Việt Nam

Tập đoàn Phúc Sơn: Hậu ‘pháo’ chi 132 tỷ đồng hối lộ nhiều cựu lãnh đạo tỉnh

Bị can Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn, bị truy tố vì chi hơn 132 tỷ đồng hối lộ quan chức tại Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Phú Thọ để thâu tóm dự án, gây thiệt hại nhà nước hơn 1.168 tỷ đồng.

Bị can Nguyễn Văn Hậu tại cơ quan công an. (Ảnh: bocongan.gov.vn)

VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 41 bị can trong vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn.

Theo đó, bị can Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, thường gọi là Hậu “Pháo”, bị truy tố về ba tội: Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ.

Theo cáo trạng, để thâu tóm các dự án, ông Hậu đã chi hơn 132 tỷ đồng, gồm 72,5 tỷ đồng và 2,62 triệu USD (tương đương khoảng 60 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại, khoảng 23.000 VND/USD), hối lộ quan chức tại Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Phú Thọ và một số cá nhân khác.

Hành vi này nhằm tạo điều kiện cho các công ty trong “hệ sinh thái” Phúc Sơn trúng thầu, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 1.168 tỷ đồng. Trong đó, vi phạm đấu thầu gây thiệt hại 459,4 tỷ đồng, và bỏ ngoài sổ sách doanh thu để hưởng lợi 504,5 tỷ đồng.

Riêng tại Vĩnh Phúc, thiệt hại lên tới gần 1.000 tỷ đồng qua các dự án như Chợ đầu mối, Tứ Trưng, Phúc Sơn 1, Phúc Sơn 2 và các gói thầu liên quan.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn được ông Hậu thành lập năm 2004 tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, ban đầu là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Phúc Sơn.

Từ quy mô nhỏ, công ty mở rộng hoạt động từ năm 2015, thâu tóm nhiều dự án lớn tại Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Phú Thọ và các địa phương khác.

Ông Hậu còn điều hành nhiều công ty khác, như Công ty Thăng Long, hình thành “hệ sinh thái” Phúc Sơn.

Tại Vĩnh Phúc, công ty thực hiện các dự án Chợ đầu mối, Tứ Trưng, Phúc Sơn 1, Phúc Sơn 2, cùng các gói thầu đê tả sông Hồng, đường nội thị và Trường Văn hóa nghệ thuật.

Tại Quảng Ngãi, công ty trúng thầu dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc và nâng cấp quốc lộ 1.

Tại Phú Thọ, công ty thực hiện các gói thầu thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng và dự án hệ thống cấp nước các hồ cảnh quan.

Cựu Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc nhận gần 50 tỷ đồng

Trong số 41 bị can, 9 người bị truy tố tội Nhận hối lộ, gồm:

Bà Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, nhận 25 tỷ đồng và 1 triệu USD (khoảng 23 tỷ đồng);

Ông Lê Duy Thành, cựu Chủ tịch UBND Vĩnh Phúc, nhận 20 tỷ đồng và 1,3 triệu USD (khoảng 30 tỷ đồng);

Ông Phạm Hoàng Anh, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, nhận 400 triệu đồng và 20.000 USD (khoảng 460 triệu đồng);

Ông Nguyễn Văn Khước, cựu Phó Chủ tịch UBND Vĩnh Phúc, nhận 20.000 USD (khoảng 460 triệu đồng) và 3 tỷ đồng;

Ông Hoàng Văn Nhiệm, cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính Vĩnh Phúc, nhận 1,45 tỷ đồng;

Ông Chu Quốc Hải, cựu Phó Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc, nhận 100 triệu đồng và 20.000 USD (khoảng 460 triệu đồng);

Ông Đặng Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND Quảng Ngãi, nhận 22,6 tỷ đồng và 240.000 USD (khoảng 5,5 tỷ đồng);

Ông Cao Khoa, cựu Chủ tịch UBND Quảng Ngãi, nhận 6,4 tỷ đồng và 20.000 USD (khoảng 460 triệu đồng);

Ông Lê Viết Chữ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nhận 6 tỷ đồng.

Các bị can (từ trái qua hàng trên): Hoàng Thị Thúy Lan, Lê Duy Thành, Cao Khoa, Đặng Văn Minh cùng các bị can khác. (Ảnh: bocongan.gov.vn)

3 bị can bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, gồm: ông Phạm Văn Vọng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; ông Ngô Đức Vượng và ông Nguyễn Hoãn Khánh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ.

Ngoài ra, các bị can như ông Bùi Minh Hồng, cựu Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường, và nhiều cựu quan chức khác tại Vĩnh Phúc bị truy tố tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Cáo trạng nêu rõ ông Hậu lợi dụng mối quan hệ, dùng tiền và lợi ích vật chất để móc nối, cấu kết với quan chức, chỉ đạo nhân viên hoặc phối hợp với các đơn vị khác vi phạm quy định về đấu thầu và kế toán.

Các quan chức nhận hối lộ đã can thiệp trái pháp luật, tạo điều kiện cho Phúc Sơn trúng thầu dù không đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm.

Tại Vĩnh Phúc, bà Hoàng Thị Thúy Lan nhận hối lộ từ năm 2017 đến 2022 để hỗ trợ dự án Chợ đầu mối và các dự án khác.

Ông Lê Duy Thành nhận tiền từ 2021 đến 2023 để đẩy nhanh thu hồi đất và điều chỉnh quy hoạch.

VKSND Tối cao chỉ ra các sai phạm của ông Hậu và đồng phạm làm giảm niềm tin của người dân, gây bức xúc dư luận. Ngoài ra, còn có sơ hở trong các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý xây dựng, đấu thầu, thuế và định giá tài sản, tạo điều kiện cho hành vi phạm tội.

Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Vĩnh Long không kịp thời phát hiện sai phạm của Phúc Sơn để xử lý.

Phạm Toàn

Phạm Toàn

Published by
Phạm Toàn

Recent Posts

Ngoại trưởng Rubio: Thỏa thuận khoáng sản là ‘bước quan trọng để chấm dứt chiến tranh’

Thỏa thuận về tài nguyên thiên nhiên được ký kết giữa Washington và Kiev là…

8 phút ago

Mỡ bò có tốt hơn dầu thực vật không? Sự thật làm thay đổi nhận thức của bạn

Từ trước đến nay, dầu thực vật luôn được xem là thực phẩm lành mạnh,…

8 phút ago

Nga bác bỏ khả năng Ukraine trở lại biên giới năm 1991

Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Năm (1/5) tuyên bố Moskva sẽ không cho phép…

18 phút ago

Cuộc chiến thuế quan: Làn sóng đòi lương nổi lên ở Trung Quốc

Cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung bùng nổ, các trường hợp nợ lương, nhân…

3 giờ ago

BV Bạch Mai 2 được đầu tư 1.100 tỷ đồng trang thiết bị, hoạt động từ tháng 11/2025

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam, khởi công từ năm 2014…

3 giờ ago

Đài Á Châu Tự do sẽ đóng cửa các kênh tiếng Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ

Đài Á Châu Tự do thông báo rằng họ sẽ buộc phải đóng cửa bộ…

3 giờ ago