Sau khoán xe công nên chăng cũng ‘khoán’ cả vỉa hè?

Khoán chi phí sử dụng xe công, ước tính số lượng xe công sẽ giảm hơn 10.500 chiếc. Nhờ thế, ngân sách sẽ tiết kiệm 3.400 tỷ đồng/năm. Đề xuất khoán xe công đang được đưa ra đối với cả thứ trưởng, chủ tịch tỉnh, chủ tịch HĐQT tập đoàn nhà nước… Nếu dự thảo được thông qua, tình trạng lạm dụng quyền lực đối với những chiếc xe biển xanh sẽ được giảm thiểu.

Vậy thì với bài toán “180 quán bia trên vỉa hè có hơn 150 quán có ông công an đứng đằng sau” – nên chăng cũng áp dụng biện pháp khoán?

Nhưng không phải “khoán doanh thu” mà là “khoán đường thông hè thoáng”.

Phần đường dành cho người đi bộ bị chiếm toàn bộ trước cửa một quán nhậu trên đường Thượng Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội). (Ảnh: nld.com.vn/2017)

Gần hai tháng qua, giải tỏa vỉa hè vẫn chiếm vị trí quan trọng trên dòng tin tức thời sự. Không chỉ bởi vỉa hè là khoảng công cộng dành cho người đi bộ, là đường viền hài hòa cho các con phố với những lô nhà sát đường, mà vỉa hè còn liên quan tới những vấn đề to tát hơn, là cái “giá” của sự minh bạch.

Trong cuộc hội nghị quán triệt tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự giao thông, đô thị sáng 4/3, ông Nguyễn Đức Chung – chủ tịch UBND TP Hà Nội đã “giải mã” việc vì sao bao cuộc ra quân xử lý lấn chiếm vỉa hè đều thất bại. Vì cứ “hơn 180 quán bia trên vỉa hè thì có hơn 150 quán có ông công an đứng đằng sau”.

Tỷ lệ ấy lên tới 83%. Hay nói như lời ông Chung, công khai vi phạm vì “có chống lưng”. Bởi thế, những lo lắng về khả năng “đầu voi đuôi chuột” đã bồn chồn nổi lên ngay khi những thông tin cương quyết giải tỏa vỉa hè còn nóng trên mặt báo. Như những cuộc giải tỏa vỉa hè vẫn diễn ra thường xuyên như thế: xe phường lướt qua, hàng quán nép lại, thu giữ rồi giằng giật, để rồi khi xe phường khuất tầm mắt, bàn ghế lại được bày ra và thậm chí còn xênh xang hơn trước (Trích lời nhà văn Nguyễn Văn Thọ, Vnexpress, 28/2/2017). Một cuộc giải tỏa rầm rộ về hình thức khi chỉ ồn ào một lát rồi qua đi.

Có độc giả kể quán cafe của gia đình mỗi tháng phải đưa người ở phường 3 triệu, người ở thành phố 3 triệu, và được dặn nhớ để 1,5m phía ngoài cho người đi bộ. “Tô” vỉa hè không chỉ nằm ở việc có chống lưng hay không. Nó như một thứ phí bất khả mà người dân dù muốn hay không vẫn phải đóng, mà đóng thì được yên ổn và thậm chí còn được “tạo điều kiện”. Bởi vậy mà sợi dây vi phạm bị nối dài.

Việc Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng thúc giục cả bí thư và trưởng công an phường cùng vào cuộc chứ không để chỉ một mình ông Đoàn Ngọc Hải (phó chủ tịch UBND) thực hiện nữa, đó không chỉ là câu chuyện về trách nhiệm quản lý. Nếu tình trạng lấn chiếm đúng như lời của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói – “hỏi các điểm bãi đỗ xe xung quanh bến xe Mỹ Đình, người nhà nhà ai đấy” – thì yêu cầu của ông Thăng như một cú hích cho những người trong bóng tối nay phải bước ra. Vì có ai là không sợ động chạm tới anh em? Nói thẳng như ông Chung: “Có đồng chí bí thư, chủ tịch quận nào ngồi đây dám cam đoan với tôi là các điểm trông giữ xe dưới phường không có người nhà, có bãi đỗ xe của ông bí thư, chủ tịch không?”

Nếu vẫn còn chống lưng thì việc xử lý lấn chiếm vỉa hè sẽ chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Tuổi thọ của chiến dịch sẽ vẫn ngắn, chỉ như những chuyến xe phường lướt qua.

Việc lạm dụng và đội giá kinh phí đi xe công đang được giải quyết theo hướng đưa ra một khoản kinh phí nhất định cho việc đưa đón quan chức đi làm. Tương tự, bài toán “180 quán bia trên vỉa hè có hơn 150 quán có ông công an đứng đằng sau” có thể xoay lại bằng cách “khoán”: trong 180 quán bia, tối thiểu phải có 150 quán có công an đảm bảo không vi phạm trật tự đô thị.

Không còn “khoán doanh thu”, mà nay là “khoán trách nhiệm”. Quan điểm này cũng không mới, vì Chủ tịch TP Hà Nội đã từng thẳng thắn: “Lần này thành phố sẽ phải xem xét, nhấc một vài đồng chí đi…”. Còn Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng thì yêu cầu khoán trách nhiệm công vụ, từng tuyến đường, từng khu phố cho từng cán bộ. Nếu để xảy ra mất trật tự đô thị trên tuyến nào thì xử lý cán bộ được khoán trách nhiệm của tuyến đó.

Đã chỉ ra nguyên nhân thất bại thì ngoài những nỗ lực chấn chỉnh lại hành vi lấn chiếm trên vỉa hè, nên chăng là cần giải quyết tận gốc những vấn đề còn tồn đọng ấy. Những cây gậy chống lưng còn khuất đó đây trong bóng tối đã tới lúc cần phải rút. Có như vậy, cuộc giải tỏa vỉa hè mới thực sự thuyết phục được người dân.

Trong những câu chuyện diễn ra gần hai tháng nay, bắt đầu ở TP.HCM, rồi nối tiếp đến Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An… có thể cảm thấy một không khí hưởng ứng, ủng hộ của người dân đối với chủ trương này. Vậy thì chính quyền cần thể hiện được trách nhiệm của mình trong việc giải quyết những góc khuất biểu hiện ra vẻ xô bồ bề mặt nói trên. Có như vậy thì luật pháp mới nghiêm, trách nhiệm của người lãnh đạo mới tỏ tường mà niềm tin của người dân thì không bị đặt nhầm chỗ.

Lê Trai

Xem thêm:

Published by

Recent Posts

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

17 phút ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

25 phút ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

35 phút ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

45 phút ago

Ông Kim Jong Un cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng, cảnh báo về chiến tranh hạt nhân

Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…

50 phút ago

Thượng nghị sĩ Mike Rounds giới thiệu dự luật xóa bỏ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…

1 giờ ago