Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở cửa xả lũ từ ngày 18/7 được cho là nguyên nhân khiến lượng bùn tăng lên, làm hàng trăm tấn cá lồng nuôi của các hộ dân tại hai tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ chết hàng loạt, thiệt hại hàng tỷ đồng.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, để đảm bảo an toàn phòng chống lũ cho vùng đồng bằng sông Hồng và TP. Hà Nội, ngoài nhiệm vụ chính của hệ thống đê điều bảo vệ trực tiếp thì hệ thống bậc thang 07 hồ chứa phía thượng nguồn với tổng dung tích hàng năm dành để cắt lũ cho hạ du là 8,45 tỷ m3 có vai trò quan trọng. Trong đó, bậc thang Sơn La – Hòa Bình: 7,0 tỷ m3; Tuyên Quang: 1,0 tỷ m3; Thác Bà: 0,45 tỷ m3.
Trước tình hình mưa lũ kéo dài liên tục từ giữa tháng 6/2017 đến nay (trên 40 ngày), ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 và cơn áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên biển Đông, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã cho vận hành liên hồ chứa trên sông Đà.
Theo đó, thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình đã mở các cửa xả đáy. Hồ Hòa Bình mở 2 cửa xả: 1 cửa mở lúc 18h ngày 18/7; cửa 2 mở vào lúc 6h ngày 19/7, đồng thời phát điện hết công suất 8/8 tổ máy. Hồ Sơn La mở 1 cửa xả lúc 8h ngày 19/7, phát điện hết công suất 6/6 tổ máy vào ban ngày và phát điện qua các tổ máy tối thiểu 1.700 m3/s vào ban đêm.
Lệnh mở cửa xả được thông báo đến các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương và Hải Phòng để chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn vùng hạ du.
Tính đến thời điểm 13h ngày 21/7, mực nước hồ Hòa Bình ở mức 106,31 m – còn cao hơn mực nước cho phép 5,31 m. Tại hồ Sơn La, mực nước lúc 13h ngày 21/7 là 201,03 m – còn cao hơn mực nước cho phép 3,73 m.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, sau 2 ngày xả lũ, 194 trọng điểm xung yếu về đê điều của 13 tỉnh (Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng) thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình vẫn an toàn và được theo dõi sát sao.
Theo ghi nhận, mực nước tại Hà Nội lúc 7h ngày 21/7 là 6,49 m (dưới mức báo động 1: 3,01 m). Mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại lúc 7h ngày 21/7 là 2,72 m (dưới mức báo động 1: 1,23 m).
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết trên cơ sở dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn và tham mưu của các cơ quan tư vấn tính toán, thực hiện theo quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hồng đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du, 6h sáng ngày 22/7, thủy điện Hòa Bình mở thêm cửa thứ 3 xả lũ về hạ du và liên tục phát tối đa 8 tổ máy với tổng lưu lượng khoảng 2.400 m3/s; đồng thời tiếp tục duy trì mở 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Sơn La.
Chỉ trong 2 ngày, hàng trăm tấn cá lồng của các hộ nuôi trên sông Đà thuộc hai tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ bị chết hàng loạt.
Tại Hòa Bình, ông Hoàng Văn Son – Chi cục trưởng Thủy sản (Sở NN&PTNT Hòa Bình) cho biết tính đến 14h ngày 21/7, huyện Kỳ Sơn thiệt hại hơn 35 tấn cá, TP. Hòa Bình thiệt hại 16 tấn cá lồng nuôi trên sông Đà, trong đó có nhiều loại cá đặc sản như: cá chiên, cá lăng, cá trắm đen,…
Ông Son cho hay Chi cục đã lấy mẫu nước phân tích nguyên nhân. Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân khiến cá chết là do bị sặc nước khi hồ Hòa Bình xả lũ, dòng chảy sông Đà quá mạnh.
Tại tỉnh Phú Thọ, tính đến 12h ngày 22/7, gần 500 lồng cá dọc sông Đà tại hai huyện Thanh Sơn và Thanh Thủy bị ảnh hưởng do xả lũ, trong đó có hơn 200 lồng bị ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại khoảng 350 tấn. Các loại cá chết chủ yếu là cá da trơn như: cá lăng, cá ngạnh, cá chiên, cá tầm. Các loại cá có vảy như: trắm cỏ, trắm đen, diêu hồng, rô phi,… chết với số lượng rải rác.
Ông Nguyễn Thanh Tùng – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ) cho biết nguyên nhân được xác định là do ảnh hưởng từ việc hồ thủy điện Hòa Bình mở hai cửa xả lũ vào các ngày 18 và 19/7 khiến lượng bùn tăng lên làm cá bị ngạt khí. Chi cục Thủy sản Phú Thọ đã lấy mẫu gửi xét nghiệm để phân tích nguyên nhân.
Theo Công điện khẩn của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai ngày 22/7, hồi 9h ngày 22/7, mực nước hồ Tuyên Quang ở cao trình 109,0 m; lưu lượng đến hồ là 1.298 m3/s; lưu lượng phát điện là 468 m3/s.
Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu Thủy điện Tuyên Quang mở 1 cửa xả đáy vào lúc 14h ngày 22/7 (tùy theo tình hình diễn biến của mưa lũ thượng nguồn có thể tiếp tục mở thêm các cửa xả đáy); đồng thời theo dõi diễn biến lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu đập để kịp thời báo cáo.
Thủy Minh
Xem thêm:
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…