Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông báo đã chuyển toàn bộ “hồ sơ sai phạm” về đầu tư, đấu thầu, xây dựng, sử dụng tài chính của Đại học Tôn Đức Thắng sang cơ quan điều tra, đề nghị điều tra sai phạm.
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố thông tin trên tại cuộc họp báo quý 1, diễn ra vào chiều 22/3, truyền thông trong nước tối cùng ngày cho hay.
Ông Vũ Anh Đức, Trưởng ban Tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết việc chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra và thanh tra xử lý là theo đề nghị của Thành ủy TP.HCM.
Những sai phạm được cho là “có tính chất rất nghiêm trọng” tại trường Đại học Tôn Đức Thắng gồm: thực hiện không đúng các quy định về thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, đấu thầu, xây dựng, quyết toán đối với các công trình; việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản.
Quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi xử lý vụ việc này là làm sao thu hồi lại các tài sản của đơn vị, tránh tối đa việc thất thoát, cũng như tránh phát sinh các vấn đề phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường – ông Đức cho hay tại cuộc họp báo.
Về việc ông Lê Vinh Danh, cựu Hiệu trường trường Đại học Tôn Đức Thắng đã làm đơn khiếu nại lên TAND TP.HCM, ông Đức nói biết tin này qua báo chí. Tổng Liên đoàn Lao động cho biết vẫn giữ nguyên quyết định cách chức ông Danh, và sẽ giải quyết khiếu nại của ông này sau khi có kết luận của tòa án.
Hiện hồ sơ sai phạm liên quan cá nhân ông Danh cũng đã được cơ quan này chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết, theo đề nghị của Thành ủy TP.HCM.
Ngày 17/3, TAND TP.HCM đã gửi thông báo thụ lý vụ án khiếu kiện do ông Lê Vinh Danh đứng đơn, khởi kiện hành vi hành chính của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không thụ lý giải quyết khiếu nại lần hai.
Hồi tháng 10/2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố ông Danh “có một số vi phạm nghiêm trọng”, như vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, có biểu hiện độc đoán, áp đặt khi ký một số văn bản thể hiện việc không chấp hành các chỉ đạo của Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn; bổ nhiệm 44 cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền không thông qua Đảng ủy, đề xuất bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng không có trong quy hoạch.
Cơ quan này cũng cáo buộc ông Danh duyệt chi khoản tiền hơn 14.622 triệu đồng không đúng quy định; sử dụng hơn 10 tỷ tiền lãi từ nguồn cho vay của Tổng Liên đoàn trích lập các quỹ không đúng mục đích vay; thu nhập chênh lệch lớn giữa Hiệu trưởng, Trợ lý Hiệu trưởng với các Phó Hiệu trưởng và phần lớn cán bộ, giảng viên, nhân viên; tự duyệt chi 1.679.506.000 đồng cho 2 dự án tại tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mà không thông qua Hội đồng Trường; chỉ định thầu của hạng mục mua sắm trang thiết bị Trường quốc tế Việt Nam – Phần Lan trị trá 22.362.856.719 đồng không đúng quy định Luật Đấu thầu.
Từ đó, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kỷ luật bằng hình thức cách chức Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng đối với ông Danh (Quyết định số 1507/QĐ-TLĐ ngày 21/10/2020).
Cuối năm 2020, ông Danh đã khiếu nại Quyết định số 1507/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Ông Danh khiếu nại hai nội dung, gồm: đề nghị xem xét lại thành phần hội đồng kỷ luật; và người khiếu nại không vi phạm quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã bác nội dung khiếu nại. Ông Danh tiếp tục khiếu nại lần hai và nay khởi kiện.
Tháng 6/2019, một số cán bộ, giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng gửi đơn lên các cơ quan trung ương phản đối đơn vị chủ quản là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về một số chính sách, trong đó buộc nhà trường phải nộp 30% kết quả tài chính sau khi nộp thuế. Trường Đại học Tôn Đức Thắng được thành lập vào năm 1997, đã chuyển qua các mô hình khác nhau (dân lập, bán công, công lập). Về mặt quản lý nhà nước, trường Đại học Tôn Đức Thắng hiện có cơ chế tổ chức là trường đại học công lập, với cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Song về mặt tài chính, trường tự chủ tài chính, không nhận chi thường xuyên và chi đầu tư từ ngân sách nhà nước hay cơ quan chủ quản. Trường được tự quyết mức thu học phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định như một trường đại học ngoài công lập. Theo một báo cáo tổng kết do trường công bố vào tháng 5/2019, mỗi năm trường này tuyển trên dưới 6.000 sinh viên với quy mô đào tạo hơn 23.000 học viên, sinh viên. Trường có 1.340 cán bộ, giảng viên, viên chức (tính đến cuối 2018), trong đó hơn 50% nhân lực chuyên môn có trình độ tiến sĩ và đang hoàn tất nghiên cứu sinh. Tổng quỹ đất của trường Đại học Tôn Đức Thắng hiện có là hơn 100ha với 6 cơ sở ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Tính đến cuối 2018, trường đã tạo ra tổng giá trị tài sản đã đầu tư trên mặt đất hơn 2.200 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở và trang bị dạy-học-nghiên cứu đều là vốn tự tích lũy từ quá trình hoạt động. GS.TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết vì có xuất phát điểm là một đại học dân lập, trường Đại học Tôn Đức Thắng từ đầu đã bắt buộc phải tự lo cho mình mọi thứ kinh phí từ đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang bị, thiết bị, phòng thí nghiệm, chi trả lương cho bộ máy, chi thường xuyên khác, phát triển nhân sự… do ngân sách nhà nước hay công đoàn không thể chi các khoản nói trên cho một trường dân lập. Chính vì vậy, trường buộc phải tìm mọi cách để tự tồn tại, phải hoạt động thành công, vì thất bại có nghĩa là phá sản và phải đóng cửa. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…