Từ đầu năm đến nay, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và bão lũ gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên phạm vi cả nước, ghi nhận thiệt hại hơn 23.800 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 8/2016, thiên tai – đặc biệt là cơn bão số 1, số 2 và số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống dân cư, nhất là tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Trung du và miền núi phía Bắc.
Tính chung 8 tháng đầu năm nay, ghi nhận thiệt hại trong các loại hình thiên tai có 90 người chết, mất tích và 223 người bị thương; hơn 1,6 ngàn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; và 81,8 ngàn ngôi nhà bị sạt lở, tốc mái; 200,3 ngàn ha lúa; 49,7 ngàn ha hoa màu và 18,8 ngàn ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng; 36 ngàn con gia súc; 198 ngàn gia cầm và hơn 854 tấn thủy sản các loại bị chết. Chưa kể thiệt hại do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, tổng giá trị thiệt hại trong 8 tháng đầu năm ước tính gần 8.700 tỷ đồng.
Trong đó, chỉ trong vòng 10 ngày từ 27/7 đến 05/8, riêng bão số 1 và bão số 2 gây thiệt hại rất lớn cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam. 21 người chết, mất tích và 81 người bị thương; gần 500 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 41,3 ngàn ngôi nhà bị sạt lở, tốc mái; hơn 170 ngàn ha lúa; 29,7 ngàn ha hoa màu và gần 8 ngàn ha cây lâm nghiệp, cây ăn quả bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại tính trong cơn bão số 1 và số 2 khoảng 6.900 tỷ đồng, trong đó Thái Bình thiệt hại 2.438 tỷ đồng; Nam Định thiệt hại 2.408 tỷ đồng.
Bão số 3 từ ngày 19/8 gây ngập úng và sạt lở đất nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi phía Bắc với tổng thiệt hại khoảng 153 tỷ đồng.
Các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ trong 5 tháng đầu năm 2016 ghi nhận thiệt hại kỷ lục do hạn hán và xâm nhập mặn, tính đến ngày 27/5, người dân đã mất hơn 15.100 tỷ đồng.
Theo báo cáo Tình hình kinh tế – xã hội 5 tháng đầu năm 2016 của Tổng cục Thống kê, tại Đồng bằng sông Cửu Long, tính đến trung tuần tháng 5, Bến Tre là tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 98% diện tích lúa xuống giống bị mất trắng vì nhiễm mặn, sản lượng lúa Đông – Xuân chỉ đạt 800 tấn, bằng 1% so với vụ Đông – Xuân năm trước.
Tình trạng xâm nhập mặn khiến hoạt động sản xuất nuôi tôm nước lợ bị ảnh hưởng nặng nề. Cà Mau bị giảm tới 68,8% sản lượng tôm thẻ chân trắng so với cùng kỳ năm trước (chỉ đạt 11,1 ngàn tấn), Bạc Liêu giảm 48,6% tôm thẻ chân trắng và 43,3% sản lượng tôm sú.
Ghi nhận vào thời điểm cuối tháng 5/2016, các hồ Sông Biêu, Tà Ranh, Suối Lớn (Ninh Thuận), Sông Móng, Sông Phan, Tà Mon (Bình Thuận) đã cạn nước. Hàng loạt các hồ chứa vừa và lớn thuộc khu vực Trung Bộ có dung tích trữ rất thấp như: Sông Trâu (Phú Yên – Khánh Hòa) chỉ đạt 5%, Lanh Ra (Khánh Hòa) 11%; Ea Kao (Đắk Lắk) 17%; Đắk Lô (Lâm Đồng) 16%,…
Thủy Minh
Xem thêm:
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…