Thẩm phán tham gia xét xử 2 vụ án, 2 người tự vẫn sau khi tòa tuyên án
- Nguyễn Quân
- •
Cách nhau 5 năm nhưng cùng chung kết cục, trước vụ việc ông Lương Hữu Phước tìm đến cái chết sau phiên tòa phúc thẩm, một người đàn ông đã tìm đến cái chết trước đó sau khi TAND tỉnh Bình Phước tuyên án. Điều đáng chú ý, cả hai vụ án đều có sự tham gia xét xử của thẩm phán Lê Viết Hòa, người hiện giữ vị trí Phó Chánh án TAND tỉnh Bình Phước.
Kết cục sau 3 năm kêu oan của nạn nhân bị tông xe song bị tuyên án
Công an tỉnh Bình Phước đang điều tra nguyên nhân bị cáo Lương Hữu Phước (SN 1965, ngụ phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài, Bình Phước) nhảy lầu tự tử tại trụ sở TAND tỉnh Bình Phước vào chiều 29/5, sau 3 năm kháng cáo, kêu oan. Buổi sáng cùng ngày, tòa phúc thẩm tuyên y án ông Phước 3 năm tù.
Theo nội dung vụ án, ngày 15/1/2017, sau khi uống rượu, ông Lương Hữu Phước điều khiển xe máy chở ông Trần Hữu Quý về nhà ông Quý ở đường Nguyễn Huệ thuộc KP Suối Đá, phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
Ông Phước rẽ trái sang đường, khi tới phần đường dành cho xe đi ngược chiều thì bị xe máy do anh Lâm Tươi điều khiển, chở anh Tiếp Trị đụng vào gây tai nạn, khiến ông Lương Hữu Phước và ông Trần Hữu Quý bị thương. Ngày 17/1/2017, ông Quý tử vong do vỡ xương sọ, dập não xuất huyết.
Ngày 9/5/2017, Cơ quan CSĐT Công an TP Đồng Xoài đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lương Hữu Phước để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Ngày 29/3/2018, TAND TP. Đồng Xoài xét xử sơ thẩm vụ án và tuyên án ông Phước 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Ông Phước kháng cáo kêu oan.
Ngày 9/10/2018, TAND tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm lần 1, hủy bản án sơ thẩm lần 1 để điều tra, xét xử lại. Bản án này nêu ra 11 điểm thiếu sót trong việc điều tra thu thập chứng cứ, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (lời khai của bị cáo và các nhân chứng có nhiều điểm mâu thuẫn, biên bản khám nghiệm phương tiện thể hiện không đầy đủ nên kết quả điều tra và bản án sơ thẩm xác định bị cáo chuyển hướng không bật đèn xi nhan là chưa đủ căn cứ, cơ quan điều tra chưa điều tra làm rõ để xác định hướng va chạm của xe do Lâm Tươi lái đối với chiếc xe do bị cáo Phước lái…).
Luật sư Dương Vĩnh Tuyến – người bào chữa cho ông Phước cho rằng bản cáo trạng của VKSND TP Đồng Xoài không đúng với biên bản thực nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, biên bản khám nghiệm ban đầu. Ông Tuyến cho rằng nguyên nhân vụ tai nạn là do Lâm Tươi chạy sai làn đường, bất ngờ rẽ trái và do Lâm Tươi đã uống rượu, lái xe với tốc độ cao nên đã tông vào xe của bị cáo.
Ngày 6/12/2019, TAND TP Đồng Xoài xét xử sơ thẩm lần 2, tuyên y án sơ thẩm lần 1, phạt ông Lương Hữu Phước 3 năm tù. Ông Phước tiếp tục kháng cáo kêu oan.
Sáng 29/5/2020, TAND tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm lần 2. HĐXX gồm 3 thẩm phán: thẩm phán Lê Hồng Hạnh (chủ tọa); thẩm phán Lê Viết Hòa và thẩm phán Phạm Tiến Hiệp (Trưởng phòng Giám đốc kiểm tra TAND tỉnh Bình Phước), tuyên y án sơ thẩm.
Chiều 29/5, ông Phước đến trụ sở TAND tỉnh Bình Phước mang theo chai thuốc trừ sâu đến tòa uống và nhảy từ lầu 2 xuống tự vẫn.
Luật sư Tuyến cho biết sau khi nghe tòa tuyên y án, ông và thân chủ dự định sẽ kháng cáo giám đốc thẩm. Tuy nhiên, dòng trạng thái cuối cùng ông Phước viết trên Facebook cá nhân trước khi tự sát: “Nếu cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chứ”.
Tranh chấp đất đai: 2 năm sau một mạng người, kết luận thanh tra khẳng định đất của người tự sát
Theo hồ sơ vụ án, năm 1999, ông Bùi Lũy sang nhượng cho vợ chồng ông Võ Chánh (52 tuổi) khoảng 48 m2 đất (chưa được cấp chủ quyền) tại tổ 5 KP.Tân Bình, P.Tân Bình, TX.Đồng Xoài (nay là TP.Đồng Xoài).
Năm 2001, ông Lũy được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 425 m2, trong đó có cả diện tích đã chuyển nhượng ông Chánh. Sau đó, ông Lũy tiếp tục chuyển nhượng cho nhiều người đồng thời bán thêm cho ông Chánh đủ 100 m2 (có ra UBND P.Tân Bình làm hợp đồng mua bán).
Đến năm 2009, nhà nước thu hồi của ông Chánh 49,7 m2; phần còn lại gia đình ông Chánh vẫn ở.
Năm 2011, Lê Quang Dinh (người mua 232,5 m2 đất của ông Huỳnh Thế Sang, ông Sang mua từ ông Lũy) tranh chấp phần diện tích đất gia đình ông Chánh đang ở. Chính quyền địa phương hòa giải nhưng không thành. Sau đó, vợ chồng ông Dinh khởi kiện vợ chồng ông Chánh.
Ngày 25/9/2014, TAND TX.Đồng Xoài xét xử sơ thẩm vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất”. Thẩm phán Văn Phú Vinh và 2 Hội thẩm nhân dân Võ Thị Xuân, Trần Sỹ Trinh tuyên vợ chồng ông Chánh phải trả cho vợ chồng ông Dinh diện tích 39,5 m2. Ông Chánh kháng cáo.
Ngày 21/7/2015, TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm, HĐXX gồm 3 thẩm phán: Hoàng Minh Thịnh, Lê Viết Hòa và Nguyễn Văn Khương đã tuyên không chấp nhận kháng cáo của vợ chồng ông Võ Chánh, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND thị xã Đồng Xoài.
Uất ức trước kết luận của tòa án, khoảng 5h ngày 26/7/2015, ông Chánh sang nhà ông Dinh. Tại đây giữa 2 bên cãi vã rồi xô xát. Sau đó, ông Chánh nằm chết gục trên vũng máu. Cơ quan điều tra tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi xác định ông Chánh gây thương tích cho gia đình ông Dinh rồi dùng dao tự sát.
Trong quá trình thi hành án, bà Đào Thị Xuân (vợ ông Chánh) tuyên bố sẽ tự sát như chồng mình vì không còn chỗ ở nào khác. Người dân tại địa phương cũng cho rằng bản án sơ thẩm và phúc thẩm không khách quan, không đúng với thực tế sử dụng đất của nguyên đơn lẫn bị đơn.
Để giải quyết những bức xúc này, ngày 6/9/2017, UBND TX.Đồng Xoài thành lập đoàn thanh tra xác minh nguồn gốc sử dụng đất của gia đình ông Võ Chánh và trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ liên quan.
Kết luận thanh tra cho biết diện tích đất mà tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm tuyên buộc vợ chồng ông Võ Chánh trả cho vợ chồng ông Lê Quang Dinh thuộc quyền quản lý, sử dụng của ông Chánh mua của ông Bùi Lũy từ năm 1999. Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho biết chữ ký và chữ viết tên của ông Chánh trên biên bản đo đạc trong hồ sơ chuyển nhượng đất từ ông Bùi Lũy cho ông Huỳnh Thế Sang không phải của ông Chánh.
Theo đó, ngày 13/9/2018, UBND TX.Đồng Xoài gửi văn bản kiến nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM ra quyết định kháng nghị, hủy bản án sơ thẩm của TAND TX.Đồng Xoài và bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Phước, giao hồ sơ về TAND TP Đồng Xoài xử lại sơ thẩm.
Thẩm phán Lê Viết Hòa nói gì?
Sau vụ việc tự sát của bị cáo Lưu Hữu Phước, tại buổi họp báo ngày 30/5, TAND tỉnh Bình Phước khẳng định HĐXX phúc thẩm không xử oan ông Phước, mà “công tâm, vô tư, khách quan và dựa trên nguyên tắc tôn trọng chứng cứ”.
Việc không khởi tố Lâm Tươi vì tội vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ có 4 yếu tố cấu thành tội phạm, Thẩm phán Lê Hồng Hạnh (chủ tọa) cho biết quan trọng nhất là lỗi trực tiếp gây nên cái chết cho nạn nhân; lỗi là do bị cáo Phước đã qua đường nhưng không quan sát.
Ông Lê Viết Hòa nói các thành viên trong HĐXX với tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ hồ sơ và đã đánh giá vụ án khách quan, công tâm.
Khi có phóng viên nhắc lại một vụ án trước đây ông cũng có mặt trong HĐXX và một người cũng tự tử khi nhận bản án, thẩm phán Lê Viết Hòa nói đó là sự trùng hợp và sự nhìn nhận bi quan của đương sự.
Hiện Thẩm phán trung cấp Lê Viết Hòa, Chánh án TAND huyện Phú Riềng giữ chức Phó chánh án TAND tỉnh Bình Phước, nhiệm kỳ 5 năm (được bổ nhiệm vào tháng 3/2019).
Nguyễn Quân (Theo Thanh Niên, Tiền Phong)
Từ khóa Lương Hữu Phước tự sát sau phiên tòa TAND tỉnh Bình Phước