Bộ GTVT đang lập dự án quy hoạch tuyến đường sắt khổ 1.435mm, nối Trung Quốc qua Lào Cai – Hà Nội – cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).
Công ty hữu hạn Tập đoàn Viện Khảo sát thiết kế số 5 Đường sắt Trung Quốc (đơn vị tư vấn lập quy hoạch) vừa báo cáo Bộ GTVT về phương án nghiên cứu, quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, trong đó có việc nghiên cứu kết nối tuyến đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) – Lào Cai (Việt Nam).
Theo đánh giá từ phía Trung Quốc, tuyến đường hiện hữu từ Lào Cai đến Hải Phòng có tiêu chuẩn và năng lực thấp, vận tốc vận hành trung bình là 50km/h. Tốc độ cục bộ cao nhất là 80km/h, không thể đáp ứng được các nhu cầu ngắn và dài hạn.
Do cần phải hình thành hành lang vận tải hành khách, hàng hóa lượng lớn, đáp ứng được nhu cầu vận tải trong tương lai, phía tư vấn đã nghiên cứu 2 phương án xây dựng: Phương án cải tạo đường hiện có thành đường khổ lồng (thêm khổ đường 1.435 mm) và phương án giữ nguyên hiện trạng tuyến cũ và xây dựng tuyến mới khổ tiêu chuẩn 1.435 mm.
Qua phân tích ưu nhược điểm của từng phương án, phía tư vấn kiến nghị lựa chọn phương án thứ hai.
Theo đó, tuyến đường sắt tương lai có quy mô tuyến chính là đường sắt cấp I, đường đơn với tốc độ chạy tàu thiết kế 160km/h, loại hình dẫn kéo điện lực; sử dụng trạm đóng tự động. Tuyến có thể đi qua 8 tỉnh thành, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng (điểm cuối tại cảng Lạch Huyện).
Cụ thể, đường sắt xuất phát Hà Khẩu (Trung Quốc), qua ga Đồng Đăng tới ga Lạng Sơn. Từ đây, tuyến đường vượt sông Hồng chạy dọc theo cao tốc Lào Cai – Nội Bài để về ga Đông Anh.
Rời ga Đông Anh, tuyến đường vượt cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, về Yên Viên, vượt sông Đuống đến huyện Gia Lâm (Hà Nội), qua Hưng Yên, chạy dọc theo cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Tuyến đường không vào ga Hải Phòng mà qua cầu Tân Vũ – Lạch Huyện tới cảng Lạch Huyện.
Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 392 km; riêng đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) – Lào Cai (Việt Nam) có chiều dài 5,6km; đoạn kết nối với khu đầu mối Hà Nội dài gần 7km.
Toàn tuyến phân bố 73 cầu lớn với tổng chiều dài hơn 130km, chiếm 33% tổng chiều dài tuyến, xây mới 96 cầu; 25 hầm tổng chiều dài 25km, chiếm 6,49% tổng chiều dài tuyến; 38 nhà ga, xây mới 29 nhà ga đường chính tuyến.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, tuyến đường sắt trên rất quan trọng trong chiến lược quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam, có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương tuyến đi qua. Đặc biệt trong vận chuyển hàng hóa, kết nối giao thông, giao thương quốc tế, trong đó kết nối hoạt động thuận lợi với Trung Quốc.
Được biết, phía Trung Quốc cho Việt Nam vay 10 triệu nhân dân tệ để nghiên cứu tuyến đường sắt này.
Kim Long
Xem thêm:
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…
Ông Medvedev tuyên bố cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev có thể nhanh chóng…
Mình bỗng nhận ra rằng không cần phải làm thuyết khách thuyết phục bất cứ…