6 cá thể sếu đầu đỏ. (Ảnh: dongthap.gov.vn)
Trong 6 cá thể sếu đầu đỏ từ Thái Lan đưa về Tràm Chim (Đồng Tháp) có 3 cá thể trống và 3 cá thể mái.
Sáng ngày 20/4, Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) đã tổ chức lễ tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ đầu tiên từ Thái Lan, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực bảo tồn và phát triển loài chim quý hiếm này tại Việt Nam.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Đề án “Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032” do UBND tỉnh Đồng Tháp triển khai.
6 cá thể sếu đầu đỏ, gồm 3 trống và 3 mái, khoảng 7 tháng tuổi, được nhân nuôi tại Vườn thú Nakhon Ratchasima, tỉnh Korat, Thái Lan.
Ngày 10/4, đàn sếu được vận chuyển về Việt Nam trên chuyến bay VN606 của Vietnam Airlines từ sân bay Suvarnabhumi (Bangkok) đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Để đảm bảo an toàn, mỗi cá thể được nhốt trong thùng gỗ có lớp đệm chống va đập và lỗ thông gió, và có bác sĩ thú y đi cùng.
Sau khi hạ cánh, đàn sếu được chuyển đến Thảo Cầm Viên Sài Gòn để cách ly kiểm dịch trong 10 ngày.
Đến ngày 19/4, sau khi xác nhận sức khỏe ổn định, 6 cá thể sếu đã được đưa về Vườn Quốc gia Tràm Chim để tiếp tục chăm sóc và thực hiện công tác bảo tồn.
Về cơ sở vật chất, Tràm Chim đã xây dựng chuồng nuôi sếu non, chuồng ghép đôi, chuồng cứu hộ, phòng thuốc, kho dự trữ thức ăn và hệ thống giám sát.
Các chuồng được trải thảm cỏ, bể nước, hệ thống khử khuẩn và thêm hệ cây xanh tự nhiên, kiểu bán hoang dã cho các cặp sếu trưởng thành.
Ngoài ra, hệ thống camera sẽ kết nối đến từng chuồng nuôi, cho phép nhân viên kỹ thuật theo dõi liên tục, ghi nhận và báo cáo định kỳ.
Đề án đặt mục tiêu trong 10 năm sẽ nuôi và thả 100 con sếu, trong đó 60 con do Thái Lan chuyển giao. Tỉnh này đặt kỳ vọng 50% trong số này sẽ sống sót và tự gầy đàn ngoài tự nhiên.
Sếu đầu đỏ nổi bật với đầu và cổ trụi lông màu đỏ, cánh và đuôi có vằn xám. Con trưởng thành cao 1,5-1,8 m, sải cánh 2,2-2,5 m, nặng 8-10 kg. Sếu bắt cặp sinh sản từ ba tuổi, nuôi con trong một năm trước khi đẻ lứa mới.
Sếu đầu đỏ từng là biểu tượng của Vườn Quốc gia Tràm Chim, với số lượng cá thể ghi nhận cao nhất lên tới 1.058 con vào năm 1988.
Đây là giai đoạn Tràm Chim xuất hiện nhiều sếu đầu đỏ nhất trong khu vực hạ lưu sông Mekong.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, số lượng sếu đầu đỏ tại Tràm Chim ngày càng suy giảm. Từ năm 2000-2012, trung bình mỗi năm có 103 con; từ 2013-2020, con số giảm còn 13 con mỗi năm. Đặc biệt, năm 2021 chỉ ghi nhận 3 cá thể, và năm 2022 không có cá thể sếu nào xuất hiện tại Tràm Chim.
Ở Thái Lan, sếu đầu đỏ từng tuyệt chủng trong tự nhiên. Tuy nhiên, từ năm 2011, chương trình phục hồi sếu được triển khai. Đến năm 2020, khoảng 100 cá thể đã sinh sống và có khả năng sinh sản ngoài tự nhiên.
Giáo hoàng Francis, nhà lãnh đạo người Mỹ La tinh đầu tiên của Giáo hội…
Ông Yuri Ushakov, trợ lý hàng đầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho rằng…
Đảng Dân chủ Hoa Kỳ đã bày tỏ sự thất vọng về việc cựu Tổng…
Các hãng hàng không Trung Quốc đã bắt đầu hoàn trả phi cơ Boeing về…
Mới đây một phó bí thư phường Ái Quốc, quận Hà Sơn, Tp. Trạm Giang,…
Gần đây, một công ty sản xuất xuất khẩu 18 năm tuổi ở Đông Quản,…