Cái chết của nữ sinh viên 18 tuổi phản ánh vấn đề kinh niên của xã hội Trung Quốc: lừa đảo
Từ Ngọc Ngọc xuất thân từ một gia đình nghèo ở tỉnh Sơn Đông có mẹ bị tàn tật và bố chạy việc vặt. Lẽ ra tháng 9 này, cô đã là sinh viên của trường Đại học Bưu chính Viễn thông Nam Kinh.
Trưa ngày 19/8, Ngọc nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là bên phòng giáo vụ của nhà trường, yêu cầu cô chuyển tiền đóng chi phí hỗ trợ tài chính. Trước đó Ngọc vừa nhận được cuộc gọi thông báo đóng tiền học phí nên không mảy may nghi ngờ gì.
Ngọc theo hướng dẫn chuyển tổng số tiền 9.900 nhân dân tệ (khoảng 33 triệu đồng) vào tài khoản của người đàn ông gọi điện. Sau đó ông ta tắt máy.
Tối muộn hôm đó, Ngọc và mẹ đến đồn cảnh sát để trình báo. Trên đường trở về nhà, Ngọc ngã khụy trên chiếc xe 3 bánh của hai mẹ con. Cô qua đời 2 ngày sau đó trong bệnh viện.
Theo lời bà Lý Tự Vân, mẹ của Ngọc kể lại, cô đã khóc và nói: “Gia đình tôi đã không khá giả gì, sao có người lại còn muốn lừa tôi!” Bác sĩ nói Ngọc chết vì tim và phổi đột nhiên ngừng hoạt động, nhưng bà Vân tin rằng con mình chết vì sự việc này là cú giáng quá mạnh đối với cô. Cô vẫn rất khỏe mạnh trước khi chết.
Bi kịch của Ngọc phản ánh vấn nạn của xã hội Trung Quốc hiện nay: Thông tin cá nhân dễ dàng bị rò rỉ ra ngoài, một phần cũng vì hình phạt quá nhẹ. Tháng 10/2015, Trung Quốc ban hành luật hình sự đối với tội tiết lộ thông tin cá nhân trái phép, mức phạt cao nhất là 7 năm tù ngoài tiền nộp phạt.
Năm 2013, Tân Hoa Xã đưa tin, chính quyền Trung Quốc đã có một cuộc càn quét hơn 1.100 đối tượng tình nghi chiếm đoạt bất hợp pháp và bán thông tin cá nhân tại 21 tỉnh thành. Tháng 6/2016, truyền thông nhà nước tiếp tục đưa tin về cuộc điều tra xuyên tỉnh khác, trong đó 379 người đã bị bắt từ 11 tỉnh thành vì ăn cắp và bán hơn 110 triệu mẩu thông tin cá nhân.
Tuy nhiên, những đợt càn quét của chính quyền cũng không làm tình hình giảm nhẹ đi, nhiều báo cáo về việc người dân trở thành nạn nhân bị lừa, hay đơn giản hơn là bị quấy rối qua điện thoại vẫn tiếp diễn nhiều và thường xuyên.
Ông Vương, người mua nhà 3 năm trước ở khu tự trị Tây Bắc Tân Cương nói trên cổng thông tin Tencent vào tháng 7/2016 rằng “Có đôi lúc tôi nhận được 7-8 cuộc gọi một ngày. Có lần tôi bị gọi 10 lần trong một tuần từ một công ty trang trí nội thất.“
Ông Vương không biết vì sao những công ty này có được số điện thoại của mình, nhưng điều tra bởi Tencent cho thấy những công ty bất động sản bán thông tin khách hàng với giá 5 – 10 nhân dân tệ (khoảng 17.000 – 33.000 đồng) cho một mẩu thông tin khách hàng.
Châu Lý (bút danh) đang mang thai. Cô cho biết mình nhận được điện thoại dồn dập từ các trung tâm chăm sóc sức khỏe và sữa bột, theo Pennisula Morning Daily đưa tin vào tháng 1/2015. Khi Châu hỏi những người gọi điện vì sao có được số điện thoại của cô, kể cả tên chồng cô và ngày dự sinh, họ từ chối không trả lời.
Trên trang blog Sina Weibo nổi tiếng của Trung Quốc, rất nhiều cư dân mạng cảm thấy bất bình. Một số người quyết định chia sẻ họ hoặc người quen của họ đã trở thành nạn nhân bị lừa gạt thế nào. Một cư dân mạng ở Tây Tạng viết: “Tôi có người bạn bị lừa 4.000 nhân dân tệ, đã 3 tháng kể từ khi anh ấy báo cáo với cảnh sát. Và câu trả lời vẫn chỉ là đợi, đợi và đợi thêm nữa.”
Một số người gắn trách nhiệm này cho chính quyền Trung Quốc. Một cư dân mạng ở phía bắc trung tâm Cam Túc viết: “Đây là kết quả của việc chính quyền không có hành động gì cả”.
Một cư dân mạng khác ở tỉnh Sơn Đông viết: “Bác Vương không nên cử ai đó đi điều tra Bộ Công nghệ Thông tin hay sao? Những quan chức này đang làm gì?” Người này muốn đề cập đến ông Vương Kỳ Sơn, người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng.
Mẹ của Ngọc hy vọng rằng cảnh sát sẽ sớm phá án. “Kẻ lừa đảo ấy đã cướp đi sinh mệnh con gái tôi”. Bà Vân nói “Anh ta không có lương tâm và cần phải bị bắt sớm để không làm hại ai được nữa”.
Bảo Minh
Xem thêm:
Từ khóa Xã hội Trung Quốc Người Trung Quốc Thông tin cá nhân lừa đảo