Búp chè (hay còn gọi măng của cây chè) được lấy từ cây chè cổ phát hiện ở Vườn quốc gia Tam Đảo. (Ảnh: thainguyen.gov.vn)
18 cây chè cổ thụ được phát hiện trên núi Tam Đảo có vanh gốc cây từ 0,8 – 1,3 m, được nhận định là giống chè Shan quý hiếm.
Các thành viên Hội Chè Đại Từ cùng nhà nghiên cứu của Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên vừa có chuyến khảo sát tại Vườn quốc gia Tam Đảo (xã La Bằng, huyện Đại Từ, Thái Nguyên).
Theo đó, đoàn khảo sát đã tìm thấy một quần thể gồm 18 cây chè cổ thụ, sinh sống trên độ cao hơn 1.300 m so với mực nước biển, có vanh gốc cây từ 0,8 – 1,3 m.
PGS-TS Hà Duy Trường, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi, Trường đại học Nông lâm Thái Nguyên, cho biết qua khảo sát, đo đếm một số chỉ tiêu, đặc biệt là đo vanh gốc, với cây chè khoảng 1 – 1,3 m thì độ tuổi cây khoảng hơn 200 năm. Những cây chè có vanh gốc nhỏ hơn, khoảng 0,8 m trở lên thì tuổi từ 150 – 200 tuổi.
Theo PGS-TS Hà Duy Trường, để xác định chính xác tuổi cây chè cổ thụ này phải sử dụng công nghệ khoan thân cây để lấy vân gỗ đánh giá.
Hiện nay, đoàn khảo sát xác định tuổi cây qua đánh giá cảm quan kết hợp với thông tin trao đổi với người dân địa phương, nghệ nhân trồng chè đều có chung nhận định quần thể chè cổ thụ ở núi Tam Đảo trên 200 tuổi.
Ông Trường cho biết đánh giá ban đầu của nhà khoa học qua quan sát mẫu lá, cành và búp thì những cây chè này rất giống một dòng chè Shan quý, có thể là giống chè Shan xanh hoặc Shan trắng thường sinh sống trên độ cao hơn 1.200m so với mặt nước biển.
Tuy nhiên, để xác định được quần thể cây chè này thuộc giống chè Shan nào thì phải giải trình tự hệ gen để đánh giá chính xác nhất.
Trước đó, hồi năm 2024, một quần thể chè cổ thụ khác cũng được phát hiện trên núi Bóng, xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, với những cây chè có chu vi gốc lên tới 1m và chiều cao từ 20 đến 25 m, cũng được xác định có tuổi đời trên 200 năm.
PGS. TS Hà Duy Trường nói 2 giống chè ở núi Tam Đảo và núi Bóng khác nhau về đặc điểm hình thái lá.
Chè cổ mới phát hiện trên đỉnh Tam Đảo lá có răng cưa chìm, búp chè hình măng được bọc bởi lớp vỏ cứng hay gọi là măng trà, còn chè núi Bóng có răng cưa rõ và thưa, hình thành búp chè thông thường.
Lá chè ở núi Tam Đảo bản lá dày, còn chè núi Bóng thì lá mỏng dài và đầu lá nhọn.
“Ban đầu, tôi nhận định 2 giống khác nhau về đặc hình thái, tuy nhiên muốn xác định khác biệt chính xác nhất thì cần phải giải trình tự nguồn gen”, ông Trường nói.
Theo nhiều nhà khoa học, việc phát hiện quần thể cây chè cổ trên núi Tam Đảo, thuộc xã La Bằng (huyện Đại Từ) có ý nghĩa rất lớn. Đây là tiền đề cho công tác nghiên cứu để đánh giá lịch sử xuất hiện cây chè tại Thái Nguyên.
Tại Việt Nam, chè Shan hiện nay thường là loại cây cổ thụ, có nhiều ở các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái. Cây mọc cao vài mét đến hàng chục, vài chục mét, khi hái chè phải trèo hẳn lên cây. Nhiều nơi có những gốc chè vài người ôm không xuể với độ tuổi từ vài trăm năm đến cả nghìn năm. Chè Shan thường sinh sống ở khu vực có độ cao hơn 1.200m, khí hậu mát, mây mù bao phủ.
Quang Linh Vlogs và TikToker Hằng Du Mục bị khởi tố, bắt tạm giam vì…
Bộ Thương mại Trung Quốc hôm thứ Năm (3/4) đã yêu cầu Tổng thống Donald…
Nhu cầu cát san lấp tại TP. Cần Thơ được xác định lên tới khoảng…
Các nhà lãnh đạo của Nga và Ukraine đã sẵn sàng đạt thỏa thuận hòa…
Có lý do khiến bạn không ngủ được vào ban đêm. Bạn đã từng khổ…
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio đã trấn an các quốc gia thành viên NATO…