Categories: Thời sựViệt Nam

Số ca sốt xuất huyết tháng 8 tăng hơn 12.600 ca so với tháng 7

Bộ Y tế cho biết trong tháng 8/2022, sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp khi có thêm nhiều ca mắc và tử vong.

Một trẻ bị sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. (Ảnh: Đan Như/thanhuytphcm.vn)

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 8/2022, cả nước ghi nhận 62.411 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 12.600 ca so với tháng 7). Trong đó, có 25 trường hợp tử vong (tăng 17 ca so với tháng trước).

Như vậy, tính chung 8 tháng của năm 2022, cả nước ghi nhận 165.844 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 62 trường hợp tử vong.

Tại một số bệnh viện ở Hà Nội, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng cũng gia tăng. Điển hình, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị khoảng 30 ca sốt xuất huyết, tăng so với đầu tháng 8/2022. Trong đó gần 10 ca nặng, đã có ca tử vong là nam thanh niên trẻ tuổi sau khi chuyển từ viện này sang viện khác.

Một số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, thiếu máu, phổi tổn thương, tiểu cầu giảm, rối loạn đông máu nặng, nhiễm axit máu, suy đa tạng.

Trước thực tế nhiều người mắc sốt xuất huyết đã tự ý điều trị tại nhà, thậm chí là truyền dịch tại nhà, TS BS Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) đã đưa ra cảnh báo về sự nguy hiểm khi tự truyền nước tại nhà.

Theo BS Hùng, việc tự truyền nước tại nhà hoặc sử dụng các dịch vụ tại nhà mà không có sự kiểm soát chặt của nhân viên y tế rất nguy hiểm. Khi truyền dịch tại nhà, mọi người có thể bị phản vệ ngay với dịch truyền. Trong khi đó, điều kiện cấp cứu tại nhà không thể tốt và đầy đủ như ở các cơ sở y tế, đặc biệt là các hộp chống sốc cũng như các phương tiện cấp cứu khác.

“Không phải bệnh nhân nào cũng cần được truyền dịch. Bởi vì dịch truyền đôi khi làm tăng gánh nặng của tim, gây ra tình trạng nguy hiểm ở nhóm người mắc bệnh tim mạch hay hô hấp. Ngoài ra, khi truyền dịch tại nhà, điều kiện về sát khuẩn như bông băng, cồn có thể không đảm bảo bằng ở các cơ sở y tế, do đó, việc nhiễm khuẩn trong khi thao tác truyền rất dễ xảy ra”, bác sĩ Hùng lưu ý.

Đối với bệnh sốt xuất huyết, bác sĩ Hùng cho biết, trong những ngày đầu (thường là 4 ngày đầu), người bệnh có thể được chỉ định truyền dịch. Đến khi bệnh nhân bắt đầu bước vào trạng thái thoát dịch, tăng tính thấm thành mạch, lúc này, truyền dịch không kiểm soát có thể gây tràn dịch màng phổi, tim, bụng dẫn đến suy hô hấp, tuần hoàn. Việc tự ý truyền nước làm nặng thêm quá trình bệnh. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để khám, chẩn đoán và nghe tư vấn của bác sĩ nếu muốn truyền dịch, không tự ý truyền tại nhà.

Số ca mắc sốt xuất huyết và bệnh nhân nặng sẽ tăng

Theo các chuyên gia dịch tễ, dịch sốt xuất huyết ở miền Bắc thường bắt đầu từ tháng 7 – 11 hàng năm. Thời điểm tháng 9, tháng 10 sẽ là đỉnh dịch.

Tuy nhiên, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhận định càng về cuối mùa dịch thì số ca nặng tăng lên mặc dù số ca mắc có giảm đi. Vì vậy, tháng 10 và 11 vẫn cần phải chuẩn bị đối phó với số ca nặng tăng lên. Năm nay, sốt xuất huyết có diễn biến bất thường khi nhiều ca nặng xuất hiện sớm hơn.

Lý giải điều này, chuyên gia cho rằng có thể là đặc tính của virus hoặc diễn biến trên quần thể bệnh nhân có thay đổi, đặc biệt là sau một giai đoạn dài phòng COVID-19, số người bị nhiễm COVID-19 rất nhiều, miễn dịch của người dân thay đổi, điều đó cũng làm ảnh hưởng đến diễn biến trên bệnh nhân sốt xuất huyết…

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế kiến nghị người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: kiểm tra, phát hiện và diệt loăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt loăng quăng. Người dân cần ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện… để diệt muỗi và phòng muỗi đốt, đặc biệt, không tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà.

Bộ Y tế cho biết trong tháng 8/2022, cả nước ghi nhận 7.545 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 51 trường hợp mắc bệnh viêm não virus (1 trường hợp tử vong); 1 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu và 43 trường hợp sốt phát ban nghi sởi.

Tính chung 8 tháng năm 2022, cả nước có 44.337 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (2 trường hợp tử vong); 190 trường hợp mắc bệnh viêm não virus (4 trường hợp tử vong); 10 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu và 161 trường hợp sốt phát ban nghi sởi.

Minh Long

Minh Long

Published by
Minh Long

Recent Posts

Nga bắn tên lửa tầm trung, không phải ICBM — Tổng thống Putin

Trong một bài phát biểu quan trọng được phát sóng truyền hình hôm Thứ Năm,…

39 phút ago

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

6 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

7 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

7 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

8 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

10 giờ ago