oreshnik

NATO bỏ qua mọi cảnh báo từ Nga, vẫn tiếp tục kiên trì hoạt động…

1 giờ ago

[VIDEO] Chính phủ Biden thúc đẩy thành công thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel, Hezbollah

Israel và Hezbollah đã chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn do Hoa Kỳ và…

2 giờ ago

Quốc hội duyệt 122.000 tỷ đồng để phát triển văn hóa tới năm 2030

Mục tiêu của chương trình là đến năm 2030, 100% tỉnh thành có Trung tâm…

3 giờ ago

Quốc hội chính thức chốt áp thuế VAT 5% đối với phân bón

Phân bón là mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% khi Luật…

4 giờ ago

Cà Mau: Tuyến kè chống sạt lở bị chủ đầu tư rút ngắn 134m

Chủ đầu tư Dự án xây dựng kè chống sạt lở khu dân cư thị…

4 giờ ago

‘Tứ đại Ngôn tình’ của Trung Quốc đã bị thay đổi thế nào?

Theo nghiên cứu của sử gia Cố Hiệt Cương, câu chuyện về Mạnh Khương có…

5 giờ ago