Sau phiên phúc thẩm, bị cáo bị Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Phước chuyển từ án treo lên án tù giam. Bị cáo nhiều lần đến trụ sở tòa phản đối, sau đó xảy ra việc uống thuốc trừ sâu tự tử.
Người tự tử tại tòa án tỉnh Bình Phước là anh Mạc Văn Hòa (SN 1988, ngụ huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước), là bị cáo trong vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra vào chiều ngày 7/7/2019.
Ngày 8/5/2020, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, TAND huyện Phú Riềng xác định bị cáo Hào đã dùng dao đâm một người bị thương tích 15%, tuyên phạt Hào 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội cố ý gây thương tích.
Cho rằng bản án sơ thẩm quá nhẹ, không đúng tội, ngày 11/5, bị hại Nguyễn Viết Sao có đơn kháng cáo, đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo, xử tù có thời hạn, không cho hưởng án treo.
Ngày 12/8, TAND tỉnh Bình Phước mở phiên tòa xét xử phúc thẩm. Tại tòa, bị cáo Hào thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và xin HĐXX cho bị cáo được hưởng án treo. Còn người bị hại vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Mạc Văn Hào 30 tháng tù giam vì tội Cố ý gây thương tích.
Cho rằng án phạt nặng, anh Hòa và người thân nhiều lần đến tòa án tỉnh phản đối bản án, không chấp nhận bản án do phải nuôi 2 con nhỏ (đã ly hôn). Khoảng 14h chiều 24/8, Mạc Văn Hào cùng hơn 10 người khác tiếp tục đến tòa phản kháng. Trong khi gây hấn, anh Hào uống lọ thuốc trừ sâu mang theo tự tử.
Công an, cán bộ tại tòa đã xúc rửa miệng, đưa anh Hào đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước. Theo bác sĩ tại bệnh viện, sau khi được cấp cứu bằng cách súc ruột và uống nhiều nước để giải độc, đến 21h cùng ngày, bệnh nhân Hào đã có thể nói được, không còn nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ lưu ý bệnh nhân qua nguy hiểm có thể vì đó là loại thuốc trừ sâu dạng nhẹ, song chưa thể nói trước điều gì vì thuốc trừ sâu có thể ngấm từ từ. Hiện bệnh nhân Hào được chuyển lên phòng chăm sóc đặc biệt để tiếp tục theo dõi.
Báo Tuổi Trẻ dẫn nội dung vụ án cho biết chiều ngày 7/7/2019, anh Hào đi dự tiệc liên hoan ở thôn Phước Tịnh (xã Bình Tân, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước).
Trong lúc liên hoan, chị Trần Thị Chiến lên hát. Anh Hào nói chị Chiến cho hát cùng, hai tay ôm eo chị Chiến nhưng chị Chiến không đồng ý nên Hào đi về bàn uống rượu. Sau đó, Hào đến mời rượu chị Chiến nhưng chị Chiến không uống mà hắt ly rượu vào người của Hào. Lúc này, Hào ghì đầu chị Chiến xuống và tát vào mặt chị Chiến.
Thấy vậy, anh Nguyễn Viết Sao (em họ của chị Chiến) ở phía sau đi lên, đấm vào người Hào. Những người khác can ngăn. Sau đó, Hào đến hòa giải với Sao nhưng Sao không nói chuyện mà cãi nhau với Hào nên Hào về nhà.
Khi về đến nhà, nghĩ lại việc bị Sao đánh, anh Hào xuống bếp cầm theo 1 con dao và 1 cái kéo quay lại chỗ liên hoan. Đến nơi, Hào đi từ phía sau cầm dao đâm vào lưng của Sao, dẫn đến hai bên vật lộn nhau. Sau vụ việc, Hào bỏ về nhà, còn Sao được mọi người đưa đi cấp cứu.
Theo kết quả giám định pháp y, anh Sao bị thương tích 15%.
HĐXX phúc thẩm cho rằng hành vi của bị cáo Hào đã cấu thành tội cố ý gây thương tích. Mâu thuẫn không lớn và đã được mọi người can ngăn nhưng bị cáo đã chuẩn bị 2 công cụ là dao (loại dao chọc tiết động vật) và kéo làm hung khí, là những công cụ dễ gây sát thương.
HĐXX cho rằng bị cáo phải nhận thức tính nguy hiểm này, nhưng vẫn cố ý thực hiện, thể hiện sự coi thường sức khỏe và tính mạng của người khác. Do đó, HĐXX xác định hành vi của bị cáo mang tính chất côn đồ và cho rằng cấp sơ thẩm cho bị cáo hưởng án treo là chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo.
“Chúng tôi thấy rằng bị cáo dùng dao đâm bị hại, đây là hung khí nguy hiểm nên tòa sơ thẩm xử án treo là quá nhẹ, không tương xứng với hành vi phạm tội” – một thẩm phán lý giải về việc sửa bản án sơ thẩm, báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời.
Từ đó, HĐXX đã chấp nhận một phần kháng cáo của người bị hại, sửa bản án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Mạc Văn Hào 2 năm 6 tháng tù về tội cố ý gây thương tích.
Cũng báo Pháp luật TP.HCM cho biết theo một lãnh đạo của VKSND tỉnh Bình Phước, tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKS đề nghị cho bị cáo Hào được hưởng án treo.
Ba tháng trước, chiều 29/5/2020, bị cáo Lương Hữu Phước (55 tuổi, ngụ TP Đồng Xoài) đã tự vẫn tại TAND tỉnh Bình Phước sau 3 năm kháng cáo bất thành. Lời nhắn cuối cùng của ông Phước là tự tử để “làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước”. Vụ việc gây chấn động dư luận khi nhiều tình tiết có dấu hiệu oan sai được phân tích sau đó, khắc sâu thêm ấn tượng về tình trạng án oan của ngành tư pháp.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…